Dân Việt

Bộ trưởng Bộ NNPTNT: Điều vô lí của ngành tiêu, 3 năm rối loạn giá

Nguyên Vỹ 04/12/2018 11:42 GMT+7
Với một ngành hàng được coi là đặc biệt quan trọng xét ở nhiều khía cạnh, nhưng lại rơi vào thảm cảnh 3 năm liên tiếp rớt giá là 1 điều vô lí đối với ngành hồ tiêu.

Tại Hội nghị quốc tế ngành hồ tiêu Việt Nam 2018, tổ chức tại TP.HCM sáng ngày 4.12, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn nêu ra thực trạng này để cùng tìm nguyên nhân cũng như biện pháp phát triển bền vững cho hồ tiêu Việt Nam trong thời gian tới.

img

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng các thành phần tham gia chuỗi hồ tiêu chưa đồng chuẩn theo 1 vector khiến thị trường biến đảo rối loạn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo Bộ trưởng, hồ tiêu có một vị trí đặc biệt trong đời sống nói chung và ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng. Hồ tiêu đặc biệt trước hết ở gia vị đặc trưng. Thứ hai, là ngành tuy có diện tích sản xuất không lớn nhưng giá trị lại không hề nhỏ.

“Điều đặc biệt nữa là ngành này lại rơi vào tình trạng 3 năm liền xuống giá. Đây là điều phi lí với một ngành đặc thù như hồ tiêu. Nó đưa đến thảm cảnh làm cho cả người sản xuất lẫn người tham gia chuỗi cung ứng đều bị động. Nguy cơ rủi ro có thể ra xảy ra bất cứ lúc nào làm đe dọa ngành hàng”, Bộ trưởng nói.

“Hồ tiêu trong nước có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển nhưng tại sao chỉ trong vòng 5 năm, diện tích tăng gấp 3 lần, giá trị bị đảo ngược từ cao xuống thấp?”, vị lãnh đạo ngành nông nghiệp đặt câu hỏi.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận thảm cảnh này bắt nguồn từ chỗ các thành phần tham gia chuỗi từ Trung ương, địa phương, doanh nghiệp đến người sản xuất chưa đồng chuẩn theo 1 vector.

img

Thảm cảnh rớt giá liên tục làm cho cả người sản xuất lẫn người tham gia chuỗi cung ứng hồ tiêu đều bị động, gặp nhiều nguy cơ. Ảnh: Nguyên Vỹ

“Thị trường biến đảo rối loạn, xáo trộn không mang tính ly tâm, giá cả đảo chiều nhảy từ cực nọ sang cực kia. Đến giờ, giá tiêu tiệm cận cả giá thành, làm đe dọa cả ngành hàng trong nước”, Bộ trưởng chỉ ra nguy cơ.

Hội nghị quốc tế ngành hồ tiêu Việt Nam 2018 vì thế được đánh giá là cuộc gặp quan trọng với cả Bộ trưởng, Thứ trưởng, các Cục trưởng ngành nông nghiệp cùng với các nhà nhập khẩu gia vị hàng đầu thế giới, các hiệp hội hồ tiêu trong nước và quốc tế tham gia. Đây là cơ hột tốt để liên kết nhau, tránh triệt tiêu lẫn nhau, cùng thế giới hướng tới phát triển hồ tiêu bền vững.

Trong thời đại công nghệ đang phát triển, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tin tưởng hồ tiêu vẫn còn nhiều dư địa phát triển; nhiều cơ hội đa dạng hóa ngành hàng, chủng loại sản phẩm. Các thành viên trong hiệp hội thế giới vẫn có thể tìm thấy chỗ đứng và giá trị đúng mức cho sự đóng góp của mình.

Với Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, Bộ trưởng đề nghị cần tiếp tục tôn trọng, giữ vững từng tôn chỉ mục đích sao cho đúng nghĩa để từ đó có định hướng phát triển, sản xuất phù hợp cho thị trường toàn cầu.

Với Việt Nam, Bộ trưởng cho biết ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tuân thủ nhiệm vụ không tăng diện tích, thậm chí phải giảm trong thời gian tới. Ngành nông nghiệp sẽ tái cơ cấu lại theo hướng không tăng diện tích nhưng nâng cao hơn chất lượng sản phẩm.

Từ đó, Bộ trưởng cũng đặt yêu cầu ngược lại với cộng đồng doanh nghiệp và người sản xuất trong nước phải tuân thủ chủ trương lấy chất lượng và an toàn thực phẩm làm đầu để cùng cam kết thực hiện. Việt Nam có 1 bộ phận làm tiêu hữu cơ. Thời gian tới Bộ và Chính phủ sẽ tiến tới ban hành quy định sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ để thể hiện quyết tâm của Chính phủ và ngành nông nghiệp Việt Nam với ngành hàng này.

img

Ngành nông nghiệp hướng tới sản xuất hồ tiêu bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Nguyên Vỹ

“Nhà nước sẽ cùng đồng hành với ngành hồ tiêu hướng đến phát triển bền vững, đem lại thu nhập ổn định trước hết cho nông dân. Đồng thời, tìm biện pháp xây dựng bền vững hồ tiêu Việt Nam trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu”, Bộ trưởng cam kết.

Theo ông Nguyễn Nam Hải – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, năm 2017, Việt Nam mất mùa nhưng do diện tích tăng nên nguồn cung nguyên liệu tăng. 6 tháng đầu năm 2018, giá hồ tiêu diễn biến phức tạp theo hướng giảm mạnh, đem lại nhiều rủi ro cho cả nông dân lẫn doanh nghiệp.

Giá xuất khẩu tiêu đen 6 tháng đầu chỉ còn 3.2644 USD/tấn, giảm gần 40%; tiêu trắng giảm còn 4.968 USD/tấn, giảm 38% so với giá trung bình cùng kỳ năm 2017.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nhận định năm 2019, diễn biến thời tiết không có dấu hiệu gì bất lợi cho hồ tiêu toàn cầu. Nguồn cung từ các nước sẽ ổn định. Hồ tiêu các loại do vậy giá cả sẽ khó đi lên như các năm trước. Trong nước, hồ tiêu cũng sẽ không giảm mạnh do nông dân đều đã không còn tìm thấy hiệu quả kinh tế cao từ ngành hàng này.

“Nông dân không còn đầu tư mạnh và trồng mới, mà đang có hướng chuyển đổi sang trồng xen canh với cây khác. Tuy nhiên vẫn không chặt bỏ vườn cũ nên nguồn cung trong nước và thế giới sẽ dần cân đối với nhu cầu chung”, ông Hải nhận định.