Sau vụ ương cá tra giống thua lỗ hơn 70 triệu đồng, anh Sáu Tùng (Lê Văn Tùng, xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Hưng, Long An) lại xử lý nước ao bằng hóa chất để ương tiếp vụ cá tra giống. Và kết quả lại đứng trước viễn cảnh… trắng tay.
Thua hóa chất, bày vi sinh
Anh Sáu Tùng cho biết, đây là vụ thứ 4 anh ương cá tra giống. Hiện, anh có 2 ao ương cá giống với tổng diện tích 3,2ha.
Theo anh Sáu Tùng, mỗi năm anh tốn kém khoảng 50 triệu đồng hóa chất để xử lý ao khi ương cá tra giống. Ảnh: Trần Đáng
Trước đây, hơn 3ha này anh trồng tràm và lúa. Nhưng sau những mùa vụ thất bát và nhận thấy lợi nhuận từ ương cá tra giống khá tốt, anh cho chuyển đổi số đất này sang ương cá tra giống.
Hai vụ đầu, khi môi trường nước còn tốt anh Sáu ương cá đạt đầu con và lời to. Nhưng sau đó, môi trường dần ô nhiễm, do nước thải nhiễm hóa chất xả trực tiếp ra môi trường sau khi thu hoạch, vụ ương cá kế tiếp anh thua liểng xiểng. “Vụ này lại báo động trắng tay”, anh Sáu Tùng thổ lộ.
Theo anh Sáu Tùng, hiện xã Vĩnh Thuận có khoảng 200ha ương cá tra giống. Cũng như những nông dân ương cá tra giống khác, anh sử dụng hóa chất làm sạch nước trước khi thả cá tra bột nuôi.
Anh Sáu Tùng kiểm tra lại con giống cá tra sau khi sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý môi trường nước ao.
“Bây giờ, cá tra bột mua về nuôi rất yếu do cơ sở ương dùng trứng non. Thêm vào đó, môi trường nước ô nhiễm, lại xử lý nước bằng hóa chất nên thả cá tra bột vào ao là chết. Ở khu vực này mấy năm gần đây ương cá tra giống đạt tỷ lệ đầu con khá thấp, tỷ lệ người thành công cũng không cao như trước đây”, anh Sáu Tùng cho biết.
Hiện, để cứu lấy 25 triệu con cá tra giống mới hơn chục ngày tuổi, anh Sáu phải nhờ đến vi sinh để xử lý môi trường nước.
“Hai hôm trước cá loi ngoi đầu khắp mặt nước nhưng sau khi xử lý vi sinh thể trạng cá đã tốt hơn. Chúng bắt đầu ăn mạnh lại”, anh Sáu Tùng khấp khởi.
Cạnh ao cá tra giống của anh Sáu Tùng là ao ương cá tra giống rộng gần 2.000m2 của anh Út Kha (Trần Văn Kha).
Đây là vụ đầu tiên anh Út Kha ương cá tra giống. Trước khi thả cá tra bột, anh Út nhờ đến nhân viên kỹ thuật xử lý nước ao bằng hóa chất. Nhưng sau đó, cá tra giống bắt đầu chết la liệt.
“Tôi thả 5 triệu con cá tra bột, nhưng tính ra chắc chết 1/10 rồi. Tui gọi nhân viên kỹ thuật đến nhờ giúp đỡ, họ lắc đầu””, anh Út rầu rĩ.
Để cứu vãng tình hình, anh Út gọi nhân viên của một công ty cung cấp giải pháp xử lý nước bằng vi sinh.
“Sau 2 ngày xử lý nước bằng vi sinh, cá đã hồi phục tốt. Số lượng cá chết giảm hẳn. Chúng bắt đầu ăn lại tốt rồi”, anh Út bộc bạch.
Ương cá giống bền vững
Hiện nay, tính riêng trên địa bàn tỉnh Long An có gần 1.990ha ương cá tra giống, tập trung chủ yếu ở huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng.
Theo ông Trần Tấn Tài - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Hưng, nhìn chung hiệu quả ương cá tra không ổn định. Ví như thời điểm hiện nay, tỷ lệ số hộ ương cá đạt không cao nên lợi nhuận không đáng kể, thậm chí không ít hộ bị lỗ.
Kiểm tra cá ương sau khi xử lý bằng chế phẩm vi sinh tại ao của anh Út Kha
Bà Đinh Thị Phương Khanh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, hiện nhiều diện tích ao ương cá gặp một số bệnh, như: gan thận mủ, xuất huyết, trắng gan, trắng mang không thể điều trị được. Tỷ lệ cá ương sống chỉ đạt 5-10%.
“Lý do chính là do con giống chưa tốt. Tuy nhiên, cũng có một phần nông dân sử dụng hóa chất trong quá trình ương cá giống”, bà Khanh nói.
Theo bà Khanh, thời gian qua các cơ quan chức năng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho nông dân ương cá tra giống, trong đó có khuyến cáo bà con sử dụng chế phẩm vi sinh để việc ương cá bền vững.
“Các cơ quan chức năng tỉnh Long An đang hướng dẫn bà con ương cá sử dụng chế phẩm vi sinh thay dần hóa chất. Giải pháp chế phẩm vi sinh đang cho kết quả ương cá tra giống khá tốt”, bà Khanh cho biết.
Nông dân ương cá tra giống ở Long An đang được khuyến cáo xử dụng chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nước cho ương cá tra giống.
Ông Nguyễn Lộc-đại diện Công ty ADN, đơn vị đang cung cấp giải pháp chế phẩm vi sinh xử lý ao ương cá ở ĐBSCL cho biết, sau 2 tháng triển khai giải pháp này ở Tiền Giang và Long An hiện đã có khoảng 200ha ao thực hiện chế phẩm vi sinh xử lý ao ương.
Theo anh Sáu Tùng, tốn kém cho việc sử dụng hóa chất với chế phẩm vi sinh trong quá trình ương cá là tương đương nhau, nhưng lợi ích bền vững thì vi sinh “ăn đứt” hóa chất.