Dân Việt

Bỏ ngô, trồng loài cây ra quả tròn như ngọc xanh, cả làng khá giả

Quốc Định 18/12/2018 13:15 GMT+7
Nhờ trồng chanh leo thay cho cây ngô, cây lúa nương mà cuộc sống của bà con dân tộc Mông ở bản Lao Khô (xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) dần hết cái đói, cái nghèo, cuộc sống từng ngày vươn lên no đủ. Bà con nơi đây, ví chanh leo như những trái ngọc xanh mang cuộc sống ấm no cho bản Mông.

Chanh leo là loại cây trồng phát triển nhanh, năng suất cao, phù hợp với đặc điểm khí hậu, đất đai nhiều vùng. Trồng 5 - 6 tháng là có thể cho thu hoạch, chi phí đầu tư không quá lớn. Chính vì vậy chanh leo đang hứa hẹn sẽ là cây trồng giúp bà con nông dân vùng cao thoát nghèo.

img

Mô hình trồng chanh leo ở xã biên giới Phiêng Khoài đang đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân

Vài năm trở lại đây, phong trào phát triển kinh tế vườn đồi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Yên Châu phát triển mạnh, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ nông dân. Một trong những điểm nhấn đó là mô hình trồng chanh leo của bà con dân tộc Mông ở bản Lao Khô, của xã biên giới Phiêng Khoài (Yên Châu) đang đem lại hiệu quả cao.

Những đồi ngô, lúa nương năng suất thấp trước đây, nay được thay thế bằng những vườn chanh leo xanh mướt, quả sai chi chít. Đến ngày thu hoạch, cánh lái buôn người ra người vào tấp nập thu mua chanh. Nhiều gia đình từ chỗ thiếu cái ăn, cái mặc, nay có cuộc sống khá lên, có thêm điều kiện trang trải sinh hoạt gia đình.

img

Những đồi nương ngô, lúa nương năng suất thấp trước đây, nay được trồng thay thế bằng chanh leo, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần

Theo ông Tráng Lao Khai, Trưởng bản Lao Khô, cho biết: Trước đây, bà con dân bản chủ yếu trồng ngô, trồng lúa nương và một ít cây ăn quả nhưng hiệu quả thấp. Hơn nữa, đặc điểm đất ở Lao Khô này có độ dốc cao, đất khô, cây ngô kém hiệu quả, cả nương lúa thu hoạch chỉ được vài bao thóc.

Sau những chuyến thăm quan mô hình trồng cây ăn quả ở huyện Mộc Châu (Sơn La) do xã và huyện tổ chức, chúng tôi thấý mô hình trồng chanh leo là hay nhất, nên cả bản bàn nhau mua giống về trồng thử. Mới đầu ai nấy đều lo cây không hợp đất, hợp nước vùng này nên không dám mạo hiểm trồng nhiều. Không ngờ cây chanh leo phát triển nhanh, sau 6 tháng chanh leo đã phủ kín giàn, xanh tốt, ra quả sai chi chít.

Không những thế giá bán cao gấp nhiều lần cây ngô, cây lúa nương. Thấy vậy, bà con dân bản bắt trước, học nhau cách làm, đầu tư mua giống, làm cọc, mắc giàn. Đến nay, diện tích chanh leo cả bản đã mở rộng hơn 10 ha, hầu hết bà con dân bản ở Lao Khô nhà nào cũng trồng chanh leo.

img

Chanh leo trồng trên đất Lao Khô rất sai quả, năng suất cao.

Ngoài mở rộng diện tích cán bộ khuyến nông xã, huyện và Công ty cổ phần Nafoods thường xuyên cử cán bộ xuống bản hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho bà con, cách phòng trừ bệnh hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật… để cây phát triển tốt, năng suất cao. Vừa làm, vừa học cộng với việc được hướng dẫn trực tiếp trên chính khu vườn của mình nên bà con tiếp thu rất nhanh, có thể ứng dụng ngay vào thực tế. Thế nên vụ thu hoạch nào chanh leo cũng cho năng suất cao. Ngoài ra, bà con còn được Công ty cổ phần Nafoods cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm, nên khi làm ra sản phẩm bà con luôn yên tâm.

Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã đến thăm khu trồng chanh leo của anh Tráng Lao Hờ, cả khu đồi rộng hơn 1ha được phủ kín mít bởi những giàn chanh leo xanh mướt, tươi tốt, quả sai chi chít, anh Hờ phấn khởi: Gia đình trồng chanh leo cách đây 2 năm, mới đầu lo cây không hợp đất, hợp nước nên chỉ trồng vài chục gốc, sau vài tháng cây phát triển tốt, sai quả. Thấy vậy, gia đình đầu tư mở diện tích trồng, đến nay hơn 1ha vườn chanh leo của gia đình đều đang cho thu hoạch. Riêng vụ thu hoạch đầu năm 2018, gia đình anh lãi gần 300 triệu đồng từ bán chanh, hoàn cảnh gia đình từ khó khăn nay vươn lên khá giả.

img

Cán bộ khuyến nông xã xuống hướng dẫn bà con dân bản Lao Khô kỹ thuật chăm sóc chanh leo

Ông Đặng Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, cho biết: So với các loại cây trồng khác, chanh leo đang mang lại thu nhập ổn định cho bà con Lao Khô nói riêng và xã Phiêng Khoài nói chung. Nhờ trồng chanh leo, nhiều hộ dân bản Lao Khô đã có thu nhập khá lên, đây là điều mà trước đây bà con chưa từng nghĩ đến.

Lao Khô là nơi có khu di tích lịch sử biểu tượng cho tình đoàn kết, gắn bó hai nước Việt Nam – Lào. Phát huy truyền thống cha ông, lâu nay người Mông ở Lao Khô luôn cần cù, chịu khó, bám đất, bám đồi, không du canh du cư, cùng nhau trồng cây ngô, cây lúa nương. Nhiều năm canh tác đất bị sói mòn, bạc màu, bởi thế năng suất thấp đi, khiến cuộc sống của 119 hộ người Mông ở Lao Khô luôn khó khăn. Đến khi cây chanh leo được đưa lên trồng trên vùng đất Lao Khô, cuộc sống của bà con dân bản dần khá lên, có của ăn của để.