Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, liên danh Công ty CP Tập đoàn đầu tư tài chính Việt Nam và Công ty CP Thương mại Ngôi Nhà Mới là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển Dự án Khu đô thị mới Trung Minh A, xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Đây là dự án đầu tư có sử dụng đất với tổng vốn đầu tư dự kiến là 1.126 tỷ đồng
Đại gia Lê Văn Vọng và dự án nghìn tỷ
Dự án nằm trên địa bàn xã Trung Minh, TP. Hoà Bình, hiện trạng là khu đất trồng lúa, trồng mầu, ao và đường nội đồng; địa hình thấp trũng, phía Bắc của Dự án giáp khu dân cư; phía Tây giáp sông Đà; phía Nam giáp khu dân cư và phía Đông giáp Quốc lộ 6.
Mục tiêu của dự án là xây dựng khu đô thị hiện đại, đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm: san nền; hệ thống giao thông; hệ thống cấp điện; hệ thống cấp nước; hệ thống thoát nước nhằm đáp ứng một phần nhu cầu phát triển nhà ở của Thành phố cũng như tỉnh Hòa Bình, góp phần vào quá trình phát triển đô thị cho TP. Hòa Bình nói riêng và của tỉnh Hòa Bình nói chung, tăng khả năng hấp dẫn trong môi trường đầu tư và tạo nguồn thu cho ngân sách các cấp.
Ảnh minh họa: Internet
Cũng theo Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình, dự án này đã được tiến hành sơ tuyển rộng rãi quốc tế nhưng chỉ có 1 nhà đầu tư mua hồ sơ và cũng là nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển. Do có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển nên sẽ thực hiện chỉ định thầu nhà đầu tư. Tuy nhiên, để được lựa chọn chính thức là nhà đầu tư thực hiện Dự án, Liên danh VFI Group -Công ty CP Thương mại Ngôi Nhà Mới phải làm hồ sơ đề xuất, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của hồ sơ yêu cầu thực hiện Dự án.
Theo tìm hiểu, liên danh Công ty CP Tập đoàn đầu tư tài chính Việt Nam (VFI Group) - Công ty CP Thương mại Ngôi Nhà Mới đều là những doanh nghiệp có quan hệ “mật thiết” với Tập đoàn Lã Vọng khi ông Lê Văn Vọng là chủ tịch HĐQT.
Cụ thể, công ty CP thương mại Ngôi nhà mới được thành lập từ năm 2003 với 3 cổ đông sáng lập ban đầu gồm: Lê Văn Vọng, Lê Văn Vân và Ngô Thị Toàn. Công ty này là thành viên của Tập đoàn Lã Vọng. Có thời điểm, Công ty Cổ phần thương mại Ngôi nhà mới tăng vốn điều lệ lên hơn 2.100 tỷ đồng và ông Vọng gần như toàn bộ vốn điều lệ của công ty này
Vào tháng 3.2018, đại gia đi xe Rolls-Royce biển số 15555 Lê Văn Vọng đã không còn là đại diện pháp luật của Tập đoàn Lã Vọng cũng như Công ty CP thương mại Ngôi nhà mới.
Ông Lã Văn Vọng khi còn làm ông chủ Tập đoàn Lã Vọng
Trong khi đó, VFI Group là một cái tên còn khá mới mẻ trên thị trường bất động sản. VFI Group được thành lập ngày vào tháng 3.2018 cùng thời điểm ông Vọng thoái vốn tại Tập đoàn Lã Vọng và công ty cổ phần thương mại Ngôi nhà mới. Mức vốn điều lệ của VFI Group là 500 tỷ đồng với 3 cổ đông. Tuy nhiên, đại gia đi xe Rolls-Royce biển số 15555 Lê Văn Vọng nắm giữ gần như tuyệt đối quyền sở hữu công ty này với 99,99% cổ phần.
Kể ra như vậy để có thể thấy rằng, với “quyền lực” hiện nay tại VFI Group. Dự án Khu đô thị mới Trung Minh A, xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình có thể được coi là khởi đầu cho một “cuộc chơi mới” của vị doanh nhân Lê Văn Vọng trong lĩnh vực bất động sản.
Những dự án “đất vàng” sai phạm từng gắn với Lê Văn Vọng
Đại gia đi xe Rolls-Royce biển số 15555 Lê Văn Vọng là doanh nhân cuối thế hệ 7X. Ông Vọng từng tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) và và từng được biết đến là ông chủ có bằng tiến sĩ tại Đại học Preston (California, Mỹ).
Thời kỳ ông Lê Văn Vọng còn là ông chủ của Tập đoàn Lã Vọng, đã có không ít sai phạm liên quan tới những dự án “đất vàng” được dư luận quan tâm.
Một trong những công trình khiến nhiều người bức xúc là nhà hàng Lã Vọng tại khu Trung Hòa-Nhân Chính (quận Cầu Giấy) "mọc" trên khu đất được quy hoạch làm bãi đỗ xe, cây xanh, vườn hoa vẫn tồn tại.
Đây được coi là một trong những khu "đất vàng" tại Hà Nội. Khu đất này được quy hoạch làm bãi đỗ xe, cây xanh kết hợp với dịch vụ công cộng, nhằm giải quyết tình trạng thiếu bãi đỗ xe trầm trọng hiện nay tại khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng, nơi có mật độ dân số cao nhất Hà Nội. Tuy nhiên, khu đất này đã nhanh chóng biến thành hệ thống nhà hàng "Thế giới bia Lã Vọng".
Khu đất tại Trung Hoà - Nhân chính được quy hoạch làm bãi đỗ xe, cây xanh kết hợp với dịch vụ công cộng đã biến thành nhà hàng Lã Vọng - Thế giới bia của ông Lê Văn Vọng
Một công trình nhà hàng Lã Vọng khác cũng gây bức xúc dư luận là nhà hàng trên bán đảo hồ Đống Đa. Trước đó, hồi năm 2015, công trình này đã bị UBND thành phố Hà Nội "tuýt còi". Cụ thể, dự án đầu tư khu vui chơi giải trí bán đảo hồ Đống Đa do Công ty CP Đầu tư và phát triển Hà Thủy làm chủ đầu tư có diện tích 5.600 m2.
Một dự án khác của Tập đoàn Lã Vọng gây chú ý là dự án Luis City Đại Mỗ. Trước đây, khu đất này vẫn là một bãi hoang tập kết phế liệu, chợ buôn bán trái phép vật liệu xây dựng vô cùng nhếch nhác.
Dự án Luis City Đại Mỗ vẫn là một bãi hoang tập kết phế liệu, chợ buôn bán trái phép vật liệu xây dựng vô cùng nhếch nhác.
Phần lớn diện tích đất tại đây là đất nông nghiệp của người dân phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm). Nhưng, bằng việc được UBND TP. Hà Nội chỉ định thầu thực hiện dự án BT cải tạo hồ ở quận Long Biên, Tập đoàn Lã Võng đã được giao 9,9ha đất tại khu vực này để triển khai "siêu dự án" trên.
Điều đáng nói là đất đối ứng chỉ có 9,9 ha, nhưng theo quảng cáo, dự án này có diện tích lại lên tới 30,5 ha trong khi đó, việc cải tạo hồ tại khu vực này vẫn còn bỏ ngỏ?
Trước hàng loạt sai phạm liên quan đến “đất vàng”, tháng 8.2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố quyết định thanh tra toàn diện các dự án của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng (Tập đoàn Lã Vọng) và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội trong việc chấp hành các quy định của pháp luật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 5387/VPCP-V.I ngày 07.06.2018 của Văn Phòng Chính phủ. Thời gian thanh tra 70 ngày làm việc thực tế.
Đến nay, đã qua 70 ngày, tuy nhiên Thanh tra Chính phủ vẫn chưa có công bố kết luận thanh tra về các dự án của Tập đoàn Lã Vọng.