Tại Hội nghị giao ban quản lý Nhà nước (QLNN) tháng 11.2018, trước thông tin 1 triệu máy tính trên địa bàn Hà Nội bị nhiễm virus, đại diện Bộ Thông tin và Truyền (TTTT) cho biết, Sở TTTT Hà Nội đã làm việc với Cục An toàn thông tin (Bộ TTTT).
Theo đó, hai bên đã thống nhất kế hoạch tổ chức triển khai rà soát, xử lý, bóc gỡ mã độc lây nhiễm trên địa bàn.
Trước phản ánh của người dân, doanh nghiệp (DN) và báo chí về nghi vấn một số DN lớn như Thế giới di động, FPT Shop, Con Cưng bị tin tặc tấn công lấy cắp dữ liệu, đại diện Bộ TTTT thông báo đã hướng dẫn, hỗ trợ các DN và cảnh báo tới cộng đồng nhằm bảo vệ thông tin cá nhân người sử dụng liên quan tới các doanh nghiệp này.
Trong tháng 11.2018, đã có tổng cộng 160 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam.
Đối với việc xử lý SIM rác, Bộ TTTT đã đưa ra ba giải pháp. Thứ nhất, SIM mới sẽ phải đăng ký đầy đủ thông tin, bao gồm cả chụp ảnh; Thứ hai, các nhà mạng không đưa ra thị trường SIM giá rẻ, để tránh việc dùng SIM thay thẻ cào điện thoại; Thứ ba, nghiên cứu công nghệ nhận dạng và xác thực ảnh chụp với ảnh chứng minh thư. Ba giải pháp này sẽ giải quyết đáng kể vấn nạn SIM rác, trong khi đợi giải pháp căn cơ là xây dựng CSDL căn cước công dân.
Thông kê của Bộ thông (TTTT) cho thấy, trong tháng 11.2018, đã có tổng cộng 160 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam. Trong đó, có 65 cuộc tấn công lừa đảo, 35 cuộc tấn công thay đổi giao diện và 60 cuộc tấn công cài cắm mã độc. Nguy hiểm hơn khi có tới hơn 1,6 triệu địa chỉ IP của Việt Nam thường xuyên nằm trong các mạng máy tính ma (botnet).
Cũng trong tháng 11.2018, Bộ TTTT đã nhận 5.200 lượt phản ánh về tình trạng tin nhắn rác. Trong đó, lượng phản ánh về tin nhắn rác của thuê bao thuộc nhà mạng VinaPhone chiếm tỷ lệ nhiều nhất (khoảng 52,1%), kế đó là nhà mạng Viettel (khoảng 20,25%), MobiFone (khoảngg 15,3%) và Vietnamobile (khoảng 2,1%).
Trước tình hình An toàn thông tin (ATTT) đang diễn biến ngày càng phức tạp, Bộ TTTT đã gửi 1.200 lượt cảnh báo cho các cơ quan, đơn vị tại các bộ, ngành, địa phương qua hình thức văn bản, thư điện tử, điện thoại về các điểm yếu, lỗ hổng, nguy cơ an toàn thông tin, tấn công mạng.
Cụ thể, trong tháng 11, Bộ TTTT đã làm việc với Viettel, CMC, BKAV và FPT nhằm hình thành Liên minh phòng, chống mã độc, xử lý tấn công mạng. Bộ TTTT sẽ nắm vai trò đầu mối điều phối, hướng dẫn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trong công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Được biết, tháng 11 vừa qua, Bộ đã tiến hành các hoạt động tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin về an ninh mạng trong ASEAN, trong đó, có việc mời các nước Lào, Campuchia, Myanmar tham gia vào hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia của Việt Nam.
Bộ TTTT cũng đang xây dựng dự thảo báo cáo, tập trung vào chiến lược đưa Việt Nam thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng.
Thời gian tới, Bộ TTTT tập trung phát triển và hoàn thiện các công cụ phục vụ công tác giám sát, phát hiện thông tin trên mạng tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Đồng thời, xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển hệ sinh thái an ninh mạng, trong đó có việc đề xuất phương án phát triển doanh nghiệp an toàn thông tin mạng Việt Nam. Mục tiêu là cải thiện thứ bậc của Việt Nam trong bảng đánh giá, xếp hạng chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu và phát triển hệ sinh thái số.