“Siêu” dự án của những cái nhất
Nhắc đến Keangnam – người ta lập tức nghĩ đến tòa nhà cao tầng với thương hiệu đẳng cấp nhất Việt Nam. Có lẽ chính vì cái thương hiệu hoàn hảo đó mà kể từ khi xây dựng cho đến khi hoàn thành, nó luôn gắn liền với những cái nhất.
Siêu dự án hiện đại nhất Việt Nam. |
Để chứng minh cho một thương hiệu đẳng cấp, đích thân Chủ tịch Keangnam Vina, ông Ha Jong Suk đã gửi thông cáo đến báo giới khẳng định công ty TNHH một thành viên Keangnam - Vina, chủ đầu tư tổ hợp chung cư cao tầng, khách sạn, dịch vụ tại đường Phạm Hùng (Hà Nội), cam kết hoàn thành phần thô và tiểu cảnh sân vườn của 2 khối nhà 48 tầng và tòa khách sạn, văn phòng 70 tầng kịp thời gian kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ông Chủ tịch này đã có phát biểu khá sốc: “Chúng tôi đồng ý nộp phạt 100 tỷ đồng nếu không thực hiện đúng cam kết, nếu bị phạt vì không đúng tiến độ thì số tiền trên sẽ được làm từ thiện”. Đây có lẽ là lời tuyên bố có độ “ngông” nhất của các ông chủ lắm tiền nhiều của đầu tư vào Việt Nam.
Không biết có phải do lòng tự ái của vị Chủ tịch này quá cao hay không? Nhưng chắc chắn để bắt kịp tiến độ như lời hứa thì việc “chạy đua” tiến độ là khó tránh khỏi. Chính vì vậy Keangnam đã kiêm luôn thêm 2 cái nhất nữa đó là tòa nhà xây dựng có số vụ tai nạn nhiều nhất, cùng với nó là vị trí đứng đầu cho các vụ hỏa hoạn.
Khá nhiều vụ cháy đã xảy ra. |
Nếu chỉ dừng lại ở những cái “nhất” như trên thì có thể cho rằng đó phát ngôn của một vị Chủ tịch có năng lực nhất thời cao hứng, hoặc giả đó là cái sự không may trong quá trình xây dựng siêu dự án.
Nhưng những cái “nhất” kể từ khi tòa nhà cao nhất Việt Nam hoàn thành và được đưa vào sử dụng mới thật sự đáng để bàn tới. Đầu tiên chính là cái mác được gắn cho tòa nhà bị dân cư “tố” nhiều nhất.
Liên tiếp xảy ra mâu thuẫn giữa cư dân và Keangnam Vina. |
Hàng loạt những từ ngữ như “bóc lột”, “lộng quyền” đã được cư dân sinh sống ở đây dành tặng cho Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án, khi họ phải chịu hàng loạt mức phí “khủng” cao gấp 4, gấp 5 thậm chí là gấp 10 lần thực tế. Phí quản lý được chủ đầu tư áp tới 0,99 USD, xấp xỉ 21.000 đồng /m2, mức kỷ lục đối với các chung cư Hà Nội từ trước tới nay. Mức thu tại các chung cư cao cấp như Vincom B cũng chỉ có 14.000 đồng, Sky City 88 Láng Hạ 8.000 đồng.
Sau nhiều lần đấu tranh căng thẳng, Keangnam chịu "nhún", hạ phí quản lý xuống còn 17.130 đồng/m2 chưa bao gồm VAT nhưng vẫn còn cao gấp 4,5 lần quy định của UBND TP Hà Nội. Mới đây nhất Keangnam đã phải một lần nữa chấp nhận áp đúng mức phí dịch vụ là 4.000 đồng/m2.
Sau sự chấp nhận là hàng loạt thay đổi. |
Nhưng ngay sau đó là hàng loạt thay đổi bất ngờ như: 2 tòa nhà chỉ được bố trí 5 nhân viên vệ sinh quét dọn mỗi ngày một lần. Cư dân sẽ phải tự đem rác phát sinh từ căn hộ của mình xuống tập kết tại các nhà rác của tầng hầm. 10 nhân viên được sử dụng để vận hành thang máy, máy phát điện và các thiết bị khác.
Cư dân bức xúc trước thái độ của Keangnam Vina. |
Ban quản lý khẳng định sẽ giảm chi phí sử dụng điện vận hành 2 thang máy tầng cao, 2 thang máy tầng thấp và một thang máy thoát hiểm. Thời gian chiếu sáng tại khu vực công cộng được rút ngắn, phòng tiện ích cũng đóng cửa, không bố trí nhân viên và cắt điện tại các khu vực này.
Những tiết lộ bất ngờ nhất.
Đa phần những con mắt nhìn vào Keangnam và những người sinh sống trong ngôi nhà hiện đại nhất Việt Nam này, đều có chung một suy nghĩ đó là những người có điều kiện, có “đẳng” mới có thể mua được nhà ở đây. Chính vì thế chỉ có người Keangnam mới dám lên tiếng chống lại Keangnam Vina.
Nhiều ý kiến cho rằng với mức phí dịch vụ 4000đ/m2 thì người dân còn đòi hỏi gì nữa, vừa muốn sống sang lại được hưởng rẻ, trên đời làm gì có chuyện nực cười như vậy?
Chủ tịch Keangnam Vina, cho rằng mức phí cao để phục vụ cuộc sống hiện đại. |
Thưa đúng! Không ai có thể phủ nhận về mức sống của dân Keangnam. Nhưng khi bỏ ra một số tiền không hề nhỏ để xứng đáng với vị thế của ngôi nhà thì ai cũng muốn hưởng những nhu cầu thiết yếu của Chủ đầu tư cũng như Ban quản lý dự án cung cấp.
Ít người được biết khi mức phí dịch vụ còn ở mức 0,99 USA/1m2, người dân Keangnam vẫn chấp nhận vui vẻ với mức phí đó nhưng sau khi sử dụng các dịch vụ ở đây thấy không hơn gì so với các tòa nhà bình thường khác mới sinh ra chuyện mâu thuẫn về mức phí.
Bằng chứng là rất nhiều hộ dân khi nhận nhà vẫn vui vẻ đóng phí nhưng thời gian sau họ mới nhận ra chất lượng thật của tòa nhà. Trao đổi với phóng viên, Anh Đặng Ngọc Khánh, chủ căn hộ A408, cho biết: “Chúng tôi chấp nhân đóng phí cho họ nhưng không đồng nghĩa với việc chúng tôi đồng ý với chất lượng dịch vụ của họ. Cái chúng tôi cần là sự hợp tác của chủ đầu tư, ban quản lý dự án cùng người dân để có được điều kiện sinh sống tốt nhất. Chúng tôi hoàn toàn không đấu tranh để đòi giảm giá phí dịch vụ, mức phí dịch vụ có tăng lên 20.000, 30.000 mà chất lượng tốt chúng tôi cũng chấp nhận”.
Cư dân Keangnam không đấu tranh đòi giảm phí dịch vụ mà đòi hỏi sự chấp thuận. |
Khi mọi việc mới đi vào hoạt động chắc chắn sẽ khó khăn, chúng tôi sẵn sàng lấy tiền cá nhân để chia sẻ với những khó khăn của Ban quản lý nhưng họ phải nhận ra cái sai của mình – anh Khánh chia sẻ thêm.
Như vậy có thể khẳng định cư dân Keangnam không ngông nghênh, lợi dụng quyền hạn cùng các mối quan hệ xã hội để đòi hỏi lợi ích một cách quá đáng như một số nhận định.
“Trong cuộc họp mới đây nhất giữa ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam với Ban quản lý tòa nhà, dưới sự chủ trì của CA Huyện Từ Liêm Chủ đầu tư với sự có mặt của đại diện Sở xây dựng, Sở tài chính và Công an huyện Từ liêm vẫn chưa đưa ra được quyết định cuối cùng mà chỉ đưa ra các ý kiến yêu cầu Keangnam phải cung cấp các yêu cầu thiết yếu của tòa nhà”, bà Trương Thúy Mai, trưởng ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam cho biết.
Chính việc chưa đưa ra được phán quyết cuối cùng mà theo nguồn tin mà phóng viên tiếp cận được lại hé mở ra một điều bất ngờ mới. Khi quyết định đầu tư một công trình tầm cỡ như Keangnam thì chắc chắn Chủ đầu tư phải là người nắm rõ phong tục tập quán của người Việt.
Đến đây có thể nói Chủ đầu tư đã nắm đằng chuôi khi hiểu rõ người Việt Nam coi trọng ngày Tết cổ truyền ra sao? Sẽ khó có thể có một người khách nào ghé qua Keangnam trong dịp Tết khi không có thang máy và phải nói chuyện cùng với mùi xú uế của rác thải!
Nếu như tình trạng trên cứ kéo dài và không thể thay đổi thì có thể nói Tết 2012 đã chính thức chấm dứt với cư dân Keangnam - những người bỏ bạc tỷ ra để mua sự phiền phức vào mình.
Ăn Tết thế này sao? |
Sắp tới sẽ là cuộc hẹn làm việc của Chủ tịch Keangnam Vina, ông Ha Jong Suk với ban đại diện lâm thời cư dân Keangnam để giải quyết tận gốc những khúc mắc còn tồn tại. Nhưng với những mâu thuẫn âm ỷ suốt nửa năm qua thì khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều và chắc chắn sẽ còn nhiều điều bất ngờ nữa ở phía trước trong tòa nhà hiện đại nhất Việt Nam này.