Dân Việt

Tội phạm cướp giật đường phố ở Sài Gòn (Kỳ 1): 99,9% là con nghiện

PV 02/12/2018 09:59 GMT+7
Khi nạn cướp giật tại Sài Gòn lên đến mức báo động, cơ quan công an thì chậm can thiệp đã dẫn đến nhiều vụ việc người dân hành hung kẻ cướp một cách bất chấp luật pháp. Cho đến lúc lãnh đạo TP.HCM và lực lượng công an quyết tâm đẩy lùi nạn cướp giật, chỉ trong vòng 1 năm, tỷ lệ các vụ cướp giật giảm khá nhiều.

Cướp giật đường phố là hệ quả của nghiện ngập

Có thể điểm lại diễn tiến của các kiểu tội phạm từ trước đến nay để có câu trả lời cho việc vì sao tăng vì sao giảm của loại hình cướp giật đường phố trong thời gian qua. Cụ thể, khi đất nước mới thống nhất, tình hình trật tự trị an tại Sài Gòn hết sức hỗn loạn. 

Hàng loạt tội phạm sừng sỏ xổng ra từ trại giam Chí Hòa, quân lao Gò Vấp, trại giáo hóa Thủ Đức.… liên tục gây ra những vụ cướp của giết người, cướp giật đường phố. Ủy ban Quân quản (UBQQ) TP.HCM lúc bấy giờ đã thành lập lực lượng SBC (săn bắt cướp) và ngay lập tức, những tên tội phạm sừng sỏ nhất kẻ phơi xác giữa đường phố, kẻ đền tội nơi pháp trường… Tình hình trị an ngay lập tức vãn hồi!

img

Tuy nhiên có một mối liên quan rất rõ giữa hai loại tội phạm mà nếu có cơ hội tiếp xúc hoặc "nói chuyện cởi mở", chúng ta sẽ thấy rõ gần như lập tức. Ma túy tràn lan, mua dễ hơn mua con cá lá rau nếu như là giới giang hồ quen mặt, dẫn đến 99,9% tội phạm đều là con nghiện. 

Giá cả tuy không đắt so với các loại hình ăn chơi khác, nhưng giang hồ đâu phải lúc nào cũng rủng rỉnh mà nghiện ma túy, lấy tiền đâu để mua ma túy khi lên cơn nghiện? Tội phạm cướp giật đường phố, có thể nói chính là hệ quả của nghiện ngập.

Dũng Chùa, một giang hồ có số má dữ dằn ở khu Kho Đạn, Đa Kao, quận 1. Gã trả ít lắm là ba phần tư cuộc đời ở các kiểu trường trại, từ cưỡng bức, tập trung cho đến thành án. Toàn thành phố các quận huyện, không giang hồ nào không biết đến Dũng Chùa. Ở trại giam, ai nói là không thể có ma túy? Có tiền là có tất. Và chỉ những "đại bàng – đại bác" trại giam mới có điều kiện để sử dụng ma túy. 

Chính vì vậy, đôi khi để ngồi chiếu trên trong thế giới các đại ca, cũng phải chơi "tí hàng đen hàng trắng cho vui" để khẳng định đẳng cấp.

Ma túy, vốn là thứ dễ nghiện khó bỏ. Thế là các đại ca cầm tờ giấy ra trại trở về cố thổ, hành trang mang theo chỉ có một món: Nghiện oặt người! Dũng Chùa cũng nghiện nặng heroin và sái thuốc phiện chích thẳng vào mạch máu, do tác phong đại ca trường trại như thế, không thể khác hơn.

Dũng chùa về, quen thói đại ca, bèn rong chơi khắp cõi với một bầy kin kin sát thủ. Nhưng suốt ngày, hết kẻ này đến chiến hữu khác cho tiền Dũng mua ma túy về chơi, cũng oải. Dũng Chùa bèn đi cướp giật. Trúng ngày không có con mồi nào rơi vào tầm ngắm, thứ đến đang cơn vật vã thì ngồi còn ngáp lên ngáp xuống nữa là đi giật dọc. Dũng đến gặp Teo, ngụ ở Tân Bình, mua một cục hàng giá 50 ngàn cho qua cơn, tất nhiên tiền còn thiếu thì được cho nợ.

img

Cướp giật đường phố là hệ quả của nghiện ngập

Hôm sau, vừa giật được một giỏ xách có vài trăm ngàn của một bà nội trợ nào đó,  Dũng Chùa trả nợ quán cơm, nhà nghỉ, còn thừa đúng 50 ngàn, bèn lên gặp Teo mua một cục về chơi cho đỡ vã. Teo cầm 50 ngàn, vốn xem thường bọn giang hồ nghiện, gã tuyên bố: xiết nợ, muốn mua thêm tiền tươi mới bán! Dũng Chùa cay cú chửi Teo. 

Thứ giang hồ buôn bán hàng trắng cho giang hồ thường là thứ có máu mặt, Teo vào nhà lấy dao ra xử tội Dũng Chùa. Vừa nhào ra, Dũng Chùa chụp được dao đâm Teo chết tại chỗ. Lấy trường hợp Dũng Chùa để cho thấy, khi thiếu thuốc lên cơn vật vã thì kiểu nào cũng phải "cầm cữ" cho bằng được. Người lương thiện khó hình dung ra hệ quả của ma túy nếu như chưa từng thấy một gã giang hồ lên cơn đói thuốc!

Nếu có dịp thâm nhập vào một khu nhà trọ thuộc phường Tân Hưng quận 7, nhìn Long Ba lầu, một giang hồ quản lý nhà trọ, sẽ hiểu ngay "lịch làm việc" của những con nghiện ma túy gốc giang hồ cộm cán. Và đã hiểu lịch làm việc của giang hồ nghiện thì cũng sẽ rõ luôn vì sao cướp giật đường phố gia tăng tỷ lệ thuận với nạn nghiện ma túy.

Sinh hoạt của một nhóm cướp giật đường phố

Do sợ mất thành tích trong công tác, một số địa phương rất e ngại khi phải nhắc đến những ổ nhóm tội phạm trú ngụ nơi địa bàn mình quản lý. Chủ nhà trọ cũng rất biết điều hệt như những hàng quán lấn chiếm lòng lề đường. Nên trong con mắt đánh giá của người có trách nhiệm quản lý địa bàn: "Tụi nó làm gì thì làm, ở đâu không biết, không được gây án nơi mình đang quản lý!". 

Thế là giang hồ tội phạm luôn tuân thủ câu "chừa một phương lấy chồng" làm tôn chỉ chung sống hòa bình với cơ quan quản lý cấp địa phương. Chỗ rò lớn nhất của công tác phòng chống tội phạm phát xuất từ sự "đơn giản hóa những địa bàn phức tạp"!

Khu Cầu Đá, từ trước năm 1975 vốn là ao vũng sình lầy, lơ thơ vài nóc nhà của những người Bình Xuyên – Bảy Viễn. Đất hẹp người đông, ao vũng không còn dành cho cá tôm ếch nhái. San lấp sình lầy, hàng loạt khu nhà mọc ra. Và nhà trọ hết sức bình dân cũng ra đời ngày càng nhiều từ mạt hạng đến bình dân và thậm chí hơi có chút tiện nghi. Dăm bảy người bán vé số, hàng rong chung nhau thuê một phòng trọ 2-3 triệu đồng cũng có, các cô tiếp viên nhà hàng với giá 4-5 triệu cũng có.

Và cư dân giang hồ theo "tiếng gọi của gái" và trốn nợ tứ giăng, cũng tìm  đến. Người lương thiện bình thường nếu có dịp đi ngang hoặc bất đắc dĩ có việc cần, thì luôn tuân thủ câu: "không nghe, không biết, không thấy". Những tấm thân còm cõi nhưng xăm không thua gì một sở thú, những gương mặt hốc hác nhưng chẳng mất đi phần hung ác… ngồi dọc xóm.

Các kiểu giang hồ về thuê nhà trọ càng lúc càng nhiều. Qua khỏi Cầu Đá chưa đầy 200 mét, có một khu nhà trọ khá kiên cố, tất nhiên chỉ so với trong khu vực mà thôi. Nhóm kin kin mà gã cầm đầu trạc ngoài 30 tuổi, tự xưng là đàn em Cu Nhứt, một sát thủ thời Năm Cam, làm thủ lĩnh. Chúng thuê vài ba phòng và suốt ngày ru rú trong phòng cả nam lẫn nữ gần chục mạng, để "bú đá". Sinh hoạt nhếch nhác dơ dáy, nhưng gái đẹp ra vào nườm nượp. Khoảng trưa cho đến xế chiều, những tên giang hồ tuổi đời chưa đến 20 rời sào huyệt đi "săn hàng". Và khi trở về, hoạt cảnh "bú đá" và tình dục bầy đàn, lại tiếp tục.

Đó là mới điểm sơ một khu vực xem như sào huyệt của bọn cướp giật đường phố. Riêng quận 7, quận 8, Nhà Bè, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh… sào huyệt như thế, rất nhiều!

Cướp giật trên khu vực Cầu Kinh Tẻ, Cầu Chữ Y, Cầu Nguyễn Văn Cừ và những điểm nóng khác ở Sài Gòn, sẽ còn liên tục xảy ra, nếu như các cơ quan chức năng chỉ nhăm nhăm tiêu diệt chúng ngay nơi phạm pháp. Đặc xá trước thời hạn và trở về từ các trung tâm cai nghiện cung cấp một lượng tội phạm cho loại hình cướp giật trên đường phố gần như vô hạn. Nếu như nạn ma túy, đặc biệt là ma túy đá vẫn còn là vấn đề…