Dân Việt

Tròn mắt: Nông dân mặc áo mới cho vườn táo, côn trùng cũng chào thua

Công Tâm 20/12/2018 07:00 GMT+7
Các nông dân vùng hạn Ninh Thuận vừa nghiên cứu thành công mô hình phủ lưới trên vườn táo và cách làm này đang thu hút nhiều nhà vườn.

Các hộ trồng táo tại Ninh Thuận cho biết, mô hình phủ lưới cho vườn táo là cách làm mới, mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, tránh được tình trạng trái táo bị ruồi vàng đục, giảm thiểu lượng phun thuốc bảo vệ thực vật và quan trọng tạo ra sản phẩm táo sạch, an toàn để cung cấp cho các thị trường khó tính trong cả nước.

img

Ông Nguyễn Văn Hải (thôn Trường Sanh, Phước Hậu) là hộ tiên phong làm táo phủ lưới

Ông Nguyễn Văn Hải (thôn Trường Sanh, xã Phước Hậu, Ninh Phước) là hộ tiên phong của địa phương áp dụng phủ lưới cho vườn táo cho biết: “Năm 2017, tôi được người thân giới thiệu cách phủ lưới vườn táo, không ngần ngại gia đình đầu tư 12 triệu đồng để làm thí điểm cho 1 sào táo. Qua theo dõi thấy hiệu quả mang lại bất ngờ nên tôi tiếp tục nhân rộng diện tích và đến nay gia đình tôi đã làm được 5,6 sào”.

img

Ông Hải chia sẻ, vườn táo của gia đình được phủ kín từ trên xuống bao hết xung quanh giàn táo. Chính vì đó mà hạn chế được con ruồi vàng, sâu đục trái, tỷ lệ đậu trái và chất lượng cao hơn so với cách làm truyền thống.

Trước đây, bình quân mỗi sào gia đình tốn chi phí phân, thuốc bảo vệ thực vật khoảng 10 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, nhiều vụ vẫn bị con ruồi vàng đục trái sạch, số trái hỏng này phải hái cho dê ăn. Kể từ khi áp dụng cách làm mới, chi phí giảm 6 triệu đồng/sào và hạn chế trên 95% lượng ruồi đục trái. Vườn táo của gia đình giờ mỗi năm sản xuất 2 vụ, doanh thu 250 triệu đồng/vụ, có lưới gia đình giờ đã hết lo lắng nữa rồi - ông Hải cho biết thêm.

img

img

Vườn táo của ông Hải đang cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các siêu thị, với giá bán dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Ngoài xuất bán trái táo, ông còn tận dụng các cành, lá táo để chăn nuôi dê kiếm thêm thu nhập, do lượng thuốc phun lên táo không đáng kể nên gia đình rất yên tâm khi dùng lá táo làm thức ăn cho đàn dê.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Hậu nhận xét, toàn xã có trên 120 hộ trồng táo, với diện tích gần 50ha. Đến nay, đã có trên 12 hộ áp dụng mô hình phủ lưới cho vườn táo. Hội Nông dân luôn khuyến khích các nhà vườn áp dụng phương pháp phủ lưới cho vườn táo. Trước kia, cứ 2- 3 ngày nhà vườn phun thuốc một lần, thì nay nông dân 2- 3 tuần mới phun thuốc nên lượng thuốc giảm đáng kể, giảm công lao động và thu nhập cao hơn so với cách làm truyền thống.

img

img

Hệ thống lưới phủ vườn táo vừa giúp nông dân giảm chi phí phun thuốc và hạn chế được ruồi vàng đục trái

Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Ninh Thuận thông tin, bà con nông dân những năm trước sản xuất theo phương pháp không bao lưới thì bị con ruồi vàng bị đục trái rất nhiều, cứ khoảng 500kg táo thì phải thải ra ngoài 200kg do côn trùng tấn công. Sau khi áp dụng, đã cải thiện tình trạng trên, giờ chỉ thải từ 10 – 20kg, thậm chí chỉ 5kg.

Ông Dũng cho rằng, phương pháp này làm cho các con côn trùng khó tiếp cận vườn táo để gây bệnh. Cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang chỉ đạo các trạm và phòng chuyên môn tiến hành điều tra, khảo sát để báo cáo cho ngành nông nghiệp.