Dân Việt

Tây Ninh xây chợ 100 tỷ đồng ngăn thực phẩm bẩn

Nguyên Vỹ - Lê Thùy 06/12/2018 14:16 GMT+7
Hướng đến một nền sản xuất, tiêu dùng hiện đại, vì sức khỏe người tiêu dùng, hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Tây Ninh đang có tham vọng xây dựng một chợ đầu mối nông sản với tổng kinh phí 100 tỷ đồng.

Vi phạm vẫn tái diễn

Trong đợt thanh, kiểm tra mới đây của lực lượng liên ngành tỉnh Tây Ninh đã có 5 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) với các lỗi vi phạm chủ yếu như sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, không công bố sản phẩm…

img

Đoàn kiểm tra liên ngành Tây Ninh kiểm tra tại chợ huyện Tân Châu. Ảnh: T.L

Cụ thể, trong đợt kiểm tra từ ngày 17 - 25.10, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Tây Ninh đã kiến nghị Thanh tra Sở Y tế xử phạt 5 cơ sở vi phạm. Trong đó, đoàn đề nghị mức xử phạt 750.000 đồng đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố Sơn Đông (thị trấn Hòa Thành) do sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, đồng thời cơ sở phải tiêu hủy tại chỗ 12kg chả lụa lợn không đảm bảo quy định vệ sinh ATTP; cơ sở kinh doanh cà phê Phố Xưa (thị trấn Bến Cầu) cũng bị đề nghị mức xử phạt 750.000 đồng với lỗi sử dụng khu chế biến không đảm bảo vệ sinh (gần thùng rác, nhà vệ sinh).

Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại và dịch vụ Quỳnh Hào (TP.Tây Ninh) kinh doanh nước uống đóng bình, đóng chai hiệu Yoga bị đề nghị mức xử phạt 16,5 triệu đồng với các vi phạm nhân viên không mang bảo hộ lao động trong quá trình sản xuất và không công bố sản phẩm.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đóng chai Ngô Thị Hậu (huyện Châu Thành) bị đề nghị mức xử phạt 2 triệu đồng với lỗi không đủ trang thiết bị, bảo quản thực phẩm và bao bì (thiếu palet kê thành phẩm).

Cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh hỏi Lê Thị Thanh (huyện Hòa Thành) bị đề nghị mức xử phạt 15 triệu đồng do sử dụng nguyên liệu không đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất bánh hỏi. Trước đó, ngày 26.9, một cơ sở sản xuất bún tại ấp 4, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu đã bị phạt 40 triệu do dùng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Xây dựng theo chuỗi

Các vi phạm chủ yếu của các cơ sở là: Không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho chủ cơ sở và nhân viên trực tiếp kinh doanh; một số sản phẩm thực phẩm chức năng còn để chung với hóa chất, các sản phẩm khác; kinh doanh sản phẩm thực phẩm chức năng hết hạn sử dụng hoặc không có nhãn phụ tiếng Việt; không có hồ sơ công bố của sản phẩm hoặc có nhưng đã hết hiệu lực

Để đảm bảo ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về ATTP đến các cơ sở không để tình trạng thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên địa bàn, Tây Ninh còn đang hướng đến xây dựng một chợ đầu mối nông sản hiện đại, được kiểm soát chặt chẽ, trong đó yếu tố truy xuất nguồn gốc được ưu tiên hàng đầu.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, chợ dự kiến được xây dựng trên diện tích 3ha; tại cầu K13, xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu); gồm các hạng mục kho lạnh bảo quản, đóng gói sơ chế, phòng Lab để kiểm soát chất lượng đầu ra. Chợ được xây dựng theo hình thức hợp tác công tư (PPP) với tổng vốn 100 tỷ đồng. Trong đó, vốn của doanh nghiệp 30 tỷ đồng; vốn đối ứng ngân sách địa phương và vay ADB là 70 tỷ đồng.

Trước đó, chợ Cầu K13 hình thành do nhu cầu tự phát của tiểu thương, nằm ở ven đường 781 và cặp bờ kênh Tây tại cầu K13 thuộc xã Bàu Năng. Hiện tại, với khối lượng giao dịch từ 30 – 40 tấn rau mỗi ngày, đây được xem là chợ đầu mối nông sản chuyên về rau ăn quả lớn nhất ở Tây Ninh.

Theo ông Võ Đức Trong – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, trong đề án tái cơ cấu, Tây Ninh xác định rau ăn quả và trái cây là những mặt hàng chủ lực trong chuỗi nông sản. Dự án xây dựng một chợ đầu mối nông sản chính quy là để tăng cường chuỗi cung ứng và giảm bớt khâu trung gian.

Hy vọng với việc tăng mức xử phạt các vi phạm an toàn thực phẩm, đồng thời xây dựng các chuỗi cung ứng theo hướng hiện đại, vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sẽ được kiểm soát tốt.