Điều đặc biệt là, chủ trương này được sự chấp thuận của Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang tại thông báo 495-TB/VPTU ngày 18.5.2017.
Tại kết luận của Thanh tra TP.HCM (tháng 10.2018), theo đề án tái cơ cấu, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, trực thuộc UBND TP) với tỷ lệ sở hữu vốn là 44%, không cần giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco). Đặc biệt là trong bối cảnh Sadeco hoạt động kinh doanh đang mang lại lợi nhuận rất cao, tỷ lệ chia cổ tức hằng năm có lúc lên đến 40%, vào năm 2015 khi duyệt đề án tái cơ cấu, UBND TP yêu cầu IPC (lúc này đang chiếm tỷ lệ sở hữu vốn 44% tại Sadeco) không được giảm thêm tỷ lệ sở hữu vốn. Thế nhưng, trên thực tế IPC đã “phớt lờ” yêu cầu này của cơ quan chủ quản.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang đang bị UBKT TW để nghị Bộ Chính trị, BCH TW Đảng kỷ luật vì nhiều sai phạm.
Từ phớt lờ đó, IPC đã trình UBND TP phương án tăng vốn điều lệ và giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%. Đồng thời, IPC cũng nêu việc “Văn phòng Thành ủy truyền đạt ý kiến chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”, cụ thể:
Tại văn bản số 675/IPC.17 ngày 31.5.2017 của IPC có nêu: “…Văn phòng Thành ủy có thông báo số 495-TB/VPTU ngày 18.5.2017 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư thường trực Thành ủy chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco…”
Từ những ý kiến trên, IPC đề nghị Chi cục Tài chính doanh nghiệp TP chấp thuận và trình UBND TP phê duyệt phương án này.
Tiếp đến, tại văn bản 730/IPC.17 ngày 16.6.2017 của IPC báo cáo UBND TP, bổ sung về vai trò, tác động của Sadeco với việc phát triển khu Nam Sài Gòn, có nêu: “ Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại thông báo 495-TB/VPTU…”
Tuy nhiên, qua kiểm tra kết luận thanh tra của Thanh tra TP.HCM đã phản bác vấn đề này, khi cho rằng: Cụm từ “Thường trực Thành ủy cũng đã chấp thuận chủ trương…” là không chính xác vì Thông báo 495-TB/VPTU ngày 18.5.2017 chỉ truyền đạt ý kiến của Phó bí thư thường trực Thành ủy (là ông Tất Thành Cang-PV).
Cũng theo kết luận Thanh tra, nếu IPC phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu (thay vì cổ đông chiến lược ) thì sẽ là phương án tối ưu hơn. Trường hợp nếu IPC không muốn tiếp tục đầu tư vào Sadeco thì thực hiện chuyển nhượng quyền góp vốn cho tổ chức, cá nhân khác thông qua đấu giá để không làm thiệt hại cho IPC nói riêng và nhà nước nói chung…
“Những việc như trên cho thấy việc giảm tỷ lệ góp vốn của IPC tại Sadeco, có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, cần được làm rõ”, kết luận có ghi. Và trong phần kiến nghị, Thanh tra TP cũng yêu cầu chuyển vụ việc sang Cơ quan cảnh sát điều tra, làm rõ xử lý vụ việc này. Và hiện nay, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (PC03, Công an TP.HCM) đang tiến hành điều tra.
Thiệt hại hàng trăm tỷ đồng
Với đề án tăng vốn điều lệ, giảm tỷ lệ sở hữu vốn của IPC tại Sadeco từ 44% xuống 28,8%, IPC đã phát hành cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim không qua đấu giá.
Vào ngày 10.11.2016, Công ty Nguyễn Kim có văn bản đề xuất tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Sadeco. Đến ngày 29.6.2017, tại đại hội cổ đông Sadeco, đại diện vốn góp nhà nước (do IPC cử) thời kỳ liên quan, gồm 4 thành viên: ông Tề Trí Dũng; ông Trần Đăng Linh, Phó tổng giám đốc IPC; bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng giám đốc Sadeco và ông Trần Mạnh Khôi, Phó trưởng ban Kiểm soát Sadeco, biểu quyết đồng ý 100% phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim. Tiếp đó, ngày 19.10.2017, Công ty Nguyễn Kim chuyển thanh toán cho Sadeco 360 tỉ đồng.
Trụ sở Công ty IPC tại quận 7, TP.HCM.
Cùng ngày, Sadeco ký hợp đồng gửi 360 tỷ đồng vào một ngân hàng với kỳ hạn 18 tháng. Sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỷ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,8%), trong khi Công ty Nguyễn Kim chiếm tỷ lệ chi phối tại Sadeco là hơn 54% vốn điều lệ.
Theo Thanh tra TP, bản chất vụ việc này là việc chỉ định đối tác chiến lược (Công ty Nguyễn Kim) và chỉ định giá bán cổ phần không được tổ chức thẩm định giá hợp pháp. Thanh tra TP khẳng định việc làm này là “trái quy định pháp luật”, dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỷ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu); nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco lúc thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại “sẽ rất lớn”.
Thanh tra TP cũng khẳng định vốn huy động từ việc phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim đến nay vẫn chưa sử dụng (gửi tiết kiệm thời hạn 18 tháng tại ngân hàng thương mại cổ phần), cho thấy việc đề xuất chỉ định phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim để huy động vốn đầu tư cho các dự án là không đúng với thực tế; tại thời điểm đề xuất Sadeco chưa có nhu cầu thực sự tăng vốn điều lệ. Nghiêm trọng hơn, Công ty Nguyễn Kim không công khai, minh bạch trong việc mua bán cổ phần với công ty khác, cho thấy Công ty Nguyễn Kim “đã có kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp này (Sadeco) với giá rẻ thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông.
Chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ việc tại IPC Trước đó, ngày 30.10, Văn phòng UBND TP đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, với nội dung: Giao Chánh thanh tra TP.HCM phối hợp với Công an TP chuyển hồ sơ tài liệu sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt là Công ty IPC). Cụ thể, điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược tại Công ty cổ phần phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Công ty cổ phần khu công nghiệp Hiệp Phước gây thiệt hại cho nhà nước; việc thẩm định giá của Công ty cổ phần chứng khoán TP.HCM, Công ty TNHH thẩm định giá MHD; việc thực hiện dự án Khu dân cư Long Hậu, việc hợp tác với Công ty Hồng Lĩnh. Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Phong giao Chánh thanh tra TP thành lập đoàn thanh tra để thanh tra, làm rõ và kết luận việc cổ phần hóa Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Sài Gòn chuyển thành Công ty cổ phần Tiếp vận đông Sài Gòn (ESL); việc quản lý và sử dụng vốn, việc điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty cổ phần Tiếp vận đông Sài Gòn từ khi thực hiện cổ phần hóa đến nay; việc thực hiện dự án Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, dự án Khu định cư An Phú Tây; việc thực hiện đầu tư xây dựng một số dự án của Công ty IPC và đơn vị thành viên trên địa bàn H.Nhà Bè; việc thực hiện đầu tư góp vốn hình thành liên doanh và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty Cảng container trung tâm Sài Gòn. |