Dân Việt

“Cần câu cơm” của nông dân nghèo

Liễu Thị Chang 04/12/2018 20:42 GMT+7
"Nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH là cơ hội, động lực cho những hộ nông dân khó khăn muốn thoát nghèo..” -đó là chia sẻ của anh Đặng Văn Lương, “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018”.

Thành tỷ phú từ vốn vay ưu đãi

Anh Đặng Văn Lương ở thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn, (Lạng Sơn) là 1 trong những hộ sử dụng vốn vay rất hiệu quả. Ngoài diện tích vườn cây ăn quả hơn 2ha, anh Lương còn đầu tư nuôi lợn, vỗ béo trâu mỗi năm thu nhập hơn 1 tỷ đồng.

Anh Lương thổ lộ: “Những năm đầu, vợ chồng tôi rất khó khăn do không có vốn làm ăn. Năm 2003, được Ngân hàng CSXH cho vay 30 triệu đồng chương trình tín dụng hộ nghèo, tôi mới đầu tư trồng quýt vàng Bắc Sơn và chăn nuôi. Có thu nhập đều đều, tôi lại mở rộng quy mô vườn cây ăn quả, đến nay gia đình tôi thoát nghèo và hoàn trả vốn vay đúng hạn… vươn lên khấm khá”.

img

 Anh Phan Văn Hiền phát triển vườn quýt vàng đặc sản từ vốn vay ưu đãi, thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
ảnh P.V

Cũng được Ngân hàng CSXH cho vay vốn làm ăn, anh Phan Văn Hiền ở xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn cho hay, khi gia đình còn khó khăn, nguồn vốn eo hẹp, thông qua Hội ND xã, tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội, gia đình anh đã được Ngân hàng CSXH cho vay vốn để đầu tư nuôi trâu, bò, phát triển vườn cây ăn quả. Sau khi có nguồn thu nhập ổn định, gia đình anh Hiền đã hoàn trả lại đủ cho ngân hàng. “Với thủ tục vay đơn giản, lãi suất vay thấp, vốn vay Ngân hàng CSXH là “cần câu cơm” hiệu quả cho dân nghèo vùng cao như chúng tôi” - anh Hiền nói.

Ông Nguyễn Thanh Lạng-Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Sơn cho biết: Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã có vốn đầu tư chăn nuôi, trồng rừng, kinh doanh… Vốn ưu đãi giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu trên địa bàn.

Từ năm 2002 đến năm 2018, vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 3.000 lượt hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu; trên 1.000 hộ có điều kiện kinh tế khó khăn được vay vốn cho con em đi học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề; trên 355 hộ gia đình nghèo xây dựng mới nhà ở; 6.294 lượt hộ gia đình xây dựng được 3.124 công trình nước sạch, 3.096 công trình vệ sinh đảm bảo trong sinh hoạt…

“Cầu nối” đưa vốn về bản

Theo ông Nguyễn Thanh Lạng, các khoản dư nợ tín dụng chính sách được thực hiện theo phương thức ủy thác thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể là Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Hằng năm, Ngân hàng CSXH tỉnh, phòng giao dịch huyện đều phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể tổ chức tập huấn về chính sách cho vay tín dụng ưu đãi; tập huấn lồng ghép kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi để giúp người vay sử dụng vốn hiệu quả.

Bà Hoàng Thị Yến - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Bắc Sơn cho biết, Hội đang thực hiện ủy thác vốn vay Ngân hàng CSXH với dư nợ hơn 75 tỷ đồng thông qua 56 tổ tiết kiệm và vay vốn với 1976 hộ vay. Nguồn vốn ưu đãi tiếp thêm động lực để người dân phát triển kinh tế có hiệu quả, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm.

“Nguồn vốn tín dụng đã khẳng định tính đúng đắn và phù hợp của chính sách Nhà nước với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…”- bà Hoàng Thị Yến khẳng định.

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Bắc Sơn tiếp tục đồng hành cùng hộ nghèo trên địa bàn, giúp họ có nguồn vốn để đầu tư phát triển, thoát nghèo bền vững; ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho các hộ nghèo, hộ chính sách đối với các xã được chọn làm xã điểm về xây dựng nông thôn mới và các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao chưa được vay vốn…