Theo ông Được, việc đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" nhằm hỗ trợ và nâng cao chất lượng hàng hóa, bình ổn giá, nhất là cho khu vực vùng sâu vùng xa, đặc biệt là trong dịp Tết nguyên đán sắp tới.
Nhằm ổn định thị trường, chất lượng hàng hóa đặc biệt là vào dịp Tết nguyên đán, nhiều cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát hàng hóa nhằm siết chặt hàng gian, hàng giả. Ảnh: IT
Trong năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng nhiều tỉnh, thành phố đạt thấp hơn mức tăng bình quân chung cả nước (chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng cả nước tăng 3,59%) như Bến Tre, Kiên Giang, Long An, TP.HCM...
Nguyên nhân chỉ số giá tăng là do tác động tăng giá xăng dầu theo giá xăng dầu thế giới; tăng giá dịch vụ y tế và thực hiện lộ trình tăng học phí; giá lương thực, thực phẩm tăng vào dịp tết; giá một số dịch vụ khác cũng điều chỉnh tăng.
Từ đó, Hội nghị đưa ra một số giải pháp bình ổn giá: Khi xảy ra tình hình biến động bất thường về giá cả một số mặt hàng thiết yếu và hàng hóa phục vụ tết tại địa phương trong khu vực thì các địa phương có trách nhiệm thông báo nhau để hỗ trợ, huy động doanh nghiệp cung ứng hàng hóa kịp thời nhằm ổn định thị trường, không để sốt giá cục bộ xảy ra.
Các tỉnh thành thông tin thường xuyên tình hình giá thị trường một số mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng phục vụ tết nguyên đán Mậu Tuất 2018. Tạo điều kiện liên kết, tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng nông sản của các doanh nghiệp sản xuất để đưa vào hệ thống phân phối.
TPHCM và các tỉnh ĐBSCL liên kết bình ổn giá hàng hóa, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán. Ảnh: baotintuc
Trong năm 2018, TP.HCM vẫn là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng gần 13%, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước, với giá trị tuyệt đối hơn 958 tỷ đồng, chiếm gần 24% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của cả nước.
Theo đánh giá của Sở Công Thương TP.HCM 80% nguồn cung cho thị trường TP.HCM đến từ các tỉnh ĐBSCL đã tác động tích cực thúc đẩy phát triển và ổn định thị trường.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ các tỉnh ĐBSCL tăng so với năm 2017; 11 tháng năm 2018 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL đạt 829.724 tỷ đồng, tăng bình quân 12,28% cao hơn mức tăng bình quân của cả nước; 7/13 tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL có mức tăng cao hơn bình quân của cả nước.
Cũng theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân thường tăng cao, UBND TP đã chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, trứng, thực phẩm chế biến, bánh mứt, kẹo, đồ uống và các sản phẩm đặc trưng Tết để phục vụ người tiêu dùng.
Trong đó, trị giá hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.533 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết từ ngày 6/1 đến 4/2/2019 (tức từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp), tổng trị giá hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.812 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 4.211 tỷ đồng.
Đối với các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, hạt... dự báo nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 18.500 tấn. Ngoài ra, thành phố còn dự kiến tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng...