Dân Việt

Độc đáo: Nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng, chưa ai bị thua lỗ

Huỳnh Xây 20/12/2018 14:00 GMT+7
Đó là thông tin và đánh giá của nhiều đại biểu tại hội thảo tổng kết dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi năm 2016-2018”. Hội thảo do Trung tâm Khuyến nông (TTKN) quốc gia tổ chức tại TP.Cần Thơ ngày 18.12.

Hàng trăm hộ dân nuôi có lợi nhuận cao

Theo TTKN Quốc gia, trong 2 năm qua (2016-2018), dự án đã triển khai được 15 mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa, trong đó có 4 mô hình luân canh tại TP.Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang và 11 mô hình nuôi xen canh ở TP.Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Kiên Giang.

img

Người dân huyện Vĩnh Thạnh (TP.Cần Thơ) thu hoạch tôm càng xanh nuôi trên đất lúa.  H.X

"Mặc dù mô hình cần nhân rộng, giúp người dân có thêm thu nhập trên cùng diện tích lúa nhưng cũng cần lưu ý thả nuôi với mật độ vừa phải, có sử dụng chế phẩm sinh học để giúp tôm phát triển nhanh và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra do điều kiện khắc nghiệt của thời tiết tác động”.

Ông Kim Văn Tiêu

“Mỗi mô hình có 20ha, tổng các mô hình là 300ha với 233 hộ dân tham gia (tổng vốn đầu tư là 10,7 tỷ đồng). Những hộ tham gia sẽ được cán bộ khuyến nông, chuyên gia hướng dẫn về mặt kỹ thuật nuôi, được hỗ trợ tôm giống, lúa giống, thức ăn tôm và các loại vật tư có liên quan như: Chế phẩm sinh học, phân bón, vô,…” – ông Nguyễn Quang Hạnh – Chủ nhiệm dự án thông tin.

Theo ông Hạnh, với mô hình xen canh, hộ dân tham gia dự án thu lợi nhuận 73 triệu đồng trên vốn đầu tư 77 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận đạt 0,92%), trong khi đó các hộ không tham gia, tức là sản xuất theo cách truyền thống khi đầu tư 53 triệu chỉ thu lợi nhuận 35 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận đạt 0,65%).

Với mô hình luân canh, khi người dân đầu tư 163 triệu đồng cho 1ha, lợi nhuận đạt được 150 triệu đồng (đạt tỷ suất lợi nhuận 0,92%); còn nuôi theo dạng đại trà chỉ ở mức lợi nhuận 88 triệu đồng (tỷ suất lợi nhuận chỉ đạt 0,67%).

Theo nhiều đại biểu, trước đây, nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa đã triển khai tại nhiều địa phương ĐBSCL nhưng phần lớn việc áp dụng kỹ thuật trong quá trình nuôi ít được quan tâm và không phải ai cũng biết. Trong khi đó, việc nuôi tôm càng xanh toàn đực như trong dự án lại mang lại nhiều lợi nhuận, chưa có hộ nào bị thua lỗ. Ngoài lợi nhuận tôm đạt cao, mô hình còn giúp nâng cao lợi nhuận trồng lúa. 

Đại diện TTKN tỉnh Bến Tre cho hay, sau 2 năm thực hiện dự án, năng suất tôm đạt từ 550-600kg/ha, sản lượng tăng khoảng 30% so với hộ ngoài dự án, còn năng suất lúa ước đạt đạt từ 4-4,5 tấn/ha, tăng khoảng 10% so với hộ ngoài dự án. Sở dĩ đạt thành công trên là do áp dụng đúng kỹ thuật, người dân bón phân cân đối, sử dụng thức ăn công nghiệp có độ đạm cao, có thay nước trong quá trình nuôi.

Cần thiết nhân rộng

Theo đại diện TTKN tỉnh Bến Tre, nuôi tôm càng xanh trên đất lúa bước đầu mang lại hiệu quả trên địa bàn tỉnh, nhất là giúp mở rộng thương hiệu lúa gạo sạch Thạnh Phú. Nguyên nhân là mô hình có tính khép kín, có tính hỗ trợ nhau (giữa con tôm và cây lúa) và phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Do đó, địa phương đang hướng đến việc nhân rộng.

Về dự án trên, ông Phạm Trường Yên – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ khẳng định là hướng đi mới, phù hợp với yêu cầu sản xuất và nhu cầu người tiêu dùng. “Dự án này đã giúp cho nhiều hộ dân tiếp cận được tiến bộ khoa kỹ thật mới, có điều kiện cải thiện cuộc sống. Tùy theo nhu cầu tiêu thụ mà ở mỗi địa phương đưa ra phương hướng sản xuất tôm càng xanh cụ thể” – ông Yên chia sẻ.

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc TTKN quốc gia nhận định: “Nuôi tôm càng xanh toàn đực trên vùng đất chuyển đổi tốn ít thức ăn (tôm có thể ăn thức ăn tự nhiên), không ô nhiễm môi trường, phù hợp với hộ nông dân có kinh phí vừa phải, không có vốn đầu tư lớn. Mô hình này cũng tạo tư duy mới cho người dân tham gia, góp phần thay đổi nhận thức theo hướng mới, thích ứng với biến đổi khí hậu (tôm càng xanh có thể chịu độ mặn đến 15‰)”.

“Hiện nay, cách nuôi tôm càng xanh trên đất lúa là một bước đột phá trong sản xuất, giúp tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng do trong quá trình nuôi cũng như sản xuất không sử dụng hóa chất độc hại. Do vậy, người tiêu dung có thể an tâm về chất lượng và đảm bảo về sức khỏe. Theo quy hoạch nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 của Bộ NNPTNT và Quyết định số 79 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch phát triển ngành tôm Việt Nam thì hình thức sản xuất này rất có tiềm năng để nhân rộng” – ông Tiêu nói thêm.