Chúng ta có quyền mong đợi trên cả ba lĩnh vực: Tập hợp, tổ chức nông dân; xây dựng Hội và xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh sẽ đạt kết quả cao hơn, toàn diện hơn.
Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa mới thêm nhiều gương mặt mới, sức mới.
Nhiệm kỳ VI - Hội Nông dân luôn là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp nông dân; là cơ sở chính trị của xã hội, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nông dân; có nhiều tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về đường lối, chính sách phát triển nông nghiệp, xây dựng giai cấp nông dân và xây dựng nông thôn; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Tuy nhiên, bằng lòng với thành tích đạt được mà thiếu hụt đoàn kết, sáng tạo, dấn thân… thì Hội sẽ là “người đứng bên lề phát triển”.
Tinh thần lớn của Đại hội VII là “Giúp nông dân làm giàu bằng con đường ngắn nhất” trong hành trình xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn văn minh, hiện đại – đây không những là yêu cầu của Đảng, Nhà nước, mà còn là sự đòi hỏi lớn, cấp thiết của nông dân với Hội.
Về với nông dân - Hãy bắt đầu từ đội ngũ cán bộ các cấp dám từ bỏ “bệnh hình thức”, hành chính, xa rời nông dân… Dám học hỏi để nâng cao trí thức, tìm, tạo nội dung, đổi mới phương thức hoạt động trong Ban Chấp hành, nhằm tạo nên sức mạnh đoàn kết, ý chí, bản lĩnh, nâng tầm ảnh hưởng của Hội trong tham gia xây dựng chính sách, giám sát và phản biện xã hội có liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tổ chức Hội phải thực chất là người đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho giai cấp nông dân.
Các đại biểu thưởng thức đặc sản vùng miền và chia sẻ về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất bên lề Đại hội.
Ta nắm tay nhau người đồng chí – là cùng nhau chống “bệnh” hư danh, tranh chức, tranh quyền, là nói và làm đi đôi với nhau bằng trách nhiệm. Trước hết là ủy viên ban thường vụ, thường trực tới từng ủy viên ban chấp hành. Là sâu sát, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nông dân; trung thực và bản lĩnh trong báo cáo với Đảng, Nhà nước. Đồng thời, trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và đấu tranh chống lãng phí, tham ô, tham nhũng, những thói hư tật xấu trong xã hội.
Nắm tay nhau về sơ sở – là từ bỏ sự bảo thủ, là dồn tâm lực, dấn thân vào những nơi, lĩnh vực còn khó khăn trong xây dựng các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Dấn thân vào những địa bàn xây dựng nông thôn mới đang lúng túng, môi trường nông nghiệp, nông thôn bị suy giảm nghiêm trọng. Nơi vùng núi, ven biển, bãi ngang… mà đời sống của nông dân còn khó khăn. Nơi nông dân bỏ ruộng, không muốn làm nông nghiệp, rời bỏ nông thôn, thiếu hợp tác trong sản xuất, liên kết, liên doanh.
Về với dân - là cùng nhau tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân, cung cấp kịp thời tri thức mới và chuyển giao khoa học - công nghệ về cơ sở trong quá trình lựa chọn cơ hội, thách thức của quá trình toàn cầu hoá, của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, của biến đổi khí hậu; giúp nông dân có đủ thông tin, điều kiện làm giàu, xóa nghèo bền vững.
Có như vậy, nông dân nước ta mới thực sự làm chủ được quá trình sản xuất và kinh doanh nông nghiệp khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết của cộng đồng ASEAN và WTO, tham gia các hiệp định thương mại tự do, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn so với giai đoạn trước.