Dân Việt

Lấy "lời khai" điều tra vụ tát học sinh, Nhà trường đã lạm quyền?

Yến Linh 03/12/2018 11:27 GMT+7
Trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) đã tiến hành lấy phiếu điều tra 23 em học sinh về vụ cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy yêu cầu các học sinh tát em H.L.N. Đặc biệt, trên phiếu điều tra yêu nhà trường yêu cầu các em đầy đủ họ tên, ngày tháng và ghi rõ: “Lời khai của em…”.

Nhà trường "lấn việc" của công an?

Sau vụ học sinh bị tát 231 cái, là những học sinh tát bạn phải viết "lời khai" để thực hiện một cuộc điều tra nhằm làm rõ chuyện gì đã xảy ra trong vụ tát bạn ấy. Mình là phụ huynh và về luật mình là người giám hộ, mình thấy nhà trường có thể tiến hành điều tra theo kiểu của nhà trường, nhưng nếu lấy "lời khai", lại còn ghi tên và giới tính một cách rõ ràng theo như phần viết của học sinh thì nhà trường đã lạm quyền, lấn sân sang phần của công an, hoặc cơ quan công tố.

img

Lời khai của 1 học sinh về vụ cô giáo phạt tát em N. Ảnh:Vietnamnet

Nhà trường có thể tiến hành hỏi các học sinh về vấn đề này, thậm chí bằng văn bản, nhưng phải được sự chấp thuận của người giám hộ (bố mẹ, hoặc người được ủy quyền bảo vệ quyền lợi của trẻ vị thành niên). Không một hành động mang tính pháp lý nào được thực hiện liên quan đến quyền của trẻ nếu như không có sự chấp thuận của người giám hộ. 

Ở trường con mình, ngay cả việc chụp ảnh chung cả lớp và đưa vào kỷ yếu nhà trường và post lên trang web nhà trường mà trường vẫn còn phải gửi thư đến các phụ huynh để xin phép. Mỗi năm, nhà mình phải kí rất nhiều thư liên quan đến các vấn đề như thế này.

Nhà báo Trương Anh Ngọc - Hà Nội

Nêu tên trong phiếu khai là chuyện bình thường

Vụ án cô giáo phạt tát 231 với học sinh, cô giáo đã bị khởi  tố nên học sinh đóng vai trò là người làm chứng. Người làm chứng vừa có quyền và nghĩa vụ khai báo để xử lý một vụ án hình sự tránh việc oan sai cũng như bỏ lọt các hành vi phạm  tội.

Hành vi này của cô giáo không phải diễn ra một lần mà đã khá nhiều lần. Lúc này các bạn học sinh là người chứng kiến, nên căn cứ buộc tội cô giáo sẽ phụ thuộc vào lời khai của những người làm chứng cùng với các chứng cứ khác để thu thập như: Camera hay lời khai của chính cô giáo nhận tội.

img

Việc lấy lời khai người làm chứng dưới 18 tuổi cơ quan điều tra cũng như nhà trường nên mời người giám hộ là bố mẹ các em đến để cùng lấy lời khai, viết bản khai sẽ tốt hơn, đúng theo quy định. Điều này cũng giúp tránh những sự việc đáng tiếc gây ảnh hưởng đến tâm lý các em.

Trong sự việc này nhà trường cũng cần phải quản lý và có cách nhìn nhận, tính toán, sắp xếp lại công tác quản lý giáo viên cũng như giảng dạy trường mình cho tốt nhất. Nên tôi nghĩ việc đưa tên tuổi các em học sinh trong lớp để lấy lời khai trên phiếu thì ít nhất các em dám nói lên cái sự thật và đây là cách giáo dục các em về vấn đề trung thực, để cho các em dám đối đầu với những cái xấu. Nếu như bảo các em cứ viết đi và không nêu tên thì nếu như các em viết sai sự thật thì ai là người thẩm định lại cái sự thật này.

Tôi vẫn cho rằng việc nêu tên trong phiếu khai là chuyện bình thường giống như sau này đi khiếu nại tố cái không thể tố cáo nạc danh được.

Luật sư Nguyễn Tuấn Anh - Đoàn luật sư Hà Nội

Sao không điều tra bằng phiếu kín?

Việc điều tra lấy ý kiến học sinh như nhà trường là không sai, nhưng theo tôi thì nó chưa đúng phương pháp. Khi đọc bản báo cáo của cô hiệu trưởng về sự việc tôi thấy học sinh khai trên tờ khai của nhà trường có nhẹ hơn cho cô Thủy. Việc học sinh viết trên phiếu điều tra của nhà trường buộc học sinh phải ghi rõ họ tên, giới tính…có ảnh hưởng gì đến chất lượng của "lời khai" đó không?

Tôi nghĩ rằng sẽ không ít thì nhiều các em vẫn mang tâm lý sợ. Đó là sợ bị trù dập, sợ bị ảnh hưởng đến việc học về sau. Vì vậy, có thể  trong khi trả lời các câu hỏi của nhà trường đề ra đã khai giảm nhẹ hoặc phủ nhận hành động của cô giáo.

Nếu như nhà trường thật sự muốn điều tra để biết về sự thật, tôi nghĩ rằng nhưng lời động viên các em viết trên tờ phiếu kín thì có lẽ sẽ tốt hơn rất nhiều.

Nguyễn Thị Thu Huyền - Hà Nội