Dân Việt

ATTP cuối năm 2018: Giá chỉ còn 50.000 đồng/kg, gà đồi Yên Thế “tập tễnh” đường ra chợ

Ngọc Tùng 11/12/2018 13:50 GMT+7
Huyện Yên Thế (Bắc Giang) hiện có khoảng 4 triệu con gà đồi, trong đó có gần 2 triệu con sẽ được xuất bán vào dịp Tết Nguyên đán 2019. Thời điểm này, các hộ chăn nuôi đang đẩy mạnh chăm sóc đàn gà với mong muốn giá sẽ cải thiện vào dịp tết, bởi thực tế hiện nay giá gà đồi đang khá thấp.

Xây được nhà nhờ nuôi gà đồi

Gia đình anh Ngô Thế Long ở thôn Tân Hồng, xã Đồng Tâm (huyện Yên Thế) bắt đầu nuôi gà theo mô hình bán công nghiệp từ năm 2004. Gà được anh chăn thả trong vườn đồi, dưới tán cây ăn quả của gia đình. Nhờ được vận động thường xuyên, ngoài thức ăn công nghiệp còn được bổ sung nguồn dinh dưỡng từ cỏ cây, côn trùng trong vườn... nên gà khỏe mạnh, ít khi bị dịch bệnh, chất lượng thịt thơm ngon. Sau khoảng 3,5 tháng, gà đạt trọng lượng trung bình từ 2,3 - 2,5kg/con thì anh Long cho xuất bán.

img

Các hộ chăn nuôi ở Yên Thế tích cực chăm sóc gà, kịp phục vụ dịp tết. Ảnh: Ngọc Tùng

Theo ông Thân Minh Sâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, để giải quyết vấn đề tiêu thụ gà đồi bền vững, đảm bảo lợi nhuận cho người chăn nuôi, huyện đã đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa người chăn nuôi với các doanh nghiệp, HTX hoặc hình thành các nhóm hộ, tổ hợp tác... Đơn cử như Công ty TNHH Giang Sơn đã liên kết với 80 hộ gia đình chăn nuôi trên địa bàn huyện; HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế ký hợp đồng cam kết tiêu thụ hơn 60.000 con gà...

Mỗi năm, anh Long nuôi từ 7.000 – 8.000 con gà, chủ yếu là giống mía lai. Nhờ chăn nuôi gà đồi kết hợp trồng cây ăn quả như vải, bưởi, từ hộ khó khăn, gia đình anh đã vươn lên khá giả, mỗi năm thu nhập trên dưới 200 triệu đồng. Năm 2010, vợ chồng anh Long đã xây được căn nhà khang trang.

Giống như anh Long, anh Nguyễn Ngọc Kiên ở bản Trại Hạ (xã Đồng Tiến) cũng vươn lên thoát nghèo từ nuôi gà đồi. Xây dựng gia đình năm 2012, vợ chồng anh Kiên mạnh dạn vay vốn ngân hàng xây chuồng trại nuôi gà dưới tán rừng keo để phát triển kinh tế. Giống gà lai chọi phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu vùng đồi cao được anh chọn nuôi. Với giá bán bình quân tại chuồng từ 50.000 – 55.000 đồng/kg, sau hơn 3 tháng nuôi anh Kiên đã thu lãi 10 triệu đồng từ đàn gà khoảng 1.000 con.

Ngoài nguồn thu nhập lớn từ nuôi gà thương phẩm, người dân huyện miền núi Yên Thế còn có nguồn thu đáng kể từ việc bán phân gà, bán gà giống... Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân - Trưởng phòng NPTNT huyện Yên Thế, hiện trên địa bàn có trên 4 triệu con gà, chủ yếu gồm các giống gà ri lai (chiếm khoảng 55%), gà mía lai khoảng 35%, còn lại là lai chọi, lai Hồ, lai Đông Tảo...

Sau gần 15 năm phát triển, chăn nuôi gà đồi đã trở thành nghề chủ lực tại địa phương, là mô hình xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững của hàng nghìn gia đình. Năm 2011, gà đồi Yên Thế là vật nuôi đầu tiên trong cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp chứng nhận nhãn hiệu bảo hộ độc quyền.

img

Gà đồi Yên Thế nổi tiếng chắc thịt, chất lượng thơm ngon. Ảnh: Ngọc Tùng

Thấp thỏm chờ vụ tết

Từ năm 2012 đến nay, huyện Yên Thế rất chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm gà đồi, thực hiện hiệu quả đề án sản xuất, cung ứng gà; chú trọng xây dựng vùng an toàn dịch bệnh; đẩy mạnh liên kết chăn nuôi - tiêu thụ... Huyện cũng đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, HTX xây dựng các điểm thu mua, gắn tem, logo thương hiệu đã được bảo hộ.

Huyện tích cực phối hợp cơ quan chức năng các địa phương thu giữ, xử lý sản phẩm nhái thương hiệu “Gà đồi Yên Thế”; tăng cường kiểm dịch, kiểm tra thú y, kiểm soát tốt vật nuôi ra, vào huyện; chú trọng quản lý thương hiệu, gắn trách nhiệm đến từng hộ chăn nuôi...

Nhưng, kỳ vọng nâng tầm thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” vẫn luôn gặp khó ở sự ổn định về giá và đầu ra cho người chăn nuôi. Bao lâu nay, mỗi dịp cuối năm, vấn đề này lại đặt ra nhiều nỗi lo cho các hộ nuôi gà, cũng là sức ép của chính quyền địa phương. Năm nay cũng vậy, khi chỉ gần 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng giá gà Yên Thế vẫn đang ở mức khá thấp, khó bán.

Theo ông Trần Văn Giỏi (thôn Tân Hồng, xã Đồng Tâm) - người có gần 20 năm nuôi gà, gia đình ông vừa bán đàn gà lai chọi 2.500 con với giá 50.000 đồng/kg, thấp hơn 15.000 đồng so với cùng kì năm 2017. Nhưng nếu so với hơn 1 tháng trước, mức giá này cũng đã được cải thiện đáng kể khi thời điểm tháng 9-10.2018, giá gà ở Yên Thế chỉ đạt 38.000 – 40.000 đồng/kg, thấp nhất trong khoảng 3 năm gần đây.

img

Mặc dù chất lượng thơm ngon, nhưng do chưa có đầu ra ổn định nên gà đồi Yên Thế thường bị thương lái ép giá. 

Theo dự đoán của ông Trần Văn Giỏi, từ nay đến Tết Nguyên đán, giá gà khó tăng giá và khó bán vì nhiều gia đình đồng loạt vào đàn để bán ra thời điểm này, khiến sản lượng tăng cao. Những người có kinh nghiệm như ông Giỏi sẽ không theo xu hướng nuôi gà bán tết, nhưng ông vẫn canh cánh nỗi lo vì giá gà chưa cải thiện, hiện chỉ đảm bảo hòa vốn.

“Mỗi năm tôi nuôi từ 1,2 - 1,5 vạn con gà, trừ chi phí còn lãi gần 250 triệu đồng. Năm nay chắc chắn không đạt được lợi nhuận đó vì ngoài giá thấp, thời tiết cũng không thuận lợi khiến gà lớn chậm, phải nuôi dài ngày mới đạt trọng lượng, trong khi tỉ lệ hao hụt do mắc bệnh cao hơn...” - ông Giỏi cho biết.

Việc tiêu thụ chậm cũng làm cho các hộ chăn nuôi thất thu thêm, bởi gà đến ngày xuất bán sẽ tiêu thụ lượng thức ăn lớn nhưng chậm tăng trọng lượng. Mỗi đàn gà 1.000 con sẽ ăn hết khoảng 1 tạ thức ăn/ngày (hơn 1 triệu đồng). Một nguyên nhân khiến giá gà thấp, khó bán, theo phản ánh của người dân đó là do các thương lái chi phối ép giá. Khi muốn bán gà, các hộ chăn nuôi phải liên hệ với những người này và thường bị “dìm” giá một cách vô lý để hưởng chênh lệch.