Trung Quốc: Cuộc "di trú" khổng lồ, sặc sỡ đèn lồng đỏ
Không khí Tết đã nóng lên từ cách đây một tuần với việc hàng trăm triệu người dân lũ lượt kéo về quê ăn tết bằng đủ loại phương tiện khác nhau.
Cuộc “di trú” khổng lồ năm nay ghi nhận trường hợp hi hữu của anh Wang Gangwei, người đã toan vượt qua chặng đường 1.300km từ tỉnh Giang Tô để đoàn tụ với gia đình tại tỉnh Sơn Tây bằng cách… đi bộ.
Anh Wang kể rằng mình đã phải đi bộ 17 tiếng/ngày trong thời tiết giá rét và qua đêm trong nghĩa trang, vượt qua chặng đường 400 km trước khi phải bỏ cuộc vì trật mắt cá chân.
Ngoài ra, người dân Trung Quốc cũng đã đổ xô đi mua sắm các loại thức ăn và vật dụng như đèn lồng đỏ để chuẩn bị cho tết năm nay. Các loại vật dụng trang trí mang hình con rắn được ưa chuộng đặc biệt.
Hàng nghìn chiếc đèn lồng được trang hoàng khắp công viên Địa Đàn ở Bắc Kinh nhằm chào đón tết âm lịch. Ảnh: New.cn |
Trình diễn dưới nước chào mừng tết âm lịch ở Bắc Kinh - Ảnh: AFP |
Người dân đổ xô đi mua sắm tại hội chợ ở tỉnh Sơn Đông - Ảnh: AFP |
Đài Loan-Trung Quốc: Tháng 2 tràn ngập lễ hội
Hơn 1.000 người đã tham dự lễ khai mạc festival mua sắm Thanh Quang nhằm chào mừng năm con rắn - con vật được gọi là “tiểu long” theo truyền thống địa phương.
Dự kiến, tháng 2 sẽ là một tháng tràn ngập lễ hội với người dân Đài Loan, bởi ngay sau sự kiện Tết Âm lịch là festival đèn lồng.
Đây là lễ hội lớn nhất của Đài Loan, được tổ chức vào tuần trăng rằm đầu tiên của năm âm lịch, mà năm nay rơi vào ngày 24.2.
Lễ hội đèn lồng ở Đài Loan - Ảnh: AFP |
Trong lễ hội kéo dài hai tuần này, các làng mạc và thành thị trên khắp lãnh thổ Đài Loan sẽ sáng rực, với đủ loại đèn lồng hình chim thú và các hình tượng anh hùng trong dân gian.
Khoảng 80.000 chiếc đèn lồng nhỏ hình con rắn cũng sẽ được phát cho người dân và du khách địa phương.
Hàn Quốc: Phong trào tặng quà tiết kiệm
Seollah, tết âm lịch, là một trong những lễ hội dân tộc được chào đón nhất tại Hàn Quốc, thường kéo dài trong ba ngày.
Thế nhưng năm nay, theo tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc, tác động của khủng hoảng kinh tế đã khiến nhiều công nhân viên chức Hàn Quốc cảm thấy căng thẳng vì những chi phí phát sinh do ngày tết (trung bình khoảng 300 USD).
Phụ nữ Seoul tìm mua các loại trang phục truyền thống - Ảnh: Yonhap |
Cũng theo một khảo sát của báo này, có đến gần 80% người Hàn Quốc sẽ chọn những món quà “thiết thực” và “tiết kiệm” cho người thân như tiền mặt, phiếu mua hàng và hàng tiêu dùng cho người thân.
Hồng Kông-Trung Quốc: Lễ hội lớn mừng năm con rắn
Năm nay, Hồng Kông sẽ đón chào năm con rắn với lễ hội diễu hành đêm quốc tế truyền thống hằng năm diễn ra từ ngày 10.2. Với chủ đề "Happy@hongkong” (hạnh phúc ở Hồng Kông), lễ hội năm nay dự kiến sẽ diễn ra tưng bừng với sự tham dự của các đoàn biểu diễn quốc tế đến từ khắp các nước như Nga, Trung Quốc, Mỹ…
Mua sắm Tết nhộn nhịp ở Hồng Kông - Ảnh: AFP |
Cũng nằm trong chuỗi sự kiện trên là buổi biểu diễn âm thanh và ánh sáng lớn nhất thế giới diễn ra tại cảng Victoria, khi 40 tòa nhà dọc hải cảng sẽ được thắp sáng bằng đủ các loại đèn chiếu laser và đèn màu, trên nền nhạc theo năm chủ đề chính. Pháo hoa cũng sẽ được bắn mỗi đêm trên cảng Victoria…
New Zealand: Lễ hội của sự đa dạng văn hóa
Tết Âm lịch của cộng đồng châu Á tại New Zealand năm nay chứng kiến một sự kiện đặc biệt khi Thủ tướng New Zealand John Key, trong chiếc áo đỏ truyền thống của người Trung Hoa, đã đến tham dự lễ hội ăn mừng năm con rắn tại Auckland hôm 3.2.
Lễ hội năm nay thu hút 60.000 người tham dự với hơn 110 gian hàng bày bán đồ thủ công, tranh ảnh và các món ẩm thực truyền thống châu Á. Đây là năm thứ hai liên tiếp Thủ tướng New Zealand tham dự sự kiện này.
Indonesia: Ăn tết âm lịch theo kiểu… Java
Lễ hội mừng tết âm lịch ở Java - Ảnh: Jakarta Post |
Tại đảo Java của Indonesia, một lễ hội chào mừng tết âm lịch, gọi là Imlek theo tiếng Indonesia, đã được tổ chức theo phong cách truyền thống địa phương vào ngày 3.2. Đặc biệt, lễ hội năm nay còn có sự tham gia của ít nhất năm cộng đồng thiểu số khác trên đảo.
Hàng nghìn người đã đổ về tham dự lễ hội, một sự kiện biểu trưng cho sự hòa nhập của cộng đồng thiểu số người Hoa vào dân tộc Indonesia sau hàng chục năm trắc trở.
Malaysia: Đến thăm đền “rắn”
Nhân dịp năm Quý Tỵ 2013, nhiều người đổ xô đến đền Thean Hock Keong, được mệnh danh là đền rắn.
Đền rắn ở Malaysia - Ảnh: Reuters |
Các hoạt động mua sắm và trang trí chuẩn bị cho tết âm lịch cũng đang diễn ra rầm rộ tại nhiều nước như Myanmar, Malaysia, Philippines…
Biểu diễn trăn ở sở thú Malabon - Ảnh: Reuters |
Chủ sở thú này, ông Emmanuel Tangco biểu diễn với trăn và thậm chí ngủ với trăn - Ảnh: Reuters |