Đây không chỉ là mô hình điểm về sản xuất rau an toàn, mà còn là cầu nối bao tiêu sản phẩm rau sạch cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Gia Bình.
Rau muống trồng trong nhà lưới của HTX Hoàng Gia. Ảnh: H.A
Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây giống mới có năng suất, giá trị kinh tế cao vào sản xuất là chủ trương lớn của huyện thuần nông Gia Bình. Với diện tích gần 3.000ha trồng rau các loại, từ năm 2015 lại đây, Hội ND huyện, ngành Nông nghiệp huyện Gia Bình đã phối hợp ác công ty, đơn vị liên quan triển khai nhiều mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Điển hình như mô hình trồng hành lá xuất khẩu tại 2 xã Cao Đức, Lãng Ngâm, tổng diện tích hơn 5ha; mô hình trồng cà rốt xuất khẩu sang Nhật Bản tại xã Cao Đức, thu nhập hàng tỷ đồng/năm; mô hình sản xuất rau an toàn của HTX Ngăm Mạc; mô hình trồng rau trong nhà lưới của HTX Hoàng Gia…
Bà Trần Thị Hoa - Chủ tịch Hội ND huyện Gia Bình cho biết: Hội ND huyện phối hợp các công ty, doanh nghiệp hỗ trợ HTX Hoàng Gia xây dựng mô hình điểm sản xuất rau sạch theo đúng quy trình nghiêm ngặt bằng phương pháp thủy canh. Rau được trồng tạo phôi bên ngoài nhà lưới khoảng 50 ngày, sau đó cắt thả vào nhà lưới, từ 17-25 ngày sẽ cho thu hoạch và bảo quản trong kho lạnh rồi giao cho khách hàng.
Từ mô hình này, huyện nhân rộng diện tích sản xuất rau an toàn, lấy HTX Hoàng Gia làm điểm đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các HTX sản xuất rau sạch trong huyện. Hiện HTX Hoàng Gia đã bao tiêu sản phẩm rau sạch cho HTX rau Ngăm Mạc, xã Lãng Ngâm, HTX trồng nấm Đại Lai, HTX trồng ớt Vạn Ninh...
Ông Trần Văn Hiển - Giám đốc HTX Hoàng Gia khẳng định: Mục tiêu của HTX sẽ trở thành cầu nối liên kết tất cả các HTX nông nghiệp trong toàn huyện từ khâu trồng trọt, chăm sóc đến bao tiêu sản phẩm, góp phần mở ra hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp của huyện.