Đem lại nhiều lợi ích
Những ngày này, bà con ở thôn Xuân Đám, xã Đồng Liên, TP.Thái Nguyên đang tất bật dọn ruộng, tuốt lá để chuẩn bị vào vụ thu hoạch. Theo các nông dân ở đây, năm nay thời tiết diễn biến thất thường, mưa nhiều nhưng nhờ đưa giống mới vào canh tác nên ngô cho bắp to, hạt đều đẹp.
Nông dân kiểm tra chất lượng ngô chuyển gen tại cánh đồng xã Đồng Liên, TP.Thái Nguyên. Ảnh: Trần Quang
Là một trong những hộ trồng nhiều ngô ở Xuân Đám, năm nay, gia đình bà Dương Thị Hợp có hơn 5 sào ngô, trong đó 4 sào ngô thường và 1 sào ngô chuyển gen NK4300. Thời gian đầu khi được cán bộ địa phương vận động trồng ngô chuyển gen, vợ chồng bà Hợp và nhiều nông dân ở Xuân Đám rất băn khoăn, lo ngại giống mới khó canh tác ở chân đất nhiều sâu, bệnh như Thái Nguyên. Sau một thời gian thuyết phục, đơn vị cung cấp giống cam kết nếu thất bại sẽ đền bù, nên một số nông dân mới dám xuống giống để trồng.
Theo bà Hợp, giống ngô chuyển gen NK4300 có nhiều ưu điểm vượt trội hơn ngô thường, đặc biệt là loại ngô này rất cứng cây, kháng được sâu đục thân, đục bắp.
"Nếu như trước kia phải mất nhiều công làm cỏ và phun thuốc trừ sâu, thì trong vụ ngô này, gia đình chỉ phun duy nhất 2 lần thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và một lần thuốc trừ cỏ khi ngô nhỏ, một lần thuốc sâu đục thân cho ngô trưởng thành" - bà Hợp chia sẻ.
Cùng với gia đình bà Hợp, gia đình ông Phạm Văn Hoàn cũng "bén duyên" với ngô chuyển gen từ 2 năm nay. Ông Hoàn cho biết, ngoài những ưu điểm về kháng sâu đục thân, ngô trồng còn có bắp to, dài, hạt đẹp và không bị bệnh lùn thân, xoắn lá, đổ gãy.
Bộ NNPTNT khuyến cáo đơn vị sản xuất giống nên đưa giống ngô chuyển gen vào nơi có áp lực cỏ dại và sâu bệnh cao để giống ngô này có thể phát huy được ưu điểm”. Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPNT). |
Cần hỗ trợ để mua giống
Dù giống ngô chuyển gen mới cho hiệu quả kinh tế cao ở Thái Nguyên, song theo người trồng ngô ở đây, việc tăng diện tích giống mới này còn hạn chế, nhất là giá cả giống ngô chuyển gen cao hơn nhiều so với giống ngô thường.
"Nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ giá và công ty sản xuất giống không giảm giá, bà con ở đây khó nhân rộng được diện tích" - bà Hợp kiến nghị.
Trao đổi với phóng viên, ông Lương Văn Vượng - Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên cho rằng những năm gần đây, tỉnh vẫn khuyến khích nông dân nâng diện tích trồng ngô, nhất là giống ngô chuyển gen mới.
Để tăng diện tích, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có chính sách hỗ trợ giá giống, cụ thể, tỉnh đã hỗ trợ 50.000 - 60.000 đồng/sào ngô chuyển gen. Bên cạnh đó, tỉnh và công ty sản xuất giống còn tích cực hỗ trợ kỹ thuật canh tác để bà con yên tâm trồng.
Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho hay, sau nhiều trở ngại, thách thức, Bộ NNPTNT đã phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Thời gian vừa qua, ngô chuyển gen đã được đưa vào sản xuất ở Việt Nam và bước đầu được nông dân tiếp nhận, trồng khá nhiều và đều có phản hồi tốt.
“Trong các mô hình mà đơn vị sản xuất giống ngô chuyển gen đưa vào trồng tại các địa phương, chúng tôi theo dõi thấy rất hiệu quả. Trong đó tại những vùng có áp lực cỏ dại, sâu bệnh cao như Thái Nguyên, ngô chuyển gen vẫn cho năng suất cao hơn ngô nền từ 30 - 35%” - ông Định khẳng định.
Về định hướng phát triển, ông Định cho rằng, trong thời gian tới, đơn vị sản xuất giống cần phải có cách thức tuyên truyền, cũng như nghiên cứu đưa giống ngô này vào các vùng và mùa vụ phù hợp để có sức thuyết phục với nông dân và cạnh tranh của giống mới này.