Diễn biến phức tạp
Báo cáo từ các cơ quan chuyên môn thú y của Trung ương, địa phương cho thấy tình trạng gia cầm, sản phẩm gia cầm, đặc biệt là gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam có thể tăng mạnh trong các tháng trước và sau Tết Nguyên đán.
Công an tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, thu giữ số gia cầm nhập lậu. Ảnh: T.L
Cụ thể, tại tỉnh Lạng Sơn từ đầu năm 2018 đến nay đã bắt giữ và xử lý trên 102 vụ vận chuyển trái phép với tổng số trên 118.000 con gia cầm giống, trên 3.000kg gia cầm thịt và 26.000 quả trứng. Đây là nguy cơ gây dịch bệnh cho ngành chăn nuôi trong nước, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm và sức khỏe người dân.
Theo Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) huyện Lộc Bình (Lạng Sơn), từ giữa tháng 10.2018 trở lại đây, tình trạng nhập lậu gia cầm lại tái diễn. Cụ thể, từ giữa tháng 10 đến hết tháng 11.2018, các lực lượng chống buôn lậu trên địa bàn huyện Lộc Bình đã bắt giữ hơn 10.000 con gia cầm giống và hơn 500kg gia cầm thịt.
Thủ đoạn buôn lậu gia cầm của các đối tượng vẫn là thuê người dân sang Trung Quốc gánh, vác lồng gia cầm qua các đường mòn, nếu vận chuyển trót lọt qua biên giới, gia cầm được các đối tượng tập kết tại những địa điểm không cố định, sau đó vận chuyển bằng xe máy đến khu vực có xe ôtô đợi sẵn tại nhiều khu vực rồi vận chuyển sâu vào nội địa.
Để ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu, Đồn Biên phòng Chi Ma, Công an huyện Lộc Bình, Đội Quản lý thị trường số 3 cũng xây dựng kế hoạch, thực hiện phối hợp lập 2 tổ chốt chặn 24/24 giờ tại đường chính từ các xã: Tú Mịch, Yên Khoái đến trung tâm huyện. Đồn Biên phòng Chi Ma và Hải quan cửa khẩu Chi Ma cũng phối hợp, thành lập tổ tuần tra thường xuyên tại khu vực biên giới, tăng cường lực lượng chốt chặn các đường mòn qua biên giới 24/24 giờ để ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu trái phép.
Tăng cường kiểm soát
Trước thực trạng này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã gửi công điện khẩn đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bộ, ngành có liên quan; Thường trực BCĐ quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Trong công điện, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật vào Việt Nam, đặc biệt các tỉnh biên giới phía Bắc; trường hợp bắt được các lô hàng động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay.
Chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí của địa phương tăng cường truyền thông nguy cơ về các loại dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép; tổ chức vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu trái phép vào Việt Nam.
Thành lập các đoàn công tác của BCĐ 389 quốc gia trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm để hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng và ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam.
Bộ cũng yêu cầu BCĐ 389 cấp tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y các cấp; tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.
Bộ Công Thương, Bộ Giao thông - Vận tải, Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tư lệnh biên phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y và UBND các tỉnh biên giới triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng và ngăn chặn tình trạng vận chuyển trái phép, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.