Không như người Kinh ăn tết cổ truyền vào tháng giêng âm lịch, các dân tộc ở Tây Nguyên thường ăn tết vào thời điểm giao thoa giữa hai mùa mưa và mùa khô, đây là thời điểm chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo trong năm và cũng là thời điểm tốt nhất để tổ chức các lễ hội tạ ơn các thần linh đã giúp đỡ cho mùa màng bội thu và cầu cho vụ mùa gieo hạt mới được mưa thuận gió hòa, lúa bắp đầy nương.
Cơm lam, thịt nướng trong mùa lễ hội |
Hàng năm, vào khoảng tháng ba hoặc tháng tư dương lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong, lúa đã đổ đầy gùi, các công việc đồng áng được gác lại thì người Tây Nguyên bắt đầu vào mùa nghỉ ngơi và chuẩn bị ăn tết riêng của mình.
Không như người Kinh ăn tết cổ truyền vào tháng giêng âm lịch, các dân tộc ở Tây Nguyên thường ăn tết vào thời điểm giao thoa giữa hai mùa mưa và mùa khô, đây là thời điểm chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo trong năm và cũng là thời điểm tốt nhất để tổ chức các lễ hội tạ ơn các thần linh đã giúp đỡ cho mùa màng bội thu và cầu cho vụ mùa gieo hạt mới được mưa thuận gió hòa, lúa bắp đầy nương.
Để chuẩn bị vật phẩm cúng tế thần linh trong những ngày lễ tết, ngay trong mùa vụ, đồng bào thường chọn ra những khoảng ruộng riêng để gieo cấy lúa gạo và nuôi nhốt riêng một số gia súc, gia cầm làm thực phẩm dành riêng cho những ngày này.
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, những vật phẩm dùng để tế lễ phải là thực phẩm được nuôi trồng và chăm sóc cẩn thận, đồng thời là những thực phẩm ngon nhất, đẹp nhất và sạch sẽ nhất. Có như vậy khi lễ vật đựơc dâng lên thì thần linh mới chứng giám và ban cho họ một cuộc sống yên ổn, sức khỏe dồi dào, làng buôn no ấm. Vì vậy, ẩm thực luôn là mối quan tâm hàng đầu và có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc ở Tây nguyên trong mùa lễ tết.
Có thể thấy nhiều món ăn truyền thống vô cùng phong phú và đa dạng được thực hiện trong dịp này. Tuy nhiên, đối với đồng bào Tây nguyên, thức ăn phổ biến vẫn là cơm thịt và rau được chế biến theo nhiều cách khác nhau, tùy từng phong tục, tập quán và khẩu vị của mỗi dân tộc.
Cơm lam được sử dụng phổ biến và được coi là món ăn truyền thống thay thế các loại bánh trong ngày lễ tết, và được ví như bánh chưng, bánh tét của người Kinh. Là một loại cơm được nấu trong ống nứa nên gạo được chọn để nấu cơm lam thường là gạo nếp. Cơm lam được nấu theo cách thức gạo vo sạch, ngâm trong nước một đêm rồi đổ vào trong những ống nứa dài. Ống nứa đựng gạo là những ống có độ tuổi vừa phải, lòng ống mềm, bên trong chứa nhiều nước ngọt để khi nướng lên, gạo sẽ được hấp hơi nước trong ống mà chín.
Nấu cơm lam cũng là một công đoạn đòi hỏi có kỹ thuật. Để cơm không cháy và chín đều, khi nướng lửa than phải thật hồng, ống cơm luôn được trở đều tay cho đến khi vỏ nứa khô, sem sém, mở đầu ống nứa, thoảng mùi thơm của nếp thì cơm đã chín. Ống cơm khi đã thành phẩm chỉ cần dùng tay bật nhẹ, thân ống sẽ tách rời ra, hé lộ bên trong lớp màng trắng mỏng của vỏ nứa, bọc quanh những hạt gạo dẻo, thơm, nóng hổi, dậy mùi thơm, đậm vị ngọt của hương rừng.
Đi cùng với cơm lam là thịt nướng. Có hai loại thịt phổ biến mà đồng bào Tây nguyên thường dùng để nướng là thịt gà và thịt heo. Thịt gà khi nướng thường được mổ banh rồi nướng trực tiếp trên bếp than. Thịt heo thái bản, luồn thành những xâu dài bởi những cây xiên bằng tre nhọn đầu gọi là thịt nướng xâu. Thịt có thể được thái nhỏ gói trong lá chuối rồi vùi vào tro nóng hoặc cho vào ống nứa với muối, ớt rồi nướng như cơm lam gọi là thịt nướng ống. Thịt nướng ống hay thịt gói lá chuối đều được thực hiện trực tiếp trên lửa, tuy nhiên so với thịt nướng xâu, cách chế biến này thường giữ được vị đậm đà, thịt ngọt, mềm và không bị khô, xát.
Thịt gà nướng |
Bên cạnh các món nướng, các loại thức ăn được làm từ rau, bột hoặc thịt sống bóp gỏi cũng là một nét ẩm thực rất đặc trưng. Bột gạo giã chung với các loại rau, quấy thành món canh đặc, đựng trong lá chuối hay lá rừng là một trong những món ăn phổ biến không thể thiếu trong ngày lễ tết của người Tây Nguyên.
Ngoài ra, món thịt bóp sống cũng thường được làm để dâng cúng thần linh trong dịp hội lễ. Đây là món được làm từ thịt của những loại gia súc giết mổ để hiến tế. Thịt sống được bóp với phèo non còn nóng của heo, bò, dê mới được giết mổ, tạo thành một món ăn chín tái rất hợp khẩu vị của nam giới. Ngoài các món trên, đồng bào còn có các món đưa men khác dùng để khoản đãi những người đến dự lễ được làm từ phủ tạng của các loài vật trên như món lá sách cuộn gan bò hay tiết canh dê, bò, heo trộn lòng, gan, bao tử... Tuy nhiên các món này chỉ dành cho nam giới hoặc thanh niên uống rượu, trẻ con ít được ăn.
Đi kèm với các món ăn trong mùa lễ tết không thể thiếu rượu cần. Rượu Cần được làm từ chính những nguyên liệu có sẵn của núi rừng như gạo, nếp, ngô, kê, sắn... trộn với lá cây rừng ủ thành men. Để ghè rượu cần được ngon, đậm đà hương vị, ngoài các nguyên liệu trên, rượu còn được ủ thêm ớt, mía, gừng hoặc riềng để tăng thêm vị ngọt và cay cho rượu. Rượu ngon là rượu được ủ với gạo nếp, khi chín có màu vàng ươm, cay nồng và đặc sánh.
Thông thường những ghè rượu Cần ngon nhất là vật phẩm để dâng cúng thần linh và được dành riêng để tiếp đãi khách quý. Trong lễ tết, những ché rượu Cần được sắp thành những hàng dọc dài hoặc xen kẻ với những gói lá đựng thức ăn để mọi người có thể ngồi đối mặt với nhau, vừa ăn, vừa uống rượu và trò chuyện.
Rượu Cần là thức uống ngon, dân dã và là loại thức uống truyền thống duy nhất mà đồng bào Tây Nguyên sử dụng trong mùa lễ tết của mình. Cách thức ăn và uống rượu Cần thể hiện tính cộng đồng cao của đồng bào Tây Nguyên trong các mùa hội lễ, đồng thời thể hiện mối quan hệ tình cảm gắn bó giữa con người với thiên nhiên, giữa đất trời và cỏ cây hoa lá.
Rượu cần và các món ăn |
Ngày nay ẩm thực truyền thống mùa lễ tết của người Tây Nguyên đã trở thành đặc sản có sức hấp dẫn, thu hút và mời gọi du khách đến với Cao Nguyên, vùng đất hoang sơ, kỳ vĩ cùng các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc mỗi dịp xuân về tết đến.
Nguyễn Thị Thanh Lan