Dân Việt

Phái yếu vào cuộc làm nông sản sạch từ A tới Z

Thu Hà 20/12/2018 06:05 GMT+7
Đó là đề xuất và kiến nghị của nhiều đại biểu tại hội nghị hỗ trợ xây dựng, kết nối cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm, do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Bộ Công Thương tổ chức mới đây.

Tại hội nghị, đại diện 5 “nhà” bao gồm nhà khoa học – chuyên gia, nhà quản lý, nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà tiêu dùng đã cùng tham gia bàn tròn để tìm giải pháp hỗ trợ xây dựng phát triển, tìm đầu ra, quảng bá cho nông sản và thực phẩm an toàn.

Sản xuất rau sạch còn nhiều khó khăn

img

Tại hội nghị, những sản phẩm an toàn do phụ nữ sản xuất được giới thiệu đến người tiêu dùng. Ảnh: Thu Hà

Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình hội viên phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm tại Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang… đã trưng bày, giới thiệu nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng và các nhà phân phối để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Hơn 4 năm qua, người dân xã Trác Văn, huyện Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) đã quen với hình ảnh những người phụ nữ ngày ngày tỉ mẩn chăm sóc cho những luống rau tại HTX sản xuất rau hữu cơ. Đây  là mô hình được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Duy Tiên triển khai xuất phát từ nhu cầu rất lớn về rau sạch của người dân trên địa bàn cũng như các vùng lân cận.

Chị Trịnh Thị Nguyên - thành viên HTX rau hữu cơ Trác Văn cho biết: Với 21 thành viên, mô hình lúc đầu triển khai gặp không ít khó khăn bởi khái niệm về rau hữu cơ còn rất lạ lẫm với bà con, chưa nói đến chuyện sản xuất thực tế. Hội Phụ nữ xã Trác Văn đã phải kiên trì vận động, giải thích cho từng hội viên những lợi ích của việc trồng rau hữu cơ như: Không phải tiếp xúc với thuốc trừ sâu, hóa chất, sản phẩm làm ra an toàn nên bảo đảm sức khỏe của chính người trồng và cả người tiêu dùng, môi trường sống cũng không bị ô nhiễm.

Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện Duy Tiên cũng đã mời giảng viên Trường Cao đẳng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Bộ hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức tập huấn nâng cao kỹ thuật sơ chế và đóng gói sản phẩm, trực tiếp hỗ trợ nông dân khi tham gia sản xuất theo quy trình mới. Đến nay, thương hiệu rau Trác Văn đã trở thành lựa chọn tin cậy của người dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam và xuất hiện trên nhiều kệ hàng của các chuỗi phân phối thực phẩm sạch, an toàn tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác.

Cùng với mô hình sản xuất rau hữu cơ của Hội LHPN huyện Duy Tiên triển khai trên địa bàn xã Trác Văn, đã có nhiều mô hình sản xuất thực phẩm an toàn đã được các cấp Hội Phụ nữ triển khai trên cả nước. Điển hình như HTX sản xuất dịch vụ tổng hợp hoa quả Việt ở xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên; HTX Phú Xuân Hương ở huyện Quốc Oai, Hà Nội…

img

Thu hoạch rau VietGAP ở thị xã Gò Công, Tiền Giang. Ảnh: Thanh Phong

Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo các HTX chia sẻ, bên cạnh những thuận lợi, hầu hết các HTX này đều gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, tiêu thụ. Chị Tôn Thị Tần đến từ HTX sản xuất hoa quả Việt, tỉnh Hưng Yên, chia sẻ: “Chúng tôi thường xuyên vấp phải những khó khăn trên con đường sản xuất nông sản thực phẩm an toàn như: Khó khăn về kinh tế, về khoa học kỹ thuật, đặc biệt là quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng để có đầu ra ổn định, giá bán tốt”.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn đó, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, đã giới thiệu đến hội nghị các chương trình kết nối cung cầu do Bộ Công Thương tổ chức và mong muốn Hội LHPN Việt Nam sẽ là đầu mối để kết nối chị em phụ nữ với các chương trình này.

Phát huy vai trò phụ nữ từ A-Z

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương cho biết: Thời gian qua, Hội  đã tích cực vào cuộc để góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn. Nhiều mô hình, hoạt động về đảm bảo an toàn thực phẩm của Hội với những cách làm sáng tạo, đã thu hút đông đảo hội viên tham gia như: Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trong đó nội dung về an toàn thực phẩm đưa vào tiêu chí bếp sạch; các mô hình tổ phụ nữ trồng rau an toàn, sản xuất sạch, chế biến sạch; CLB “Phụ nữ kinh doanh thực phẩm tươi sống an toàn”, “Nói không với thực phẩm bẩn”...

Hàng năm, hàng trăm HTX, tổ hợp tác do phụ nữ quản lý được các cấp Hội hỗ trợ thành lập, trong đó có nhiều HTX, tổ hợp tác về lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn... đã góp phần cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm an toàn, bảo đảm dinh dưỡng.

Tuy nhiên, theo bà Hương, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn nhiều vấn đề đặt ra: Nhiều người sản xuất nông sản an toàn gặp khó khăn trong kết nối, tiêu thụ sản phẩm; nhiều hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ chưa liên kết, hợp tác để có những sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, có thương hiệu để tiêu thụ với giá trị cao...

Giải quyết những vấn đề này, bà Trần Thị Hương cho rằng cần đề cao trách nhiệm và sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, các địa phương và cả cộng đồng, trong đó có vai trò quan trọng của hội viên phụ nữ, những người có mặt trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến kinh doanh, đến tiêu dùng.