Dân Việt

Khi nhà trường tự "tát" mình

Chiến Văn 06/12/2018 07:46 GMT+7
Tôi coi việc Ban giám hiệu trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) yêu cầu 23 học sinh lớp 6/2 phải trả lời 19 câu hỏi trong "phiếu điều tra" về vụ "231 cái tát" đang gây xôn xao dư luận là hành vi tự tay các cô "tát" vào mình, vào hình ảnh ngôi trường mà các cô đang muốn xây dựng đạt chuẩn...

Vụ việc gây xôn xao dư luận ngày 24.11 của cô Nguyễn Thị Phương Thủy khi đưa ra hình phạt yêu cầu các bạn cùng lớp tát em N. 230 cái và chính tay cô tát em N. một cái cuối cùng tưởng như đã tạm lắng xuống để chờ đợi những hình thức xử lý cuối cùng. Nhưng, thật bất ngờ, đến tuần này, mọi việc lại một lần nữa được thổi bùng lên khi có tin Ban giám hiệu nhà trường làm phiếu "điều tra" các em học sinh lớp 6/2, nơi vừa xảy ra vụ việc gây "chấn động" dư luận và ngành giáo dục.

img

Việc Trường THCS Duy Ninh yêu cầu lấy lời khai của học sinh trong vụ 231 cái tát được xem là hành động phản giáo dục.

Là người theo dõi vụ việc từ đầu, đọc rất nhiều thông tin đa chiều về vụ "231" cái tát này, ngay lúc tiếp nhận thông tin, thay vì đổ lỗi hoàn toàn lên cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, tôi đã đặt dấu hỏi về trách nhiệm của tập thể, lãnh đạo ngôi trường đó. Bởi vì, cô Thủy là giáo viên mới chuyển về, cần quá trình làm quen với môi trường mới. Vậy nhưng, ngay lập tức, cô đã được giao phụ trách chủ nhiệm một lớp được coi thuộc diện "cá biệt", lại là lớp đầu cấp, như vậy, có phải là "thuốc thử quá liều" với cô không?

Tôi đặt câu hỏi như vậy và tự tìm câu trả lời cho riêng mình. Dù tìm cách trả lời thế nào, tôi cũng thấy, ngay trong việc phân công nhiệm vụ này, Ban giám hiệu trường Duy Ninh đã có điều gì đó không thật sự hợp lý. Chưa kể, sau khi giao nhiệm vụ, lẽ ra, trong thời gian đầu, Ban giám hiệu phải thay nhau quan tâm, giám sát, hỗ trợ, nắm bắt tình hình, giúp đỡ cô hoàn thành nhiệm vụ. Vậy nhưng, để cô Thủy kỷ luật học sinh bằng việc cho học sinh này tát học sinh kia diễn ra hàng chục lần mà không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chứng tỏ tập thể ấy quan liêu, có thái độ "bỏ mặc" đồng nghiệp. Họ chỉ lấy một mục tiêu duy nhất là "thành tích" để đặt lên vai cô giáo Thủy, và lấy đó làm thước đo để đánh giá chứ không sâu sát quan tâm xem đồng nghiệp mới của mình bắt nhịp với công việc thế nào, phương pháp sư phạm ra sao?

Ngay khi sự việc "231 cái tát" bị vỡ lở, tôi cũng được nghe thông tin, lãnh đạo nhà trường đã tìm cách đề nghị không đưa thông tin lên báo chí, tránh dư luận ầm ĩ, vì trường THCS Duy Ninh chuẩn bị đón chuẩn quốc gia?!? Vậy là, chỉ vì căn bệnh "thành tích" mà ngay từ đầu, nhà trường đã bỏ qua việc quan trọng hàng đầu lúc đó là nhìn thẳng vào sự việc để giải quyết dứt điểm, chỉ nhất nhất áp chỉ tiêu để đạt được cái đích "chuẩn quốc gia" của mình.

Nhưng, điều đó chưa đáng thất vọng bằng quyết định làm "phiếu điều tra" lạ lùng kia. Đến giờ, tôi vẫn chưa hiểu Ban giám hiệu trường đang muốn điều tra để tìm ra điều gì nữa. Chẳng lẽ đến giờ, sau ngần ấy thời gian, với biết bao nguồn thông tin từ các phía, họ - những người lãnh đạo trực tiếp của ngôi trường chỉ vỏn vẹn có mấy trăm người ấy vẫn chưa biết bản chất thật sự của vụ việc là gì?

img

23 học sinh liên quan đến 231 cái tát đối với em H.L.N lớp 6/2 phải viết phiếu lấy lời khai.

Có nhiều người cho rằng, việc điều tra để tìm ra sự thật, từ đó làm cơ sở giải quyết sự việc bảo đảm đúng đắn, khách quan nhất là cần thiết. Tôi đồng ý với quan điểm ấy. Nhưng, chẳng lẽ để được nghe ý kiến, sự thật từ các em học sinh, chỉ có duy nhất cái cách "phản khoa học" ấy? Dân gian có câu: Đi hỏi người già, về nhà hỏi người trẻ, với hàm ý rằng, người già và trẻ nhỏ là những đối tượng đáng tin nhất, vì họ không có nhiều động cơ để gian dối. Các em học sinh mới trên chục tuổi, nếu không có áp lực, tác động từ bên ngoài, tôi nghĩ rằng các em sẽ hoàn toàn thành thật khi kể lại đầu đuôi sự việc đã diễn ra cho lãnh đạo nhà trường nghe.

Vấn đề, sự thật mà Ban giám hiệu trường muốn nghe là sự thật như thế nào mà thôi. Kể cả khi các vị muốn có sự khách quan, thể hiện kết quả trên "giấy trắng mực đen" để xử lý kỷ luật giáo viên cho "tâm phục khẩu phục", thì đâu nhất thiết phải bắt các em kê khai đầy đủ họ tên vào làm gì? Chính việc yêu cầu học sinh phải kê khai đầy đủ họ tên vào phiếu đã tạo ra một thứ áp lực tinh thần ghê gớm, nửa như đe dọa, nửa như ép buộc học sinh phải "kể sự thật" theo hướng mà những người phát phiếu ra mong muốn.

Đọc phiếu, xem cái cách mà họ đặt câu hỏi, càng thấy nản hơn. Theo tôi, trong vụ việc này, nhà trường đâu cần phải làm ra cái phiếu điều tra với 19 câu hỏi, trong đó có những câu hỏi mang nặng tính "cân não", với mục đích cuối cùng có lẽ chỉ là để giảm nhẹ tính chất của sự việc, tránh liên đới đến bản thân mình và uy tín của nhà trường?

Tôi cho rằng, việc dư luận cả nước phẫn nộ trước hành vi của cô giáo Thủy chỉ là mong muốn nhà trường, ngành giáo dục phải có các biện pháp cần thiết để xóa bỏ tình trạng bạo lực học đường, chấm dứt hoàn toàn những phương pháp giáo dục phản khoa học, phi "giáo dục" như vậy. Chắc hẳn, dư luận không muốn "truy cùng giết tận" cô giáo làm gì, vì xét cho cùng, cô cũng chỉ là nạn nhân của căn bệnh thành tích, của những áp lực nặng nề mà ngành giáo dục đang đè lên vai cô.

Vậy nhưng, cuối cùng, Ban giám hiệu trường Duy Ninh lại "đi từ cái sai này đến cái sai khác", khi đưa ra một cuộc điều tra đầy phản cảm, không nên có trong môi trường giáo dục. Họ có vẻ đã không dám nhìn thẳng và chấp nhận sự thật. Đã vậy, còn muốn gieo rắc vào đầu những em học sinh mới lớn những cách làm mang đầy tính "sắp đặt", toan tính của người lớn.

Vẫn còn những tư duy chạy theo thành tích, vẫn còn quan điểm phải làm mọi cách để giảm nhẹ khuyết điểm, kể cả chấp nhận cách "tự tay tát vào mình" như vậy, đủ thấy, những vấn đề của ngành giáo dục còn nhiều lắm, và không dễ gì có thể giải quyết trong một sớm một chiều.