Dân Việt

Gốc rễ sâu xa của bạo loạn "áo khoác vàng" ở Paris

Ngọc Hà 04/12/2018 18:05 GMT+7
Chính sách tăng giá xăng của Tổng thống Pháp Macron là giọt nước tràn ly, thổi bùng làn sóng biểu tình xuất phát từ bất mãn và nỗi sợ vốn đã len lỏi trong người nghèo từ lâu.

Dưới đáy giỏ hàng của anh Florian Dou không có gì nhiều ngoài một gói xúc xích 6 USD trong siêu thị giảm giá ở thị trấn Guéret, miền Trung Nam nước Pháp. Cuối tuần trước cũng là lúc tháng 11 kết thúc, “lương của vợ chồng tôi đã hết được 10 ngày”, anh giãi bày.

Mỗi tháng, anh Dou, nhân viên kho hàng, đối mặt với một thách thức – đó là làm sao để sống tiếp những ngày tiếp theo cho đến khi lương về. Tuy nhiên, anh không phải là người duy nhất rơi vào tình cảnh phải chật vật sống qua ngày.

Tình trạng chung ở thị trấn Guéret ảm đạm là điều khiến anh tức giận và quyết định dùng hết số tiền còn lại, lái hơn 400 km tới Paris để tham gia biểu tình hôm 1.12. Tại đây, anh đối mặt với cảnh sát, hơi cay, vòi rồng và đạn cao su.

“Chúng tôi biết họ sẽ được cử tới để dẹp chúng tôi”, anh nói với New York Times vào hôm sau cuộc biểu tình. "Họ chẳng tử tế gì", nhưng anh tuyên bố những người biểu tình sẽ không đi đâu hết.

img

Florian Dou đi mua đồ tại siêu thị ở Guéret, Pháp. Ảnh: New York Times.

Sự phẫn nộ, oán giận

Phong trào biểu tình “áo khoác vàng” mà Dou tham gia là biểu hiện của sự phẫn nộ, oán giận mà tầng lớp lao động trút lên hàng loạt bất công chồng chất đang làm xói mòn cuộc sống của họ. Tình trạng bất ổn bắt đầu khi người dân phản ứng với quyết định tăng giá xăng của chính phủ. Sự bất mãn trở nên ngày càng sâu sắc trong suốt 3 tuần qua, với đỉnh điểm là cuộc bạo loạn hôm 1.12.

Không có tổ chức hay người lãnh đạo mà chủ yếu dựa vào mạng xã hội để lan truyền thông tin, những cá nhân tự phát di chuyển từ các vùng nông thôn nghèo tới bờ sông Seine, nơi họ tập hợp thành đám đông biểu tình mà không ai còn có thể làm ngơ.

Ngày 2.12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới thủ đô Paris thị sát đài tưởng niệm bị phun sơn với những dòng chữ graffiti nguệch ngoạc và đồ vật thiệt hại nằm ngổn ngang trên một trong những đại lộ mua sắm giàu nhất châu Âu. Biểu tình diễn ra khắp cả nước đã khiến 3 người thiệt mạng, hơn 260 người bị thương và ít nhất 400 người bị bắt giữ. Trong cơn khủng hoảng phong trào "áo khoác vàng" lan rộng, Tổng thống Macron đã triệu tập cuộc họp nội các và cân nhắc khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp.

Ông Macron từng khẳng định rằng, khác với những người tiền nhiệm, ông sẽ không chùn bước dù người dân phản đối rộng rãi đối với các cải cách. Đây cũng là đường lối cứng rắn mà nhiều nước châu Âu lựa chọn.

Người biểu tình nhạo báng Macron là tổng thống của người giàu, và rằng ông đang cố cân bằng ngân sách của mình trên lưng của dân thường trong lúc "giả điếc" với lo lắng của họ.

Nhưng, trong khi những tấm kính vỡ vụn, ôtô cháy đen dọc Rue Rivoli và Đại lộ Haussmann ở Paris rốt cuộc đã thu hút sự chú ý của tổng thống, phong trào "áo khoác vàng" thực chất đã lên cao tại những thị trấn lặng lẽ như Guéret với dân số 13.000 người, nằm tách biệt giữa những thung lũng nhỏ ở miền Trung nước Pháp.

img

Guéret nằm ở tỉnh Creuse, tỉnh nghèo thứ hai cả nước. Ảnh: New York Times.

Xa khỏi những thành phố lớn, Guéret nằm ở một trong những vùng nghèo nhất cả nước. Ở đó, bệnh viện công là nơi sử dụng nhiều lao động nhất. Quán café ở quảng trường chính vắng tanh tới giữa chiều. “Xác” ôtô cháy đen nằm chình ình trong bãi đỗ xe chật hẹp của ga tàu cũ tàn, bị bỏ hoang vì người dân quá nghèo để có thể duy trì chúng.

Tại đó, nỗi sợ hãi âm thầm len lỏi vào các hộ gia đình: Chuyện gì sẽ xảy ra khi mới tới ngày 20 của tháng mà tiền đã hết? Tôi lấy gì bỏ vào tủ lạnh khi trong tài khoản chẳng còn một xu và hóa đơn tiền điện hãy còn đó? Tôi nên bỏ bữa nào hôm nay? Tôi sẽ lại nói vợ rằng chúng tôi không thể đi chơi cuối tuần này như thế nào đây?

Dou và hàng xóm cùng chung cảnh ngộ, và cũng đều tham gia vào các cuộc biểu tình. Trong tủ lạnh của chị Laetitia Depourtoux là những tảng thịt đông, món quà 2 lần/năm của người bố là nông dân và cũng là khẩu phần thịt của cả nhà 6 miệng ăn. Vào những đêm trời lạnh, Joel Decoux đốt củi tự chặt bởi ông không có đủ tiền mua gas cho lò sưởi.

Tuy chưa phải là tình trạng nghèo cùng cực, nhưng đây là mối lo, sự bứt rứt kéo dài ở các thành phố nhỏ, thị trấn và những ngôi làng thuộc “một nước Pháp khác”, tách biệt khỏi những đại lộ Paris hoa lệ.

“Chúng tôi chung sống cùng căng thẳng”, Fabrice Girardin, thợ thi công thảm cuộn 46 tuổi, nói. Ông giờ nhận chăm sóc thú nuôi để có đủ tiền sống qua ngày. “Tháng nào cũng vậy, cứ vào cuối tháng, chúng tôi lại tự hỏi liệu có đủ để ăn hay không”.

Élysée của người dân

Người ta có thể bắt gặp người biểu tình "áo khoác vàng" ở nơi có rào chắn đường vào thị trấn. Họ là tài xế xe tải, xe buýt trường học, y tá, thợ điện thất nghiệp, nội trợ, nhân viên trông giữ kho hàng, công chức bán thời gian và công nhân xây dựng khuyết tật.

Dou là một trong số đó. Anh cũng kể rằng cậu con trai 9 tuổi của anh chưa bao giờ được đi du lịch. Tổng thu nhập mỗi tháng của anh là 1.300 euro (khoảng 1.475 USD) và số tiền này “bốc hơi ngay lập tức theo các hóa đơn”. Sau khi đóng thuế và chi trả cho các nhu yếu phẩm đắt đỏ hàng ngày, anh hầu như không còn gì.

Để tham gia vào cuộc biểu tình, anh Dou và nhiều người khác đợi từ lúc trời tối ở giữa bùng binh, trong trời mưa, lạnh và bùn ở căn lều bạt dựng tạm. Trên một chiếc lều có dòng chữ “Élysée của nhân dân”, mỉa mai Điện Élysée, nơi Tổng thống Macron đang làm chủ. “Macron, ông ta đi với những ông chủ lớn. Macron, ông ta quay lưng với người dân”, một ca sĩ hát trên radio.

img

Những người biểu tình "áo khoác vàng" dựng lều ở vòng xuyến tại Vaury, Pháp. Ảnh: New York Times.

Dou cho biết đã tham gia phong trào ngay từ những ngày đầu và là một trong những gương mặt thường xuyên xuất hiện ở vòng xuyến tại Guéret tuần trước. Anh ở đó lúc 11h đêm 29.12, dù trời mưa, và hôm sau cũng có mặt.

Dou nói động lực của anh là “khôi phục những ưu tiên của đất nước. Đó là giá trị về sự tự do, bình đẳng và bác ái”. Quyết định tăng giá xăng “là thứ châm ngòi cho tất cả”.

Hiện tại, anh cảm thấy phong trào đã thành công khiến chính phủ lo sợ. “Họ không biết phải làm gì. Họ đang hoảng hốt”, anh nhận định.

Hầu như mọi chiếc ôtô đi qua đều bấm còi thể hiện sự đồng cảm. Nhưng nhóm biểu tình biết rằng tiếng hô vang của họ cũng chẳng thể vượt qua khoảng cách địa lý xa xôi để thực sự có sức mạnh ở Paris. Đó là lý do thôi thúc họ đưa cuộc biểu tình đến thủ đô.

Ngày 30.11, Dou chuẩn bị cho hành trình tới Paris, mua một số đồ vật cần thiết vào phút cuối, trong đó có dung dịch bảo vệ mắt khỏi hơi cay. Anh đi chung xe với một số “chiến hữu” quen được ở bùng binh.

Yoann Decoux, khoảng 30 tuổi, là một thợ điện thất nghiệp. Anh được phong trào biểu tình chọn làm người phát ngôn và từng bị bắt tại Paris.

“Tôi chưa bao giờ tham gia biểu tình chính trị trước đây. Tuy nhiên, giờ chúng tôi phải nói là mọi thứ đã quá sức chịu đựng rồi”, anh Decoux nói.

“Họ thậm chí không biết chúng tôi chật vật sống qua ngày như thế nào bằng đồng lương ít ỏi. Nhưng Chúa ơi, chúng tôi cũng là con người mà!”, Decoux kể anh chỉ ăn rau để sống và nhờ vào sự giúp đỡ từ người cha làm nông dân.

Không một người biểu tình nào ở Guéret bày tỏ sự ủng hộ với chính trị gia. Hầu hết đều nói rằng họ chán ghét chính trị. Khi Michel Vergnier, thị trưởng Guéret, tới gặp người biểu tình, ông không được chào đón.

“Họ hắt hủi chính trị gia. Họ đều là những người đứng ngoài tất cả các tổ chức chính trị và nghiệp đoàn”, ông Vergnier cho hay.

Theo biểu tình tới cùng

Cuối tháng, người biểu tình "áo khoác vàng" đều nói rằng họ đã “cháy túi”.

“Ngay lúc này đây, tôi không có dù chỉ một đồng”, ông Girardin nói. Vợ của ông đã đi chợ với khoảng 40 euro vào thứ 4, hôm 28/11. Đến cuối tuần thì họ chẳng còn gì để trông cậy vào.

Điều này giải thích vì sao kế hoạch tăng giá xăng của Tổng thống Macron trở thành “giọt nước tràn ly” đối với nhiều người, thổi bùng cơn phẫn nộ sôi sục nhiều năm, dù mức tăng có thể không nhiều.

Girardin kể rằng xe của ông không có xăng. Ông bỏ công việc trải thảm vì lương tháng đình trệ chỉ có 1.200 euro (khoảng 1.360 USD), nhưng giờ cũng chẳng khá hơn.

“Ngay khi vừa trả hết các hóa đơn, chúng tôi không còn chút tiền nào”. Bữa tối của ông là mỳ, có thể với một chút thịt bò băm. “Đôi khi tôi muốn đưa vợ đi ăn nhà hàng, nhưng không thể”, ông Girardin nói. Không những vậy, bị áp lực tài chính đè nặng, vợ ông đã mắc chứng trầm cảm.

img

Người biểu tình "áo khoác vàng" đối mặt với cảnh sát tại Paris ngày 2.12. Ảnh: AFP/Getty.

Đối với vợ chồng chị Depourtoux, y tá ca đêm tại bệnh viện thị trấn, việc nuôi 4 đứa con và chi trả hàng loạt hóa đơn khiến tổng thu nhập 3.300 euro/tháng (khoảng 3.740 USD) của hai vợ chồng đều “nhanh chóng ra đi”. Ngân hàng cũng từ chối cho họ vay thêm tiền.

Cả hai người đều tham gia nhóm biểu tình "áo khoác vàng" và đến Paris cuối tuần trước. “Chừng nào biểu tình còn tiếp tục, chúng tôi sẽ theo tới cùng”, anh Depourtoux khẳng định.

“Chúng tôi sống, nhưng phải rất dè dặt. Chúng tôi không thể tới nhà hàng. Mọi niềm vui nhỏ bé của cuộc sống đều biến mất”, anh Depourtoux nói. Bố mẹ anh cũng phải sống trong cảnh cùng cực: bố anh đang ở trong trại dưỡng lão còn mẹ anh buộc phải nhận bữa ăn từ thiện để sống.

Elodie Marton, mẹ của 4 đứa con, cũng tham gia nhóm biểu tình bên ngoài thị trấn. Chị giãi bày: “Chúng tôi không sống nổi đến cuối tháng”.

“Tôi còn 10 euro”, Marton nói trong lúc khoảng 10 người cố giữ ấm xung quanh ngọn lửa được đốt trong chiếc thùng sắt. “May là tôi còn vài con vật ở nhà”, như gà, vịt, “và chúng tôi nuôi chúng đến khi hết tháng. Nghe có vẻ dã man nhưng ưu tiên của tôi là các con".

“Chúng tôi chán ngấy và tức giận!”, Thomas Schwint, chồng chị, hét lên. Anh vận chuyển xi măng theo hợp đồng tạm thời 1.200 euro/tháng (hơn 1.360 USD).

Nhóm người biểu tình ở Guéret giận dữ với chính phủ sẽ quyết tâm tiếp tục biểu tình.

“Phản hồi của họ khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Người dân yêu cầu giảm thuế còn họ thì nói về ‘sinh thái’”, anh Depourtoux nói, nhắc đến bài phát biểu của Tổng thống Macron vào tuần trước khi ông tuyên bố kế hoạch chuyển tiếp từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Trong lúc đó, tại bùng binh, tài xế xe tải Laurent Aufrere đang quyết định xem nên bỏ bữa nào trong ngày. “Nếu tôi ngừng chạy xe, tôi sẽ chết. Đây không phải chuyện đùa. Những gì đang xảy ra bây giờ là cuộc nổi dậy từ người dân”, ông nói.