Dân Việt

Từ chuyện Công ty CP Bình Hà nuôi bò thất bại: Chỉ có 2 nơi lý tưởng

Khánh Nguyên (thực hiện) 08/12/2018 18:30 GMT+7
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, chỉ khi một doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân liên kết, tạo động lực cho nông dân phát triển theo hướng hiện đại, bền vững thì dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn mới được đánh giá đạt hiệu quả đúng nghĩa.

Trở lại với câu chuyện của Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà đã thất bại chỉ sau vài năm triển khai, theo ông đâu là nơi lý tưởng nhất để triển khai các dự án chăn nuôi bò?

- Theo tôi, chỉ có cao nguyên Đà Lạt (Lâm Đồng) và Mộc Châu (Sơn La) là đảm bảo đầy đủ điều kiện lý tưởng nhất để phát triển các dự án chăn nuôi bò. Bởi nơi đây có diện tích đồng cỏ rộng, đảm bảo nguồn thức ăn thô xanh cho bò; khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho bò phát triển, hạn chế được các loại dịch bệnh.

Còn các vùng khác, nhất là ở đồng bằng, diện tích đất hẹp không phải là nơi phù hợp để triển khai các dự án nuôi bò.

img

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy. Ảnh:  p.v

Hiện nay, làn sóng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đang trở nên mạnh mẽ. Ý kiến của ông về các hình thức đầu tư này như thế nào?

- Có thể thấy đang có 3 xu hướng đầu tư vào nông nghiệp, một là các dự án đầu tư của các tập đoàn lớn như Hoàng Anh Gia Lai, TH true milk, Vingroup,… tập trung vào các lĩnh vực trồng cây công nghiệp, chăn nuôi, trồng mía, chuối,… Nhiều dự án đã khẳng định được hiệu quả, có sản phẩm cụ thể được thị trường đón nhận.

Nhưng tôi vẫn có một thắc mắc ở một số dự án là cho đến nay vẫn chưa có đánh giá hiệu quả đồng vốn bỏ ra, giá trị sinh lời bao nhiêu hay chỉ là một cách chuyển năng lực tài chính để nhận lại một diện tích đất đai lớn.

Bên cạnh đó, một số dự án trồng cao su ở một số tỉnh Tây Bắc cho đến nay vẫn chưa có đánh giá cụ thể về hiệu quả, tác động đến kinh tế, xã hội, môi trường và đời sống dân sinh như thế nào?

- Xu hướng thứ hai là nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa liên kết với nông dân sản xuất, tuy nhiên những đơn vị này chưa có công nghệ chế biến sâu, chủ yếu trồng và bán sản phẩm tươi ra thị trường nên khi thị trường biến động rất dễ dẫn đến tình trạng “bỏ của chạy lấy người”. Đã có rất nhiều vụ việc nông dân kêu cứu do doanh nghiệp không thu mua sản phẩm, điển hình như vụ liên kết sản xuất trồng ớt ở một số tỉnh miền Trung trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, có một số nông dân cũng mạnh dạn đầu tư đổi mới sản xuất, áp dụng công nghệ, tuy nhiên, những dự án này chưa nhiều.

Theo ông, những dự án đầu tư của các doanh nghiệp lớn đã đạt được mục đích tạo ra động lực giúp nông dân đổi mới sản xuất chưa?

- Với những doanh nghiệp lớn, trước khi đầu tư sản xuất, họ đã đo được những cơn sóng thị trường, tức là ngay khi sản xuất họ đã nhìn thấy những thị trường tiềm năng, quy trình của họ cũng thực sự khép kín, hiện đại nên để đạt được mục tiêu là hạt nhân phát triển, kéo nông dân cùng đi lên thì chưa.

Đầu tư vào nông nghiệp trong thời gian tới nên đi theo hướng nào để đảm bảo hiệu quả, thưa ông?

- Theo tôi, chúng ta nên chọn đầu tư vào những trục sản phẩm xuất khẩu có lợi thế, tạo liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp và nông dân, kết hợp với hoàn thiện hệ thống hạ tầng, kho bãi, bảo quản. Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải tạo giống, áp dụng công nghệ vào chế biến sâu.

Cũng cần nhắc lại, đã có nhiều bài học về sự thất bại trong đầu tư vào nông nghiệp vì đây là lĩnh vực ẩn chứa nhiều rủi ro. Chính vì vậy, khi quyết định đầu tư, việc tính đến nhu cầu thị trường, sự phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu phải được xem xét một cách kỹ lưỡng.

Xin cảm ơn ông!