Ngày 8.1, trên tờ nhật báo Kayhan, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng hạt nhân Iran Fereydoun Abbasi Davani cho biết như trên.
“Át chủ bài” của Tehran
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao tại Áo cho biết, trong vài tuần qua, Iran đã có những bước đi tiến gần hơn tới việc khởi động làm giàu urani sâu bên trong một quả núi. Iran đã thông báo trong nhiều tháng qua rằng, họ đang chuẩn bị tiến hành làm giàu urani tại Fordow, một điểm nằm sâu dưới lòng đất.
Bên trong một nhà máy hạt nhân của Iran. AP |
Theo Reuters, một nhà ngoại giao tại Áo cho biết vào cuối tháng 12.2011, Iran được cho là đã bắt đầu đưa khí urani vào các máy ly tâm như một phần trong những công đoạn chuẩn bị cuối cùng để sử dụng các máy này vào mục đích làm giàu.
Nhà ngoại giao này nói: "Họ đang tiến gần tới việc có thể bắt đầu làm giàu urani. Họ phải làm một số thử nghiệm và cải tiến để có thể đi vào hoạt động".
Giới phân tích nhận định, động thái này sẽ làm tồi tệ hơn nữa cuộc đối đầu về hạt nhân giữa Iran với phương Tây.
Trong khi đó, giới truyền thông bình luận về căng thẳng giữa Iran và phương Tây trong vài tuần qua cho rằng, quân bài chủ cuối cùng của Iran trong cuộc xung đột hiện nay với cộng đồng quốc tế không chỉ là việc đóng cửa eo biển Hormuz và cắt đứt nguồn cung dầu mỏ của thế giới, mà có thể là việc bí mật thử một thiết bị hạt nhân.
Việc Iran đe dọa ầm ĩ về việc đóng cửa eo biển Hormuz trên thực tế là sự đánh lạc hướng nhiều hơn là nguy cơ. Bất kỳ động thái nào nhằm cắt đứt việc vận chuyển dầu mỏ sẽ khiến Iran hoàn toàn bị cô lập trên thế giới và có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột thông thường mà Iran hầu như không có khả năng chiến thắng.
Phương Tây đã có kế hoạch phòng bị
Giữa bối cảnh căng thẳng đó, Tổng thống Iran Mahmud Ahmadinejad ngày 8.1 đã bắt đầu chuyến thăm các nước Mỹ Latin nhằm thúc đẩy quan hệ với các đồng minh. Venezuela dự kiến sẽ là điểm dừng chân đầu tiên của ông Mahmud trong chuyến công du 5 ngày. Mỹ đã ngay lập tức lên tiếng thúc giục các nước Mỹ Latin không nên thắt chặt hơn quan hệ với Iran.
Báo chí phương Tây trong hai ngày cuối tuần 7 và 8.1 cũng đều rộ lên với những thông tin, các cường quốc phương Tây đã chuẩn bị sẵn một kế hoạch đề phòng bất trắc, theo đó tung ra một khối lượng kỷ lục dự trữ dầu khẩn cấp để bù đắp cho gần như tất cả số dầu từ vùng Vịnh có thể bị mất một khi Iran chặn eo biển Hormuz.
Thông tin cho biết các quan chức điều hành cấp cao của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris, có chức năng tư vấn cho 28 quốc gia tiêu thụ dầu mỏ, đã thảo luận một kế hoạch tung ra tới 14 triệu thùng/ngày. Hành động với quy mô như trên sẽ lớn gấp hơn 5 lần quy mô của lần tung dầu dự trữ lớn nhất trong lịch sử IEA diễn ra năm 1990 khi Iraq xâm lược Kuwait. Theo kế hoạch, khối lượng dầu tối đa tung ra trên khoảng 10 triệu thùng dầu thô và khoảng 4 triệu thùng các sản phẩm lọc dầu, có thể được duy trì trong tháng đầu tiên diễn ra bất cứ hành động phối hợp nào.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng khó có khả năng Iran đóng cửa eo biển Hormuz và những lời đe dọa của Tehran chỉ nhằm làm giá dầu mỏ tăng trong nỗ lực tránh bị trừng phạt.
Quang Minh