Dân Việt

Sóc Trăng: Trồng mướp lạ, trái có khía mà thoát nghèo

K. Thoa 12/12/2018 19:30 GMT+7
Anh Dương Hoàng Liêm, ở khóm Tâm Trung, Phường 10, TP Sóc Trăng trồng có 3 công giống mướp lạ có tên là mướp khía mà mỗi vụ "bỏ túi" 40 triệu đồng. Đặc biệt, giống mướp lạ này cho nhiều trái, ít bị sâu rầy, ong chích...nên chi phi giảm.

Ngoài cây lúa là chủ lực thì anh Dương Hoàng Liêm, ở khóm Tâm Trung, Phường 10 cũng như nhiều nông dân khác ở địa phương còn trồng xen canh mướp khía với các loại rau màu khác, góp phần đa dạng hóa cây trồng, tăng thu nhập gia đình. Vốn là một nông dân chịu khó tìm tòi, học hỏi nên trước khi đến với cây mướp khía thì anh Liêm từng trồng rất nhiều cây màu khác nhau.

img

Mô hình mướp khía mang lại hiệu quả kinh tế cao so với trồng các cây màu khác. Thu hoạch mướp khía giao cho thương lái tại gia đình anh Dương Hoàng Liêm.

Đã nhiều năm nay, anh chỉ “trung thành” với giống mướp hương nhưng lý do khiến anh Liêm chuyển đổi qua trồng mướp khía là do mướp hương năng suất không cao vì ít trái. Lúc đầu anh Liêm chỉ trồng thử nghiệm giống mướp khía nhưng trong quá trình trồng, anh nhận thấy đây là cây trồng phát triển rất tốt, năng suất, chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng nên quyết định chuyển sang trồng mướp khía và đến nay nhân rộng gần 3 công đất.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng, anh Liêm cho biết: “So với các cây màu khác thì mướp khía ít bị sâu bệnh, nếu bị ong chích thì sử dụng thuốc sinh học chứ không dùng thuốc trừ sâu nên rất an toàn. Không chỉ năng suất cao mà mướp khía còn ăn ngon ngọt nên dễ bán”.

Với kỹ thuật trồng đơn giản, không tốn công chăm sóc và chi phí đầu tư ít, đầu ra dễ dàng nên mô hình mướp khía đang được một số bà con trên địa bàn phường 10 nhân rộng, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

“Để mướp không bị chết, lúc làm đất phải lên liếp cao, có rãnh thoát nước tốt để cây không bị đọng nước. Sau đó, trải màng phủ nilông trên mặt luống để chống cỏ dại, giữ ẩm mùa khô và chống úng trong mùa mưa. Khi mướp cao 20cm - 30cm thì mua lưới và cây về làm giàn cho mướp leo. Từ lúc trồng đến khi được 10 ngày thì pha loãng phân với nước để tưới, sau đó cứ một tuần tưới một lần. Đối với giống mướp này, lưu ý về mùa nắng, nhiệt độ cao nên tưới đủ nước để cho năng suất và chất lượng trái được ngon ngọt, nếu tưới không đủ nước trái sẽ bị đắng” - anh Liêm chia sẻ thêm.

Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, nhiều bà con đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây màu có giá trị kinh tế cao. Ngoài các cây màu truyền thống thì mô hình trồng mướp khía gần đây được một số bà con ở phường 10 (TP. Sóc Trăng) lựa chọn trồng và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao.