Toàn cảnh Hội thảo: "Khả năng áp dụng và tác động của Luật thuế Tài sản ở Việt Nam" (Ảnh: VEPR)
Đánh thuế tài sản với ô tô là phi lý!
Đề cương xây dựng dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính với đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng và ô tô trên 1,5 tỷ đồng, thuế suất 0,3 - 0,4%/năm từng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ người dân trong năm 2018.
Tại Hội thảo Khả năng áp dụng và tác động của Luật thuế Tài sản ở Việt Nam sáng 12.12 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức, PGS. TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, Bộ Tài chính tham vọng đánh thuế tài sản là không nên vì rất ít quốc gia đánh thuế vào các tài sản này.
Cụ thể, theo thống kê từ Bộ Tài chính, 174/193 quốc gia trên thế giới thực hiện thu thuế tài sản với nhiều tên gọi khác nhau. Với tên gọi “thuế tài sản”, TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng, cách gọi khá mập mờ. Các quốc gia trên thế giới không dùng tên gọi này mà cụ thể hơn. Ví dụ, Nhật Bản: thuế tài sản cố định, Philippines: thuế tài sản thực.
"Nếu đánh thuế tài sản với tàu, thuyền, ô tô là phi lý vì những tài sản này mất giá theo giờ gian, chỉ đánh thuế bất động sản để đúng triết lý đánh thuế”, TS. Vũ Sỹ Cường nói.
Theo TS. Vũ Sỹ Cường, thiết kế hệ thống thuế phải theo nhiều nguyên tắc như tính dễ thực thi, tính hiệu quả, tính công bằng… Vậy nên, việc đánh thuế tài sản cực kỳ phức tạp và rất khác nhau ở các nước. Tuy nhiên, rất ít nước gọi là thuế Tài sản (trừ Nhật Bản) còn lại đều gọi là thuế đất đai, thuế sở hữu tài sản hay thuế liên quan tới tài sản...
Về tính khả thi khi đánh thuế tài sản tại Việt Nam, TS. Vũ Sỹ Cường cho rằng khó khả thi.
TS. Vũ Sỹ Cường nói: “TP.HCM có thể đánh thuế cao, nếu ai có tiền thì ở còn không thì về Bình Dương hay Đồng Nai chẳng hạn. Tại sao các nước giàu thu nhiều thế mà nước nghèo thu ít? đó là sự đồng thuận của xã hội đi kèm với minh bạch và giải trình trong cả thu và chi. Hay như ở Italia, có thành phố muốn hạn chế khách du lịch bằng cách đánh thuế nhà hàng, khách sạn cao lên. Đó là sự đồng thuận của người dân”.
Không những vậy, tại Việt Nam chưa có Luật thuế tài sản, nhưng đã có nhiều luật thuế liên quan tới tài sản như thuế thuế TTĐB, thuế GTGT, thuế đất phi nông nghiệp, phí trước bạ…
Thu-chi không rõ, dân khó bằng lòng
Còn theo PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), tài sản trong quá trình hình thành đã chịu nhiều loại thuế. Nếu tiếp tục đánh Thuế tài sản, mà lại đánh hàng năm là không hiệu quả, thiếu cơ sở pháp lý, dễ gây méo mó nguyên lý đánh thuế.
“Không nên dễ dãi đưa ra một luật thuế như vậy vì phải xác định rõ ràng việc đánh thuế tài sản này là để điều chỉnh hành vi hay tăng thu cho địa phương? Cần tập trung vào cách xây dựng cơ chế thu và cách sử dụng nguồn thu đó như nào theo thông lệ quốc tế. Và nên tập trung vào thuế địa phương để đẩy mạnh quy hoạch khu dân cư theo tốc độ phát triển. Thuế tài sản muốn lâu bền phải tránh trùng với thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế trước bạ”, TS. Nguyễn Đức Thành đưa ra lời khuyên.
PGS. TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). (Ảnh: I.T)
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, thuế tài sản, đặc biệt là thuế bất động sản, tuy không phải nguồn quan trọng đối với ngân sách quốc gia, nhưng là nguồn thu quan trọng ở địa phương tại hầu hết các nước. Nguồn thu này giúp cải thiện chi tiêu công tại địa phương. Do đó, có thể thấy hầu hết các nước đánh theo triết lý thuế địa phương.
Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Thành dự báo: “Thuế tài sản nếu được ban hành như dự thảo hiện nay sẽ làm giảm thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình. Tuy nhiên, nó không ảnh hưởng tới đói nghèo và chủ yếu làm giảm thu nhập của người giàu. Do đó, chỉ số bất bình đẳng được cải thiện nhưng chủ yếu do người giàu bị nghèo đi chứ không phải do người nghèo được cải thiện. Vì vậy, đây không phải một sắc thuế bền vững, nếu chi tiêu công không thúc đẩy phúc lợi và năng suất toàn xã hội”.
Cuối cùng, TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh: “Khi ban hành một Luật thuế mới, điều quan trọng là tính minh bạch và trách nhiệm giải trình ở ngân sách của các cấp. Để có sự đồng thuận của công chúng thay vì những phản ứng dữ dội, phải nâng tính giải trình trong các khoản chi của ngân sách. Bởi tăng thu để phục vụ chi, nhưng chi như thế nào, người dân cần được rõ hiệu quả của các khoản chi đó.
Bên cạnh đó, cần phải xem gốc gác vấn đề thêm luật thuế, thêm sắc thuế mới. Nếu chi tiêu chưa tiết kiệm thì không thể đưa ra luật thuế hay sắc thuế mới được. Đây là gốc lõi nhất về cân đối thu chi ngân sách của chúng ta”.