Sau vụ thu hoạch bưởi, các lão nông ở xứ Mường lại tất bật với việc vệ sinh cho vườn. Người quét vôi, người cắt tỉa, người ủ phân... người nào việc nấy diễn ra nhộn nhịp. Ai cũng chạy đua với thời gian để vực lại vườn bưởi sau những ngày đeo quả. Ông Nguyễn Phương Yến ở xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc năm nào cũng thu hoạch quả xong từ rất sớm. Bất cứ ai đến vườn cũng phải trầm trồ khen ngợi vườn bưởi đẹp mã, quả to. Vườn bưởi đã không còn một quả vì tư thương đã tranh nhau mua hết sạch. Bán bưởi xong là ông tiến hành cắt tỉa và bón phân ngay cho cây.
Việc cắt tỉa các cành thừa sau thu hoạch cho cây bưởi là việc làm tối cần thiết khi dọn vườn.
Theo ông Yến, việc này sẽ giúp cây hồi phục và chuẩn bị cho đợt ra hoa mới. Khi cây treo quả suốt 9 tháng, chúng đã phải dành toàn bộ sức lực nuôi quả. Nay thu hoạch xong, mình phải có trách nhiệm bồi dưỡng kịp thời các chất dinh dưỡng. Ngoài ra phải tiến hành nhiều biện pháp khác, dân chúng tôi gọi là "cắt tóc" cho cây - tức là những cành, lá thừa đều phải vặt và cắt bỏ. Khi cây thông thoáng sẽ tránh được sâu bệnh và luôn đạt năng suất cao.
Bổ sung dinh dưỡng cho bưởi cho ngay sau khi thu hoạch sẽ hứa hẹn một vụ bồi thu.
Không riêng gì ông Yến, nhiều nhà vườn khác cũng đang tiền hành chăm sóc cây sau thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Thiện ở xã Tử Nê, huyện Tân Lạc cũng là một hộ trồng bưởi rất đặc biệt. Ông không khoanh gốc và chặt rễ cây như nhiều nơi khác làm, ông Thiện chỉ tỉa cây và vặt lá. Cuối năm là ông cho vặt hết các loại lá già trong thân. Cành thừa cắt bỏ, đặc biệt là những cành đã đeo quả phải cắt bỏ. Nhờ vậy mà vườn bưởi luôn sai quả và cho chất lượng tốt hơn.
Chăm sóc cây bưởi sau thu hoạch là việc làm rất quan trọng, nó quyết định tới sự thành bại của vụ tới. Theo ông Dương Quá (thợ kĩ thuật có tiếng về cây có múi ở Hòa Bình), giống bưởi nào trồng ở đất Hòa Bình cũng cành lá sum suê, nếu không cắt tỉa tốt, vụ sau năng suất cây sẽ kém. Kinh nghiệm cho thấy, việc bổ sung dinh dưỡng cho cây ngay và luôn là rất cần thiết.