Dân Việt

Bỏ chuối trồng cam VietGAP, ông Dàu có thu nhập "khủng": 14 tỷ đồng

Thu Hà 22/12/2018 13:30 GMT+7
Nhờ trồng cam VietGAP, năm 2018 ông Trần Văn Dàu (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) có thu nhập chục tỷ đồng.

Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình VietGAP

Vốn là người gốc Hưng Yên, nhiều năm trước, ông Dàu đến thôn Phù Dực, xã Phù Đổng thuê đất bồi ven sông bỏ hoang của người dân để trồng chuối. Hơn 10ha chuối đã mang lại cho ông nguồn thu nhập ổn định nhưng bản thân ông chưa muốn dừng lại ở đó.

Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật trồng cây có múi, năm 2012, ông Dàu đã mạnh dạn phá bỏ đất trồng chuối chuyển sang trồng cam canh và cam Vinh.

img

Ông Trần Văn Dàu chăm sóc vườn cam VietGAP của gia đình.  Ảnh: Thu Hà

Sau khi suy tính, ông Dàu đã quyết định đầu tư trồng trên 12ha các loại cam, bưởi với số vốn lên đến cả tỷ đồng. Bên cạnh việc tự học, ông Dàu tích cực tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả do các phòng kinh tế, Hội Nông dân tổ chức. Từ đó, ông áp dụng vào việc trồng, chăm sóc trang trại cây ăn quả của gia đình, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả cho bà con trong vùng.

Ông Dàu chia sẻ: “Các sản phẩm từ cây ăn quả tại trang trại được đăng ký theo tiêu chuẩn VietGAP với quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, sản phẩm ở trang trại cây ăn quả Phù Đổng còn đăng ký truy xuất nguồn gốc. Chính điều này đã làm cho người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng khi lựa chọn sản phẩm của trang trại”.

Thương lái đến tận vườn thu mua

Hiện các loại hoa quả trồng tại trang trại của gia đình ông Dàu đều được các thương lái đến tận vườn thu mua và được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Hàng hóa từ trang trại giờ đây đã có mặt ở hầu khắp các siêu thị, cửa hàng tạp hóa đến các khu chợ khắp nơi trên cả nước.

Ông Dàu cho biết: “Trồng cam bảo dễ cũng không phải, khó cũng không phải, trồng cây gì cũng vậy, luôn đòi người trồng phải bỏ thời gian, tâm sức ngay từ khâu trồng, chăm sóc đến khu thu hoạch”.

Trải qua 6 năm xây dựng, thương hiệu hoa quả sạch tại trang trại cây ăn quả Phù Đổng của ông Trần Văn Dàu đã trở thành địa chỉ tin cậy trên thị trường Việt Nam với thương hiệu cam canh, cam Vinh, bưởi da xanh và bưởi Đào Chuyên…

Năm 2018, theo ông Dàu, dù giá không được cao như những năm trước nhưng với sản lượng 100 tấn cam các loại, ông thu về 14 tỷ đồng, tạo việc làm cho 7 lao động thời vụ, với mức thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Dàu cho hay, thời gian tới, ông sẽ kiên trì áp dụng mô hình trang trại hiện đại, mở rộng quy mô trồng trọt, cải tạo, nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm cây ăn quả hiện có, đồng thời phát triển diện tích trồng cây ăn quả theo hướng trang trại với từng loại cây trồng phù hợp theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ông Nguyễn Tiến Việt - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm cho biết: “Khi đón nhận quy hoạch vùng của huyện Gia Lâm, toàn bộ vùng đất bồi ở thôn Phù Dực đã được quy hoạch trồng cây ăn quả và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Gia đình ông Trần Văn Dàu là một điển hình, đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Phù Dực và đã cho hiệu quả kinh tế cao”.

"Hiện huyện Gia Lâm kêu gọi các hộ dân có điều kiện xây dựng mô hình trang trại cây ăn quả theo quy mô lớn, với tiêu chuẩn chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các hộ dân bỏ vốn, kỹ thuật trồng và chăm sóc, huyện hỗ trợ vốn làm đường giao thông, hệ thống điện từ ngoài đường chính vào các trang trại để thuận tiện cho thương lái vào thu mua”.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt