Dân Việt

Tây Bắc tụt xuống 4 độ C, nhà nông đắp chăn, sưởi ấm cho trâu bò

Tuệ Linh 15/12/2018 06:10 GMT+7
Những ngày qua, trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai có mưa rào và xảy ra rét đậm, vùng núi cao rét hại, nhiệt độ giảm sâu từ 12-4 độ C. Để chủ động công tác phòng, chống đói, rét cũng như hạn chế thấp nhất những tác động xấu của thời tiết cho vật nuôi, chính quyền địa phương cùng người dân đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chóng đói, rét cho đàn gia súc.

Trước tình hình diễn biến thời tiết trong những ngày qua ở một số tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra rét đậm, rét hại, nhiệt độ giảm sâu, một số huyện vùng cao như Sìn Hồ (Lai Châu), Sa Pa (Lào Cai) có lúc xuống đến 4 độ C.

Để chủ động công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc và hạn chế thiệt hại thấp nhất do những tác động xấu của thời tiết gây ra, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống đói, rét, cho đàn vật nuôi. 

img

Bà con ở xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La tranh thủ lùa đàn trâu, đàn bò thả ở trên núi về chuồng trại để tránh rét.

Tại tỉnh Lai Châu, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã ban hành công văn 112 về việc tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh; xác minh, thống kê thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra. Phân công, bố trí cán bộ phụ trách trực tiếp bám cơ sở, phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn để thông tin về các đợt rét. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn nhân dân các biện pháp chủ động phòng, chóng đói, rét cho vật nuôi, đặc biệt là đàn gia súc tới các hộ chăn nuôi. 

Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sa Pa (Lào Cai), cho biết: Để giảm thiểu những thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi gia súc, gia cầm, chúng tôi đã chủ động cập nhật và thông báo tình hình thời tiết kịp thời đến bà con nhân dân thông qua các cuộc họp thôn, bản, các cuộc họp hội viên của các tổ chức đoàn thể và trên các phương tiện thông tin, loa đài truyền thanh của các xã.

Vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt một số biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc như gia cố, tu sửa, che chắn chuồng trại.

img

Người dân quây bạt, đốt lửa, cắt cỏ cho đàn bò ăn trước tình hình rét đậm, rét hại kéo dài.

"Chỉ đạo UBND các xã vùng cao cử cán bộ cùng người dân kiểm tra tình hình chuồng trại, thức ăn đảm bảo giữ ấm, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho đàn gia súc. Đồng thời ở những vùng núi cao cần di chuyển đàn gia súc xuống các vùng có khí hậu ấm hơn. Tuyệt đối không chăn thả gia súc ra khỏi chuồng khi trời rét đậm, rét hại, khi có sương muối thì phải để tan sương, khi có ánh nắng mặt trời lên mới cho gia súc ra khỏi chuồng và tiến hành chăn thả có người chăn dắt" - ông Thành cho biết.

Tại Sơn La, một số xã vùng cao nằm ở độ cao từ 1.500 - 2.000m như Háng Đồng, Tà Xùa (Bắc Yên); Co Mạ (Thuận Châu), xuất hiện sương mù dày đặc, tầm nhìn khoảng 1 mét đổ lại. Vì vậy, thời điểm này bà con người dân tộc Mông đã chủ động lên các bãi chăn thả ở tít trên núi cao để lùa đàn gia súc về nhốt, quây bạt quanh chuồng trại, đốt lửa sửa ấm, cho ăn muối, uống nước ấm...

img

Người dân vùng núi cao đã chủ động ủ ấm cho trâu bò của gia đình khi trời rét

"Đây là đợt rết đậm mạnh nhất từ đầu năm, lo sợ 5 con bò của tôi không chống cự được trong cái rét lạnh cắt da cắt thịt này, hôm qua vợ chồng tôi đã lên núi dắt chúng về để tránh rét. Đàn bò của tôi được Nhà nước hỗ trợ để thoát nghèo. Mùa rét nào tôi cũng sưởi ấm, đắp chăn cho chúng, đến nay đã phát triển từ 1 con lên 5 con. Trong nhà tôi không có gì cả, chỉ có đàn bò là tài sản lớn nhất nên tôi sẽ làm mọi cách để giữ ấm cho chúng qua khỏi đợt rét này thì sau này mới xóa nghèo, làm giàu được" - anh Và A Chính, bản Hua Ty, xã Co Mạ bảo vậy.