Dân Việt

Bể than ở Đồng bằng sông Hồng: Có nên khai thác bằng mọi giá?

Thành Luân 05/12/2018 12:59 GMT+7
Ngày 4/12, Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức Hội thảo Đánh giá tiềm năng khai thác và sử dụng bể than đồng bằng sông Hồng. Theo đó, rất nhiều ý kiến đề xuất, đề nghị cân nhắc trước khi khai thác nguồn tài nguyên này.

Khai thác vô cùng khó khăn

TS.Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, những vấn đề quan trọng rất cần xin ý kiến của các nhà khoa học xung quanh bể than sông Hồng, đó là: Bể than có trữ lượng bao nhiêu? Có nên đánh giá toàn bộ trữ lượng mỏ than, hay trên cơ sở hiện tại đánh giá theo từng vùng, từ đó đề xuất thời gian tới khai thác thế nào.

img

Trên cơ sở vật chất, công nghệ khai thác, điều kiện của Việt Nam hiện nay, việc khai thác thế nào là hợp lý? Nếu khai thác thì sử dụng công nghệ nào là hợp lý? Các vấn đề tác động đến môi trường (môi trường nước ngầm, nước mặt và các môi trường khác...), xã hội, an ninh như thế nào khi khai thác mỏ than...

Tại hội thảo, các vị đại biểu đều thống nhất bể than sông Hồng có điều kiện địa chất hết sức phức tạp cho việc khai thác, lại nằm trong vùng rất nhạy cảm về môi trường, xã hội và có nhiều tài nguyên nhiên, văn hóa, nhất là tài nguyên nước và đất nông nghiệp.

Theo TS Đào Văn Thịnh, Viện Địa chất và Môi trường, Tổng hội Địa chất Việt Nam, các đề án nghiên cứu cho thấy bể than sông Hồng có tiềm năng tài nguyên than rất cao (cao nhất Việt Nam). Nếu tính đến độ sâu -3.500m thì tổng tài nguyên than đạt 210 tỷ tấn, gấp 20 lần bể than Quảng Ninh được chia thành 8 vùng tài nguyên than.

Tuy nhiên, tiềm năng tài nguyên và trữ lượng có khả năng khai thác thực tế hoàn toàn khác nhau. Dẫn đánh giá của một số chuyên gia, ông Thịnh cho hay, trữ lượng than có thể khai thác của bể than sông Hồng khoảng 30-40 tỷ tấn.

img

Vị chuyên gia nhận định, việc khai thác than ĐBSH là rất khó khăn bởi các yếu tố:

Điều kiện địa chất-mỏ, địa chất công trình, địa chất thủy văn, kiến tạo, địa chấn của bể than rất phức tạp, nguy cơ xảy ra các rủi ro khi khai thác than ở dưới sâu. Than có mặt ở độ sâu quá cao, đa số các vỉa than nằm ở khoảng độ sâu từ -300m đến -1.200m, độ sâu tối đa đạt trên 3.000m. Đá vách, đá trụ của các vỉa than mềm yếu, có sức bền cơ lý kém.

Trên phạm vi bể than sông Hồng có các đứt gãy kiến tạo cỡ khu vực chạy qua và đa số chúng là các đứt gãy đang hoạt động, đứt gãy sinh chấn, gồm đứt gãy sông Hồng, sông Chảy, sông Lô, Vĩnh Ninh.

Các đứt gãy đang hoạt động rất nguy hiểm vì chúng có thể gây ra động đất, trượt đất, nứt đất... ảnh hưởng tới độ vững bền của đất đá, tác động tới các công trình xây dựng, gây hư hại tới độ vững bền của đất đá, tác động tới các công trình hạ tầng cơ sở, các công trình  ngầm, tạo ra khe nứt cho nước ngầm ngấm vào các công trình ngầm, trong đó có các công trình khai thác khoán sản ở dưới sâu bằng phương pháp hầm lò.

Bên cạnh đó, bể than sông Hồng nằm trong vùng rất nhạy cảm về môi trường và xã hội (vùng đông dân cư có tập quán canh tác lúa nước; có nhiều khu đô thị đóng vai trò các trung tâm chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội vô cùng quan trọng; nhiều khu công nghiệp, các công trình hạ tầng cơ sở, đang phát triển mạnh và đô thị hóa mạnh...).

TS Đào Văn Thịnh lưu ý, chỉ khai thác thử nghiệm bể than sông Hồng sau khi đã nghiên cứu kỹ các vấn đề một cách khoa học và khách quan.

Đặc biệt, theo vị chuyên gia, không khai thác bể than sông Hồng nếu điều kiện địa chất mỏ, địa chất thủy văn, địa chất công trình không cho phép và kết quả khai thác thử nghiệm cho thấy tính rủi ro quá cao, hiệu quả kinh tế thấp, nguy cơ cao xảy ra các sự cố môi trường, có tác động xấu tới môi trường và xã hội.

ĐBSH nói chung và bể than sông Hồng nói riêng là khu vực đặc biệt nhạy cảm và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu toàn cầu và mực nước biển dâng. Do đó, nếu khai thác bể than sông Hồng cần đặc biệt chú ý đến các điều kiện khí tượng-thủy văn và các yếu tố tài nguyên, xã hội khác nhằm chủ động ứng phó với các sự cố môi trường, tai biến địa chất có nguy cơ xảy ra.

Không nên khai thác bằng mọi cách

PGS.TS Nguyễn Cảnh Nam, Hội KHCN Mỏ Việt Nam khẳng định, việc khai thác bể than sông Hồng với trình độ công nghệ hiện có là hết sức khó khăn, nếu không nói là khó khả thi về kỹ thuật chứ chưa nói khả thi về kinh tế. Việc khai thác bể than này chắc chắn sẽ gây nhiều tác động xấu về môi trường, xã hội.

img

Trước khi khai thác bất kỳ nguồn tài nguyên nào cũng cần phải cân nhắc các yếu tố về môi trường, đánh giá tác động của nó tới văn hóa, kinh tế, xã hội. Ảnh: IT

Trong khi đó, trên cơ sở phân tích các công nghệ khai thác cùng những vấn đề về địa kiện địa chất công trình bể than sông Hồng, GS.TS Tạ Đức Thịnh, Hội Địa chất công trình Việt Nam đề nghị có thể khai thác thử nghiệm bể than sông Hồng bằng công nghệ khí hóa than ngầm ở những vị trí đã thăm dò chi tiết trên nguyên tắc không ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người dân.

Tuy nhiên, trước khi khai thác thử nghiệm phải nghiên cứu chi tiết, kỹ lưỡng điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn khu vực khai thác và làm rõ hiệu quả kinh tế của việc khai thác. Chỉ sau khi có kết quả khai thác thử nghiệm mới tiếp tục xem xét có nên khai thác bể than sông Hồng hay không.

"Nếu trước mắt chưa đủ điều kiện khai thác thì nguồn tài nguyên quý giá này sẽ được để lại cho các thế hệ mai sau. Trong tương lai, với sự phát triển nhanh chóng về KHKT, chắc chắn sẽ có công nghệ khai thác bể than phù hợp, đảm bảo hiệu quả kinh tế và không gây tác động xấu đến môi trường sinh thái, xã hội vùng ĐBSH. Vì vậy, không nhất thiết phải khai thác bể than sông Hồng bằng mọi giá", GS Thịnh nhấn mạnh.