Dân Việt

"Cấm cửa" vừa họp vừa kết hợp tham quan, giải trí

Quốc Phong 03/12/2018 17:49 GMT+7
Cái hay của Quyết định 45 quy định 5 trường hợp không được tổ chức họp chính là Chính phủ đã bắt mạch đúng một tệ hại của việc họp hội nghị ở xa nơi trung tâm hành chính, gắn với mục tiêu kết hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giao lưu là chủ yếu.

Từ 15.12 tới đây, theo Quyết định 2018/QĐ-TTg ngày 9.11.2018 quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính Nhà nước, sẽ có 5 trường hợp không được tổ chức họp.

Trong 5 trường hợp được quy định ấy, có 1 trường hợp khiến tôi rất tâm đắc, bởi đây chính là một vấn nạn rất không nên. Nó lâu nay có sự thiếu minh bạch mà các cơ quan nhà nước hay lạm dụng quá đà và dẫn đến việc chất lượng, mục tiêu cuộc họp nhiều khi trở thành thứ yếu của chuyến công cán. Đó là việc không được họp kết hợp với tham quan, giao lưu, nghỉ mát hoặc dùng hình thức họp để tổ chức vui chơi, giải trí cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính nhà nước.

Theo Quyết định 45 nói trên, 4 nội dung khác nữa cũng không được tổ chức họp. Đó là cuộc họp giải quyết các công việc thường xuyên trong tình hình có thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp; họp giải quyết công việc đã được phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan hành chính cấp dưới giải quyết; họp giải quyết công việc đã được pháp luật quy định bằng các cách thức khác không phải thông qua cuộc họp; họp nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của cấp dưới thay thế cho việc kiểm tra trực tiếp đối với các cơ quan, đơn vị cấp dưới và cơ sở.

Tôi nghĩ, bên cạnh việc đưa công nghệ 4.0 vào điều hành mọi công tác tại các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, Đảng  và Chính phủ cũng  còn có nhiều động thái tích cực trong thời gian gần đây như bãi bỏ nhiều thủ tục cấp phép, xin ý kiến cấp trên để giải quyết một cách không cần thiết vì đã phân theo thẩm quyền xử lý nhằm tiết giảm thủ tục hành chính, tránh đùn đẩy mà lâu nay các cơ sở địa phương (đồng thời cũng là chủ thể vi phạm), đặc biệt là doanh nghiệp kêu trời. Và lần này, mục tiêu của Chính phủ là tiết giảm các cuộc họp không cần thiết, gây lãng phí. 

Như vậy, trong nội dung quy định mới này, ngoài việc quy trách nhiệm cho người lãnh đạo cơ sở hạn chế họp hành rềnh rang, tránh trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu bằng cách tổ chức họp để xin ý kiến tập thể thì nay cũng sẽ không còn. 

Cái hay của Quyết định 45 vừa qua chính là Chính phủ đã bắt mạch đúng một tệ hại của việc tổ chức họp hội nghị ở xa nơi trung tâm hành chính, gắn với mục tiêu kết hợp nghỉ dưỡng, vui chơi giao lưu là chủ yếu.

Chúng ta hay chứng kiến việc nội dung họp thì chỉ diễn ra nửa ngày hoặc 1 ngày là xong. Thế nhưng lại bố trí lịch “họp” có đến 3 ngày, để dành 2 ngày còn lại cho giao lưu, nghỉ ngơi. Nếu chi phí cuộc họp được tách bạch rạch ròi, phần nghỉ dưỡng người đi họp phải đóng góp, thì chắc gì có ai đến dự. Vậy nên tất cả được nằm trong chi phí hội nghị và được quyết toán, thì ngân sách giàu mấy cũng chịu sao nổi, nói gì cải thiện chế độ lương.

Đó là chưa đề cập đến tình trạng nhiều đơn vị tổ chức hội nghị còn gây phiền hà cho địa phương, vì họ cũng phải hỗ trợ kinh phí đón tiếp nếu đơn vị tổ chức hội nghị là trên bộ, ngành trung ương nhờ vả. "Vinh hạnh” cho địa phương đâu chưa thấy mà chỉ thấy sẽ ngốn thêm ngân sách, nhiều khi địa phương lại rất nghèo, sống nhờ “bầu sữa” trung ương rót xuống. Ấy là chưa kể, nhiều khi “khách 3 chủ nhà 7” vô cùng tốn kém...

Cách đây không lâu, chúng ta cũng mới ban hành một quy định bằng một chỉ thị của Ban bí thư Trung ương Đảng, là mọi lễ mít tinh, kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống chỉ được tổ chức vào năm chẵn. Đồng thời cũng không được mua sắm tặng phẩm (hoặc tiền) làm quà cho đại biểu... Theo tôi, chủ trương này cũng rất thiết thực và rất hay, nên thực hiện ngay. 

Rồi trước đó nữa, chúng ta cũng có quy định mọi khoản chi bồi dưỡng bằng "phong bì” (thực chất là tiền) trong các cuộc họp cũng không còn nữa. Mục đích là để tiến tới mọi khoản thu nhập ngoài lương, nếu có, sẽ được bù đắp  bằng thu nhập qua lương, làm sao cho công bằng hơn. Đây cũng là một biện pháp hạn chế các chế độ thu chi chưa phù hợp về tài chính ngân sách vốn đang có nhiều khoản chưa khoa học,minh bạch và cũng chưa phù hợp ...

Tôi cảm nhận, nếu chúng ta triển khai nghiêm túc những việc như vừa nêu, đây sẽ là những cách làm hiệu quả nhằm giúp tăng thu ngân sách thiết thực hơn rất nhiều. Bởi qua đó sẽ tránh đi việc phải chi những thứ không cần thiết và lãng phí tiền của dân đóng thuế.

Để làm tốt những việc nói trên, các cơ quan truyền thông rất cần vào cuộc để biểu dương những ngành, địa phương làm tốt và ngược lại, chỉ ra nhưng nơi chưa thực hiện nghiêm túc trên tinh thần nhắc nhở, xây dựng. Tôi nghĩ, có thể qua những cách làm tích cực này, GDP nước nhà chưa chắc đã cần tăng mạnh hàng năm mà đời sống người dân vẫn được cải thiện, vẫn có ngân sách để tiếp tục đầu tư. Đó mới là sự tăng trưởng kinh tế thực chất, lành mạnh, chỉ bằng việc tiết kiệm, không lãng phí. Riêng trong việc họp hành như Quyết định 45 nêu, nó còn tiết kiệm cả thời gian, bởi thời gian, xét ở nhiều góc độ cũng là vàng, là tiền.