Dân Việt

Mỹ làm điều khiến Trung Quốc không thể không đau và hậm hực

Lư Phổ Ân 11/12/2018 09:30 GMT+7
Điều khiến Trung Quốc không thể không thấy đau đớn và hậm hực là việc bắt giữ này được thực hiện khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau ở Argentina và đạt được sự nhất trí về "tạm đình chiến" xung khắc thương mại trong thời gian 90 ngày.

img

Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Với việc người phụ trách tài chính của tập đoàn Huawei của Trung Quốc Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt giữ khi quá cảnh ở Vancouver của Canada, mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ nói riêng và giữa Trung Quốc với một số đồng minh khác nữa của Mỹ nói chung trở nên thêm trắc trở và phức tạp. Điều khiến Trung Quốc không thể không thấy đau đớn và hậm hực là việc bắt giữ này được thực hiện khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau ở Argentina và đạt được sự nhất trí về "tạm đình chiến" xung khắc thương mại trong thời gian 90 ngày.

Không như thế sao được khi Trung Quốc phải thấy rằng giờ không thể hy vọng là mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Trung Quốc có thể cải thiện được và không thể kỳ vọng nhiều là phía Mỹ có thiện chí và mong muốn thực sự hoá giải mối bất hoà và xung khắc lợi ích giữa hai bên. Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu cho thấy phía Mỹ không có ý định tạo điều kiện và bầu không khí chính trị thuận lợi cho cuộc đàm phán giữa hai bên về thương mại mà tiếp tục làm găng với Trung Quốc như có thể được.

Việc Canada bắt giữ công dân của Trung Quốc theo yêu cầu của Mỹ cũng như việc trước đó một số đồng minh và đối tác của Mỹ đồng loạt cản trở công chuyện hoạt động kinh doanh của các tập đoàn kinh tế của Trung Quốc như Huawei ở thị trường của họ là bằng chứng rằng không chỉ có Mỹ mà còn cả những đối tác kia đang tập hợp nhau lại thành liên minh tiến hành cuộc tấn công nhằm không để Trung Quốc vươn lên giành vị thế hàng đầu về kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao trong thời gian tới. Khái niệm được sử dụng để miêu tả cuộc đấu này là cạnh tranh chiến lược trên mọi phương diện. Xưa nay, Mỹ và các đồng minh, đối tác kia luôn cho rằng bị Trung Quốc thách thức về tiềm lực, sức mạnh và vị thế trên thế giới thì bây giờ chính Trung Quốc bị Mỹ và các đối tác, đồng minh thách thức thật sự và quyết liệt.

Ông Trump trong gần 2 năm cầm quyền ở Mỹ đến nay đã xử lý quan hệ của Mỹ với Trung Quốc khác biệt cơ bản so với những người tiền nhiệm. Người này luôn cho rằng mình cao tay hơn những người tiền nhiệm trong việc xử lý quan hệ của Mỹ với Trung Quốc và luôn tỏ ra tin rằng sẽ khiến Trung Quốc phải nhượng bộ Mỹ trong mọi chuyện, dù là chuyện quan hệ song phương hay trong vấn đề Triều Tiên. Chỉ nhìn vào bề ngoài cũng đã có thể thấy cách làm của ông Trump rất mâu thuẫn. Bề ngoài, ông Trump luôn tỏ ra rất coi trọng và thân thiết với cá nhân ông Tập Cận Bình cũng như thiện chí đàm phán để giải quyết mọi vướng mắc giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, mọi kết quả đàm phán và thoả thuận đều không có hiệu lực lâu bền và Mỹ luôn tiếp tục gia tăng áp lực đối với Trung Quốc, gây chuyện và làm khó Trung Quốc. Qua đó có thể thấy ông Trump hoàn toàn không có ý định giải quyết ổn thoả và dứt điểm mọi chuyện với Trung Quốc mà muốn đẩy Trung Quốc vào tình thế luôn mắc mớ với Mỹ, tức là buộc Trung Quốc phải chơi cuộc chơi do Mỹ dẫn dắt và bài binh bố trận. Ông Trump coi đấy là nước cờ cao.

Có thể đúng như thế nhưng cũng có thể không đúng như thế bởi nước cờ có cao thật sự hay không còn phụ thuộc vào cả việc nó có đưa lại kết quả mà người chơi nó mong đợi hay không. Điều ông Trump không thể chi phối được là phản ứng và sự đáp trả của Trung Quốc. Cho tới nay, phía Trung Quốc vừa trả đũa Mỹ vừa dền dứ, vừa ăn miếng trả miếng vừa kết hợp dùng nhu chế cương với việc chấp nhận đối đầu để đối phó đối đầu. Tuy Mỹ và Trung Quốc chơi ván bài ngửa và mọi con bài đều lộ diện nhưng Trung Quốc chưa sử dụng hết mọi con chủ bài. Ẩn số đối với ông Trump không phải là Trung Quốc có thể đáp trả và đối phó Mỹ như thế nào mà là vào thời điểm nào thì tung ra cú đòn gì. Vụ việc với bà Mạnh Vãn Chu đối với Trung Quốc là bước đi của Mỹ và đồng minh vượt quá "Chỉ giới đỏ" khiến Trung Quốc không thể kiềm chế như trước nữa. Xung khắc và bất hoà giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng thì cả hai bên đều bị tổn hại chứ không phải chỉ có Trung Quốc như Mỹ tưởng. Nhưng nếu xung khắc và bất hoà càng dai dẳng thì mức độ tổn hại sẽ càng tăng và chắc chắn ông Trump sẽ phải trả giá đắt hơn ở Mỹ so với ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc, sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp đến cơ may tái đắc cử tổng thống Mỹ năm 2020. Ở Phương Tây có câu ngạn ngữ, tạm dịch là "Người cười cuối cùng mới là người có lý do xác đáng nhất để cười". Nước cờ cao bị bắt vở sẽ trở nên vô dụng. Tự tin quá dễ hoá chủ quan và dễ sẽ phải trả giá đắt.

Cái cớ thật sự của Mỹ đằng sau vụ bắt giám đốc tài chính Huawei

Bà Wanzhou Meng, giám đốc tài chính của hãng công nghệ Huawei (Trung Quốc) vừa bị bắt tại Canada vì nghi vi phạm các biện...