Dân Việt

Tàu Mỹ đang chở đậu tương đi Trung Quốc, bỗng phải rẽ sang Việt Nam

Phan Vũ 16/12/2018 20:14 GMT+7
Nhập khẩu đậu tương về Việt Nam bất ngờ tăng trưởng 3 con số về khối lượng trong tháng 11, đây cũng là thời điểm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc vẫn ở đỉnh điểm.

img

Việt Nam chi gần 102 triệu USD để nhập khẩu hơn 256 nghìn tấn đậu tương trong tháng 11.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan, Việt Nam chi gần 102 triệu USD để nhập khẩu hơn 256 nghìn tấn đậu tương trong tháng 11, lần lượt tăng 97,2% về giá trị và 103,4% về lượng so với tháng trước đó. Đây cũng là tháng Việt Nam nhập khẩu kỷ lục đậu tương tính đến thời điểm hiện tại của năm 2018.

Tính tới hết tháng 11, nhập khẩu đậu tương đạt hơn 1,7 triệu tấn, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, với tổng giá trị khoảng 728 triệu USD, tăng 15%. Lượng đậu tương về Việt Nam tăng được cho là kết quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.

img

Việt Nam chi gần 102 triệu USD để nhập khẩu hơn 256 nghìn tấn đậu tương trong tháng 11. Ảnh: PV.

Sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc từ ngày 6/7, Bắc Kinh ngay lập tức trả đũa bằng gói thuế quan 25% lên 545 mặt hàng của Washington. Khi đó, đậu tương và thịt heo Mỹ được đánh giá là những “nạn nhân” lớn nhất, bởi Trung Quốc lâu nay vẫn nhập khẩu mạnh hai nông phẩm này từ Mỹ. Trong đó, Trung Quốc từng chi gần 13 tỷ USD để nhập khẩu đậu tương Mỹ trong năm 2017.

Theo một số hãng tin quốc tế, ngay sau khi Trung Quốc áp mức thuế quan 25% lên đậu tương Mỹ, nhiều chuyến tàu chở đậu tương với số lượng hàng chục nghìn tấn từ Mỹ đang trên đường tới cảng Đại Liên của Trung Quốc buộc phải tạm dừng cập cảng hoặc chuyển hướng sang các nước lận cận.

Minh chứng là, cuối tháng 11, tàu Audacity chở 70.000 tấn đậu tương từ Seattle (Mỹ) đã chuyển hướng sang cảng Phú Mỹ của Việt Nam thay vì chở hàng sang Trung Quốc như dự định ban đầu.

img

Tàu Audacity chở 70.000 tấn đậu tương từ Mỹ chuyển hướng sang Việt Nam. Ảnh: Bloomberg.

Báo Nông nghiệp Việt Nam dẫn lời một chuyên gia đại diện cho tổ chức xuất khẩu nông sản của Mỹ tại Hà Nội cho biết: “Việc các chuyến hàng chở đậu nành của Mỹ bị mắc kẹt lại trong quá trình lưu thông khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra sẽ là cơ hội để các nhà nhập khẩu của Việt Nam chớp thời cơ để mua vào với giá hời. Vì vậy, các cơ quan chức năng nên sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nhập khẩu các chuyến hàng đậu tương giá rẻ từ Mỹ trong thời gian tới”.

Trên thực tế, Việt Nam đang mua đậu tương từ Mỹ với giá rẻ hơn nhiều so với mua từ Brazil hay Canada. Giá nhập khẩu đậu tương Mỹ đạt trung bình 413,6 USD/tấn trong 11 tháng đầu năm nay, trong khi giá nhập từ Canada và Brazil lần lượt là 477 và 445 USD/tấn.

img

Mỹ là nhà cung cấp đậu tương lớn nhất cho Việt Nam từ tháng 1 tới tháng 11. Ảnh: PV.

Theo đó, Mỹ là nhà cung cấp đậu tương lớn nhất cho Việt Nam với thị phần đạt 71,5%. Trong 11 tháng, Việt Nam chi hơn 504 triệu USD để nhập hơn 1,2 triệu tấn đậu tương từ nước này. Brazil và Canada là hai nhà cung cấp đậu tương lớn thứ 2 và thứ 3 của Việt Nam, với thị phần lần lượt là 19% và 7,1%.

Không chỉ Việt Nam, Hàn Quốc và Singapore là hai trong số những địa điểm khác mà tàu chở đậu tương của Mỹ chuyển hướng qua khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc liên tục leo thang. Nhiều quốc gia khác, từ Mexico cho tới Pakistan, Thái Lan, cũng đang đổ xô mua đậu tương Mỹ do giá sản phẩm này mất giá nhanh chóng sau đòn thuế trả đũa của Trung Quốc.

img

Diễn biến giá đậu tương tại Mỹ trong vòng 1 năm qua. Ảnh: Bloomberg.

Giá đậu tương giao dịch trên sàn CBOT (Mỹ) từng xuống thấp kỷ lục vào 19/9. Mặc dù đang trên xu hướng phục hồi, giá nông sản này hiện vẫn thấp hơn 15% so với đỉnh giá của năm 2018 được ghi nhận vào đầu tháng 3.

Đầu tuần này, Tổng thống Donald Trump tiết lộ rằng Trung Quốc bắt đầu mua đậu tương của Mỹ trở lại sau một thời gian dài đóng cửa. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, đơn hàng này có khối lượng là 1,13 triệu tấn với giá trị chưa tới 500 triệu USD. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với lượng xuất khẩu hàng năm là 30 – 35 triệu tấn/năm.