Dân Việt

Ở đây dân đổi đời từ những vườn quýt vàng trĩu quả

Mộc Trà 07/12/2018 19:23 GMT+7
Bắc Sơn (Lạng Sơn) nổi tiếng với giống quýt vàng, được trồng ở những vùng núi đá cao 400- 500m. Trong khi phần lớn người dân ở đây vẫn trồng quýt bằng hạt thì anh Phan Văn Hiền (SN 1976) lại nhân giống bằng phương pháp chiết cành.

Chúng tôi đến thăm vườn quýt nhà anh Phan Văn Hiền - một trong những hộ gia đình tham gia mô hình trồng quýt VietGAP ở thôn Hồng Phong 4, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn. Lúc này, anh đang kiểm tra vườn quýt và dụng cụ xua đuổi ruồi vàng, rầy nâu hại quýt từ những vật dụng đơn giản như: Vòi nước nhựa dẻo, dây thép nhỏ và gói băng phiến.

img

Những cây quýt chiết cành cho quả trĩu cành và ít hạt.  Ảnh: M.T

Nếu như đa phần các hộ trồng quýt trong các lân, lũng thì anh Hiền lại trồng trên đất nương bãi và quýt chiết cành. Chỉ sau 4 năm trồng, cây đã cho thu hoạch. “Gia đình tôi có hơn 1ha quýt nhân giống bằng phương pháp chiết cành. Cây đã được 6 năm tuổi, số hạt trong mỗi quả chỉ khoảng 2 - 3 hạt nên người tiêu dùng ưa chuộng. Tôi đang tiếp tục chiết cành từ những cây có chất lượng tốt để cung cấp cho nông dân trên địa bàn. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công chỉ khoảng 80% nên chưa đáp ứng được nhu cầu của nông dân” - anh Hiền cho hay.

  Năm ngoái quýt vườn nhà tôi cứ 6 quả là đạt 1kg, hạt ít, quả bóng láng, vàng đều và độ ngọt được cải thiện rõ rệt. Năm nay mới bắt đầu vào vụ chín, quả cũng to đều, chắc không thua kém năm ngoái”.

Anh Phan Văn Hiền

Nhận thấy cây quýt vàng nổi tiếng của quê hương đang dần bị chết và thoái hóa, anh luôn trăn trở tìm cách phục hồi và phát triển loại cây bản địa này. Nhưng nếu vẫn trồng trên núi, khâu vận chuyển và chăm sóc khó khăn, hao hụt nhiều, vì vậy anh nảy ra suy nghĩ trồng quýt ở bãi đất bằng gần nhà. Đồng thời theo anh Hiền, quýt trồng bằng hạt sẽ cho quả có nhiều hạt hơn nên anh đã suy nghĩ về việc chiết cành nhân giống quýt vàng để hạn chế hạt.

Anh Hiền đã mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu các đặc tính của loại cây ăn quả này nên khi trồng trên đất thịt, cây quýt vẫn phát triển tốt và sai quả mỗi năm. Theo anh, quýt là giống cây ưa ánh sáng tán xạ, độ ẩm vừa phải, thích hợp với thời tiết lạnh nên khi trồng trên đất thịt phải tốn nhiều công chăm sóc hơn, thường xuyên tưới nước, kiểm tra sâu bệnh. “Nhờ đưa các phương pháp này vào áp dụng mà chất lượng quả được cải thiện. Năm ngoái quýt vườn nhà tôi cứ 6 quả là đạt 1kg, hạt ít, quả bóng láng, vàng đều và độ ngọt được cải thiện rõ rệt. Năm nay mới bắt đầu vào vụ chín, quả cũng to đều, chắc không thua kém năm ngoái” - anh Hiền nói.

Với nhiều năm kinh nghiệm trồng và chăm sóc loại cây ăn quả này, anh Hiền cho biết: Phân chuồng nên được ủ trước khi bón cây vì khi bón ban đầu cây xanh mướt, phát triển rất tốt nhưng sau đó, do độ ẩm cộng với những vi khuẩn, sâu bệnh trú ngụ trong phân phát triển làm xuất hiện nhiều sâu bệnh hại ở gốc và thân làm cây vàng lá dần. Nếu không kịp thời phát hiện và xử lý, cây sẽ chết. Anh Hiền cũng thường xuyên tự chế thuốc phun diệt sâu bọ. “Lấy ớt, tỏi đem giã nhỏ rồi ủ với rượu 20 ngày, pha với nước rồi phun, vừa an toàn, tiết kiệm mà rất hiệu quả” – anh Hiền nói.

Anh Hiền cho hay, vụ quýt năm ngoái, 400 cây quýt cho thu hoạch gần 10 tấn quả, thu nhập gần 200 triệu đồng. Năm nay quýt sai nhiều hơn năm ngoái và khá đẹp mã. Từ đầu mùa đến nay, gia đình anh đã bán được khá nhiều, thương lái vào tận vườn mua xô là 30.000 đồng/kg.