Dân Việt

Bí quyết "4 bước thần thánh" của bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

Nguyên Vỹ 21/12/2018 14:30 GMT+7
Tây Ninh không phải là địa phương duy nhất có nghề bánh tráng. Tuy nhiên, đặc sản bánh tráng phơi sương của xứ Trảng Bàng lại nổi danh cả nước, vì những công đoạn cầu kỳ, cùng cách phối trộn hương vị rất đặc trưng không nơi nào có được.
Clip:

Hiện ở Trảng Bàng có nhiều làng nghề làm bánh tráng phơi sương nổi tiếng như ở khu phố Lộc Du, Gia Huỳnh (thị trấn Trảng Bàng), ấp An Thành (xã An Tịnh).

img

Bà Phạm Thị Đương, nghệ nhân có 40 năm làm bánh tráng phơi sương ở Trảng Bàng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Bà Phạm Thị Đương, ngụ khu phố Lộc Du, thị trấn Trảng Bàng cho biết, nghề này rất cực, vì trải qua rất nhiều công đoạn, trong đó có 4 khâu cực kì quan trọng: Tráng bánh, phơi nắng, nướng rồi lại phơi sương.

Gia đình bà đã có 4 đời làm bánh tráng phơi sương, riêng bà cũng đã làm nghề hơn 40 năm. Ngoài kỹ năng được dạy, người thợ tráng bánh như bà Đương còn cần có năng khiếu, biết vận dụng các giác quan để có thể cảm nhận được mùi, vị bánh.

Nhiều người dân xứ Trảng cứ mê mẩn vị bánh có thể dùng ăn chơi hay làm quà cho những người con xa quê. Bà Đương chia sẻ, bánh của bà thường bán sỉ, bán lẻ cho khách tại địa phương, có khi trở thành đặc sản dùng làm quà biếu cho người xứ khác.

img

Đặc sản bánh tráng phơi sương có thể dùng ăn chơi hay làm quà cho những người con xa quê. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết, bánh tráng phơi sương là nét văn hóa đặc trưng của người dân xứ Trảng. Không riêng gì Tây Ninh mà nhiều tỉnh thành trong cả nước đều có bánh tráng. Nhưng điều đặc biệt của bánh tráng phơi sương là quá quá trình sản xuất gồm nhiều công đoạn và rất kỳ công.

Nghề thủ công này thể hiện sự cần cù và sáng tạo trong lao động của người dân Trảng Bàng nói riêng và Tây Ninh nói chung.

Trước tiên, người làm bánh phải lựa loại gạo phù hợp, đem đi xay bột, rồi nêm vào ít muối. Đặc trưng của bánh tráng phơi sương là phải tráng 2 lớp. Tráng xong thì đem phơi bánh trên các vỉ dưới độ nóng phù hợp. Bánh vừa kịp khô thì gỡ ra đem vào nướng.

img

Tráng bánh phơi sương trải qua nhiều công đoạn. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nướng bánh cũng là 1 công đoạn nhọc nhằn đòi hỏi đôi tay nhanh nhạy, khéo léo và người nướng cũng phải chịu khó vì ngồi lâu bên bếp lửa nhiệt độ cao.

Bánh nướng xong thì đem đi phơi sương với lượng sương vừa đủ và canh vào thời điểm phù hợp để tạo ra chiếc bánh có độ ngon và dẻo đạt yêu cầu. Sau đó lại cho vào túi nilon đóng gói và bảo quản, đưa vào phân phối.

Điều đặc biệt là bánh tráng phơi sương có vị mặn vừa đủ. Vị mặn này sẽ được kết hợp với vị ngọt của thịt heo luộc; các hương vị chua, chát... khác nhau của rau rừng, rau sống.

img

Bánh tráng phơi sương được phối trộn với nhiều hương vị, sản phẩm đặc trưng khác, tạo ra sự kết hợp hoàn hảo

“Rồi tất cả lại hòa quyện với hương vị của nước mắm đặc trưng Tây Ninh, tạo ra sự kết hợp hoàn hảo nhiều công đoạn, nhiều hương vị, nhiều sản phẩm khác nhau tạo thành. Trong đó đóng vai trò chủ đạo là bánh tráng phơi sương”, ông Nam mô tả.

* Clip có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp