Người phụ nữ được cho là lãnh đạo tương lai của một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc, đã mỉm cười và giơ ngón tay cái khi thẩm phán ở Vancouver yêu cầu nộp tiền bảo lãnh để được tại ngoại. Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, con gái của nhà sáng lập tập đoàn công nghệ Huawei đã trở thành cuộc khủng hoảng ngoại giao toàn diện, .
Chính quyền Canada đã bắt giữ bà Mạnh theo yêu cầu của Mỹ vào ngày 1.12, cùng ngày với thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thưởng thức bữa tối với thịt bò bít tết tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina.
Mọi hy vọng về nới lỏng cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nhanh chóng tan biến. Bà Mạnh, 46 tuổi là giám đốc tài chính (CFO) của một công ty có doanh thu gần 100 tỷ USD. Cha của bà, Nhậm Chính Phi, 74 tuổi là cựu sĩ quan Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Bà Mạnh sở hữu nhiều hộ chiếu và có 2 biệt thự ở Vancouver.
Đẩy mạnh sự tham gia của tư nhân
Huawei, một trong những tập đoàn tư nhân ở Trung Quốc tham gia vào quá trình phát triển công nghiệp quốc phòng. Tập đoàn này có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới, ông Nhậm một cựu sĩ quan PLA đã khéo léo lập nên nhiều công ty ở nước ngoài, ngăn chính phủ can thiệp quá nhiều và hưởng một mức độ tự chủ nhất định. Đó là bí quyết thành công của Huawei.
Bà Mạnh được nhân viên an ninh Canada dẫn đến phòng tạm tha ở Vancouver vào ngày 12.12. Ảnh: AP.
Nhưng đó không phải điểm quan trọng nhất trong vụ bắt giữ bà Mạnh. Tâm điểm trong sự cố CFO Huawei là sự trỗi dậy của cơ chế “hội nhập quân – dân sự” ở Trung Quốc và phản ứng dè dặt theo bản năng của chính phủ Mỹ.
Hội nhập quân – dân sự là chiến lược được thiết kế để tăng sức mạnh quốc gia của Trung Quốc bằng cách huy động và kết hợp tất cả công ty có công nghệ tiên tiến của PLA, chính phủ, các công ty nhà nước và tư nhân. Chiến lược này được dẫn dắt bởi Chủ tịch Tập, nó đi cùng với cuộc cải tổ quân đội chưa từng có.
Trong Đại hội toàn quốc lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10.2017, ông Tập nói: “Trung Quốc sẽ tăng cường cải cách khoa học công nghệ và công nghiệp liên quan đến quốc phòng và đạt được sự hội nhập quân – dân sự lớn hơn. Cùng với quá trình hiện đại hóa đất nước, chúng ta sẽ hiện đại hóa quân đội. Chúng ta sẽ hoàn thành cơ bản việc hiện đại hóa quân đội vào năm 2035”.
Mục tiêu là đưa Trung Quốc trở thành cường quốc quân sự trong vòng 17 năm. Tại Trung Quốc, các công ty tư nhân được yêu cầu đóng góp vào hiện đại hóa quân đội, khi PLA đang đẩy mạnh hiện đại hóa trang thiết bị.
Khái niệm hội nhập quân – dân sự bắt nguồn từ Chiến tranh Lạnh. Năm 1961, trong bài phát biểu trước khi hết nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã chỉ trích cái mà ông gọi là “tổ hợp công nghiệp quân sự”. Sau đó, Washington đã mở rộng sự tham gia của các công ty tư nhân, góp phần xây dựng đế chế công nghiệp quốc phòng hùng mạnh như hôm nay.
Trong nỗ lực để bắt kịp Mỹ, Trung Quốc đã mô phỏng lại mô hình công nghiệp của Mỹ trong thế kỷ 20 và điều chỉnh nó để phù hợp với lời kêu gọi của Chủ tịch Tập về các công ty nhà nước “lớn và mạnh hơn”. Có thể nói rằng đây là mô hình tổ hợp công nghiệp quân sự thế kỷ 21 mang đặc trưng Trung Quốc.
Theo cơ chế quản lý ở Trung Quốc, bất kỳ công ty nào do nhà nước hoặc tư nhân quản lý đều nằm dưới sự bảo trợ của Đảng Cộng sản, Huawei cũng không phải là ngoại lệ.
Cất nhắc giới quan chức công nghiệp vào chính phủ
Sự quan tâm của Chủ tịch Tập đối với hội nhập quân – dân sự có thể được nhìn thấy trong các quyết định nhân sự của ông. Trong đó, các cá nhân có liên kết với công nghiệp quốc phòng và nghiên cứu quân sự đã được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt của đảng và chính phủ.
Chủ tịch tỉnh Quảng Đông Mã Hưng Thủy (trái) và thị trưởng thành phố Thiên Tân Trương Quốc Thanh đều là các cựu quan chức của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Ảnh: Reuters/Getty.
Đơn cử trường hợp ông Mã Hưng Thụy, 59 tuổi, chủ tịch tỉnh Quảng Đông, ngôi sao đang lên ở chính trường Trung Quốc, người được xem là lãnh đạo tiềm năng thế hệ tiếp theo. Ông Mã vốn là kỹ sư hàng không, nghiên cứu về tên lửa. Ông từng là quan chức cấp cao của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC).
Sau khi được bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, ông đã trở thành lãnh đạo của một tỉnh được mệnh danh là “nhà máy của thế giới”. Hay Trương Quốc Thanh, 54 tuổi, thị trưởng thành phố Thiên Tân từng là giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (Norinco), một công ty quốc phòng lớn ở Trung Quốc.
Mô hình hội nhập quân – dân sự được thể hiện rõ ràng nhất tại triển lãm hàng không quốc tế Chu Hải, sự kiện hàng không được tổ chức 2 năm một lần vào tháng 11 tại thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Đặc biệt tại triển lãm Chu Hải 2018 vừa qua, Trung Quốc đã giới thiệu phòng triển lãm đẹp mắt chuyên về hội nhập quân – dân sự, nơi các chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản được tuân thủ một cách trung thực.
Mỹ cảnh giác cao độ với “Made in China 2025”
Bên cạnh chiến lược hội nhập quân – dân sự, Chủ tịch Tập còn kêu gọi kế hoạch “Made in China 2025”, một kế hoạch chi tiết để nâng cấp ngành công nghiệp Trung Quốc. Trong “Made in China 2025”, Trung Quốc đã cung cấp các khoản trợ cấp để giúp các công ty trong nước đổi mới công nghệ và mở rộng xuất khẩu. Bắc Kinh cũng khuyến khích mua lại các công ty nước ngoài có công nghệ tiên tiến.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng rất mạnh với kế hoạch này. Cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai nước được xem là một phần trong các chuỗi phản ứng với “Made in China 2025”.
Theo báo cáo gần đây của Wall Street Journal, áp lực của Tổng thống Trump dường như đã có tác dụng. Bắc Kinh đang lên kế hoạch thay thế “Made in China 2025” bằng một kế hoạch ít chú trọng đến sản xuất tại Trung Quốc và tạo nhiều cơ hội hơn cho các công ty nước ngoài.
Dahua nhà sản xuất camera giám sát có thị phần thứ 2 thế giới. Ảnh: Getty.
Tuy vậy, trong những năm gần đây, nhiều công ty Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng nhờ sự hội nhập quân – dân sự theo phong cách ông Tập, bao gồm Hytera Communications, một nhà sản xuất máy thu phát vô tuyến có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến.
“Nhờ Made in China 2025, sáng kiến 'Vành đai, Con đường' và chiến lược kỹ thuật số Trung Quốc, chúng tôi đã đạt được sự tăng trưởng chưa từng có, đặc biệt là ở nước ngoài”, một giám đốc của Hytera nói.
Các công ty công nghệ tư nhân của Trung Quốc đang cung cấp dịch vụ từ viễn thông, an ninh mạng, giám sát trên toàn thế giới. Những công ty này đều nằm trong mạng lưới công nghiệp quốc phòng Trung Quốc và dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Điều đó là dấy lên những lo ngại PLA có thể thu thập thông tin tình báo thông qua thiết bị do các công ty Trung Quốc cung cấp.
Sự phát triển mạnh của các công ty công nghệ Trung Quốc ra nước ngoài khiến chính quyền Tổng thống Trump đứng ngồi không yên.
Trong tháng 8, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung một số công ty Trung Quốc, bao gồm Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) vào danh sách kiểm soát xuất khẩu do lo ngại an ninh quốc gia.
CETC là một công ty nhà nước lớn nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ và được cho là gần gũi với PLA. CETC cũng là công ty mẹ của Hangzhou Hikvision, nhà sản xuất camera giám sát hàng đầu thế giới.
Trong Đạo luật Ủy quyền quốc phòng năm 2019 được ban hành vào tháng 8, Huawei, Hikvision, Zhejiang Dahua Technology và Hytera bị liệt kê vào danh sách “đen” của chính phủ Mỹ.
Năm công ty Trung Quốc trong danh sách sẽ bị cấm giao dịch với các tổ chức chính phủ Mỹ từ tháng 8.2020. Vụ bắt giữ CFO của Huawei được đánh giá là “phát đạn đầu tiên” nhắm vào các công ty có liên quan đến công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, cũng như sự hội nhập quân – dân sự ở Trung Quốc.
Tuy vậy, một số nhà phân tích cho rằng nỗ lực của ông Tập trong việc khai thác tài nguyên khu vực tư nhân để phát triển quân sự có thể làm suy yếu 40 năm tự do kinh tế ở Trung Quốc. Quản lý kinh tế nhà nước vốn không hiệu quả, kéo theo nguy cơ Trung Quốc có thể chịu chung số phận như Liên Xô.