Dân Việt

Vingroup chào bán 2.000 tỷ trái phiếu, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiệm cận 74.000 tỷ

Hoàng Nhật 07/12/2018 17:52 GMT+7
Cùng với đà hồi phục của VnIndex, tài sản trên sàn chứng khoán của các tỷ phú USD trong 1 tuần vừa qua cũng ghi nhận nhiều sự biến động. Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 4 trong tổng số 5 phiên giao dịch và kết thúc tuần ở mức 73.989,65 tỷ đồng. Tuy vậy, thông tin Vingroup chào bán 2.000 tỷ đồng trái phiếu khiến bộ ba "cổ phiếu họ Vin" phân hoá.

VHM khiến VnIndex chững lại

Sau khi kết thúc phiên sáng 7.12 với mức tăng nhẹ 0,49% của chỉ số VnIndex, TTCK Việt Nam bước vào phiên chiều 7.12 với những diễn biến có phần sôi động hơn, chỉ số VnIndex vẫn duy trì được sắc xanh.

Tuy vậy, sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, với việc VHM, VCG giảm điểm, trong khi VIC, VNM, VPB, TPB, ROS, GAS vẫn duy trì đà tăng khiến chỉ số VnIndex không còn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ như các phiên giao dịch trước đó.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7.12, VnIndex tăng 0,39% lên 958.59 điểm. Còn HNX-Index tăng 0,03% lên 107.14 điểm.

img

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7.12, VnIndex tăng 0,39% lên 958.59 điểm. (Ảnh: TVSI)

Như đã chia sẻ phía trên, sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã khiến chỉ số VnIndex không còn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ như các phiên giao dịch trước đó.

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng là điển hình của sự phân hóa giữa các cổ phiếu có mức vốn hóa lớn. Cụ thể, các cổ phiếu VCB, CTG tiếp tục tăng trưởng, trong khi BID và MBB quay về mức tham chiếu vào cuối phiên, còn ACB, TCB giảm điểm.

Điểm qua một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác, GAS tăng 1,3% lên 96.300 đồng, ROS tăng 4,9% lên 37.800 đồng, VNM tăng 1,7% lên 133.900 đồng. Ngoài ra, là sự sụt giảm về giá trị giao dịch của 2 cổ phiếu dầu khí PVD và PVS.

Nhóm “cổ phiếu họ Vin” cũng có sự phân hoá, VIC tăng nhẹ, VRE giữ ở mức tham chiếu, òn VHM lại giảm hơn 1,7% và là một trong những cổ phiếu níu đà tăng của chỉ số VnIndex.

img

Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 4 trong tổng số 5 phiên giao dịch và kết thúc tuần ở mức 73.989,65 tỷ đồng. ( Ảnh minh họa)

Cùng với đà hồi phục của VnIndex, tài sản trên sàn chứng khoán của các tỷ phú USD trong 1 tuần vừa qua cũng ghi nhận nhiều sự biến động. Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 4 trong tổng số 5 phiên giao dịch và kết thúc tuần ở mức 73.989,65 tỷ đồng. Trong khi đó, tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đạt 23.411,05 tỷ đồng.

Sau những phiên giao dịch với diễn biến khá “chồi sụt”, cổ phiếu HPG tăng nhẹ 0,14% trong phiên giao dịch cuối tuần, giúp tài sản của tỷ phú Trần Đình Long đạt mức 13.220,95 tỷ đồng.

Vingroup chào bán 2.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới đây đã thông báo cấp giấy chứng nhận chào bán 20 triệu trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu ra công chúng cho Tập đoàn Vingroup.

Theo đó, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được phép chào bán 20 triệu trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu chia làm 2 đợt, mỗi đợt 10 triệu trái phiếu. Như vậy, tổng giá trị chào bán tính theo mệnh giá là 2.000 tỷ đồng.

Thời gian phân phối đợt 1 trong vòng 90 ngày kể từ ngày giấy chứng nhận đăng ký chào bán có hiệu lực. Đợt 2 trong vòng 90 ngày kể từ ngày UBCKNN có công văn về việc nhận được thông báo phát hành trái phiếu Đợt 2 của Vingroup.

Vingroup sẽ dùng số tiền 1.000 tỷ đồng để thanh toán gốc trái phiếu VIC11504 vào ngày 27.12.2018 và dùng 1.000 tỷ đồng còn lại để thanh toán gốc trái phiếu VIC11707 vào ngày 28.2.2019.

Thời gian qua, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã liên tục công bố thông tin hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, phát triển nhiều dự án mới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất ô tô, xe máy điện; sản xuất điện thoại thông minh; nghiên cứu-phát triển công nghệ. Mới nhất là thông tin về ngày 14.12 tới sẽ ra mắt điện thoại Vsmart.

Đây là một phần trong kế hoạch chuyển đổi của Vingroup trong 10 năm tới. Theo đó, mảng kinh doanh dịch vụ sẽ chỉ còn chiếm tỷ lệ cao thứ ba của tập đoàn, không còn là phần quan trọng nhất. Tập đoàn sẽ tập trung vào công nghiệp sản xuất ô tô, xe máy, di động và nhiều lĩnh vực khác.

Song cũng liên quan tới hoạt động đầu tư của Vingroup, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch vào tháng 10 đã công bố báo cáo xếp hạng Tập đoàn Vingroup với việc giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm của Vingroup là B+, nhưng hạ triển vọng từ Ổn định xuống Tiêu cực.

Theo tổ chức này, việc hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm do Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vay vốn để tài trợ cho lĩnh vực sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast, khiến rủi ro đòn bẩy tài chính tăng lên. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính của Vingroup, theo đánh giá của Fitch, sẽ tăng lên 58% vào năm 2018, so với mức 45% năm 2017.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup cho rằng điều này đã nằm trong dự liệu của tập đoàn.

"Đầu tư vào lĩnh vực ô tô có độ rủi ro cao nên việc các tổ chức đánh giá tín nhiệm hạ bậc là không tránh khỏi. Các chuẩn mực xếp hạng tín dụng là như thế, nếu không muốn bị hạ bậc chỉ có cách duy nhất là không thực hiện dự án này", ông Nguyễn Việt Quang chia sẻ.