Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) lồng ghép với các chương trình an sinh xã hội như 30a, 135, huyện Sốp Cộp đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người dân phát triển sản xuất, đặc biệt là cây ăn quả.
Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, huyện Sốp Cộp đang ngày càng đổi thay
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Hoàng Văn Ngọc, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sốp Cộp, cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục vận động người dân chuyển đổi diện tích cây ngô, cây sắn kém hiệu quả sang trồng và phát triển cây ăn quả trên đất dốc. Tổng diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện là 1.221,3 ha, trong đó: Diện tích trồng mới năm 2018: 366,5 ha (cây xoài 72,6 ha; cây nhãn 10,5 ha; cây có múi 90,1 ha; cây sơn tra 104,8 ha; cây mận hậu 70 ha; cây chanh leo 16 ha; cây bơ 2,5 ha); sản lượng quả các loại đạt 1.638 tấn.
Nếu như trước đây, người dân Sốp Cộp chỉ biết đến bắp ngô, củ sắn, củ khoai… để xóa đói, phát triển kinh tế gia đình thì đến nay, đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa như vùng sản xuất lúa nếp tan, vùng cây ăn quả, tập trung tại các xã Mường Và, Nậm Lạnh, Mường Lạn; vùng cây cà phê tập trung tại xã Dồm Cang đem lại thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/hộ/năm.
Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay đã hình thành nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân
“Song song với việc hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả, để thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi khuyến khích các hợp tác xã, doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho nông dân. Bởi vậy, thu nhập của người dân không ngừng tăng lên qua các năm. Khi thu nhập tăng, đời sống bà con được nâng lên, việc huy động sức dân cho xây dựng nông thôn mới cũng thuận lợi hơn” – ông Vũ Văn Quân, Chánh văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Sốp Cộp, bảo vậy.
Để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất hiệu quả và bền vững, số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Sốp Cộp tiếp tục tăng lên và hoạt động hiệu quả qua từng năm. Đến nay, tổng số hợp tác xã (HTX) nông nghiệp là 17 HTX, trong đó: 1 HTX nhãn; 4 HTX cam, bưởi; 1 HTX xoài; 2 HTX chăn nuôi; 9 HTX nông nghiệp khác.
Sản phẩm gạo nếp tan Mường Và đã được công bố nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững
Cùng với việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư xây dựng. Trong năm 2018, đã thực hiện làm 178 tuyến đường giao thông nông thôn, tổng chiều dài 24,5 km với số tiền 24,4 tỷ đồng, trong đó: Nhân dân đóng góp 17,653 tỷ đồng, nhà nước hỗ trợ 6,748 tỷ đồng. Các công trình khác như trường học, trạm y tế, điện lưới quốc gia, được xây dựng khang trang tạo điều kiện cho con em được học tập, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân vùng nông thôn.
“Trước đây, nhà tôi trồng cây ngô, cây sắn nên năm nào cũng thiếu ăn. Năm 2014, sau khi được cán bộ khuyến nông tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn quả, gia đình tôi đã chuyển đổi 1,5 ha nương ngô, nương sắn sang trồng cây quýt. Hiện nay, tôi có 600 gốc quýt đã cho thu hoạch, mỗi năm thu 5 tấn quả. Với giá bán tại vườn từ 30.000 đến 32.000/kg, mỗi năm tôi thu lãi trên 100 triệu đồng. Có thu nhập rồi, tôi cùng bà con trong bản giúp đỡ nhau đóng góp làm đường giao thông, xây nhà văn hóa, làm vườn tược gọn gàng nên bộ mặt của bản cũng sáng sủa hơn” – ông Lò Văn Thoản, bản Nà Mòn (xã Mường Và, huyện Sốp Cộp), tâm sự.