Theo đơn giá quảng cáo trận Chung kết lượt về thuộc Giải AFF Cup 2018 được Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ Truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam đưa ra, giá quảng cáo trận Chung kết lượt về thuộc Giải AFF Cup 2018 trên kênh VTV6 và VTV5 ngày 15.12 vừa qua là 475.000.000 đồng cho 10 giây; 570.000.000 đồng cho 15 giây; 712.500.000 đồng cho 20 giây và 950.000.000 đồng cho 30 giây. Đây cũng là mức giá quảng cáo kỷ lục trong lịch sử phát sóng một trận bóng đá trên truyền hình ở Việt Nam, cao hơn 150 triệu so với World Cup 2018 (với quảng cáo 30s)
Giá quảng cáo tại trận trung kết AFF Cup 2018 trên VTV
Với 30s quảng cáo, chi phí 1 doanh nghiệp phải chi ra tương đương với nhiều căn hộ bình dân dành cho những người thu nhập trung bình, thấp. Tuy nhiên, điều này không đủ để làm chùn bước đối với nhiều doanh nghiệp. Thống kê cho thấy đã có tới 60 lượt quảng cáo giữa trận đấu căng thẳng lượt về trong AFF Suzuki Cup giữa đội tuyển Việt Nam và Malaysia
Đại gia quảng cáo nhiều nhất trong trận chung kết AFF 2018
Vinamilk là thương hiệu sở hữu quảng cáo "dài hơi" nhất trong tổng cộng 60 quảng cáo trước và giữa trận chung kết AFF Cup 2018 vừa qua, lên tới 60s, dù giá quảng cáo 30s của VTV tăng kỷ lục lên tới 950 triệu đồng. Trong khi đó, các doanh nghiệp khác chỉ cho lên sóng các quảng cáo tối đa ở mức 30s/lượt.
Ngay cả các thương hiệu lớn như Vingroup quảng cáo điện thoại mới VSmart hay FPT quảng cáo truyền hình Internet cũng đều lựa chọn hình thức quảng cáo trong 30s. Quảng cáo của các doanh nghiệp lớn này đều chỉ lên sóng 1 lần.
Đáng chú ý, Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang chơi trội với 10 quảng cáo, mỗi quảng cáo 30s trong trận chung kết AFF Cup vừa qua. Trong đó bao gồm 8 quảng cáo mỳ Lovemi, 1 quảng cáo tương ớt Chinsu và 1 quảng cáo xúc xích Ponnie.
Với 8 lượt quảng cáo mỳ Lovemi, số tiền đại gia này ước chi lên tới 7,6 tỷ đồng. Nếu tính thêm 2 quảng cáo tương ớt Chinsu và xúc xích Ponnie, Masan đã chi tới 9,5 tỷ đồng cho tổng thời lượng 300s lên sóng trong trận chung kết AFF Cup 2018.
Ảnh cắt từ clip quảng cáo Lovemi
Được biết, trong lịch sử quảng cáo giữa các trận bóng đá có đội tuyển Việt Nam tham dự, nhãn hàng được nhắc tới như một case thành công nhất từ trước đến nay là Nutifood. Đặc biệt, chỉ với 1 quảng cáo trong thời khắc đội tuyển U19 Việt Nam lần đầu tiên giành tấm vé vào FIFA U20 World Cup, Nutifood đã tăng 200% doanh số từ 3.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng nhờ một video đúng thời điểm.
Video quảng cáo Growplus của Nutifood gắn liền 2 định vị - Thương hiệu sữa dành cho trẻ suy dinh dưỡng và thấp còi bán chạy số 1 Việt Nam, và hình ảnh đại sứ thương hiệu là các cầu thủ Công Phượng, Văn Toàn, Đông Triều cùng đội bóng Hoàng Anh Gia Lai - những tấm gương cho khát vọng, nghị lực vươn lên.
Cũng phải nói thêm rằng, trong lịch sử phát triển của Masan, mỳ gói có thể xem là anh cả. Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang của Tập đoàn Masan được giới truyền thông gọi là “người dạy người Nga dùng mỳ gói và tương ớt” khi những lô mỳ gói đầu tiên của ông đã thành công trên thị trường Nga cách đây khoảng 20 năm.
Đến năm 2002, ông Quang đưa Masan trở về quê nhà bằng việc tung ra thị trường sản phẩm đầu tiên là nước tương Chin-su. Sang năm 2003 thì bắt đầu có thêm nước mắm Chin-su. Đến năm 2007, Masan mới bắt đầu đánh chiếm thị trường mỳ gòi bằng sản phẩm Omachi.
Trong số những doanh nghiệp thành công với mỳ tôm tại Đông Âu thì hiện chỉ có Tập đoàn Masan là tiếp tục kinh doanh mặt hàng này tại Việt Nam (mỳ Omachi, Tiến Vua là những sản phẩm của Masan).
Đây có lẽ là những lý do lý giải cho việc tại sao ông chủ của tập đoàn Masan lại mạnh tay chi tới gần 8 tỷ đồng để quảng bá thương hiệu mỳ gói trong trận chung kết AFF Cup?
Nguyễn Đăng Quang sẽ là tỷ phú đô la?
Ông Quang hiện là cổ đông chủ chốt của Masan Group, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam với vốn hóa hiện đạt hơn 91.000 tỷ đồng, tương đương gần 4 tỷ USD. Tuy nhiên do việc sở hữu việc gián tiếp không dễ để xác định chính xác nên lâu nay ông Quang vẫn vắng bóng trong danh sách tỷ phú của Forbes hay Bloomberg.
Trong bài viết ngày 21.12 đề cập đến sự suy giảm tài sản của các tỷ phú châu Á trong một năm khó khăn, Bloomberg đã coi chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang là một trong 2 tỷ phú USD mới của khu vực Đông Nam Á, cùng mới Donald Sihombing của Indonesia.
Vua mỳ gói Nguyễn Đăng Quang
“Chủ tịch tập đoàn khổng lồ Masan của người tiêu dùng Việt Nam đã tham gia vào câu lạc bộ những tỷ phú cực kỳ giàu có của thế giới. Các gia đình tại Việt Nam đều cần đến gia vị, nước sốt do hãng của ông Quang sản xuất”, Bloomberg viết.
Thực tế đầu năm nay, Bloomberg cũng đã nhắc đến ông Nguyễn Đăng Quang với vai trò là một tỷ phú USD mới của thế giới với khối tài sản được định giá khoảng 1,2 tỷ USD, chỉ đứng sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air.
“Nước mắm và các loại gia vị cần phải có trong gian bếp của mọi gia đình đã giúp ông trùm hàng thực phẩm tiêu dùng Việt Nam - Nguyễn Đăng Quang, trở thành tỷ phú mới”, Bloomberg nhận định vào đầu năm.
Ông Quang hiện nắm giữ công ty thông qua Tập đoàn Masan, cũng như công ty con Sunflower Construction. Ông cùng vợ nắm gần 50% cổ phần Tập đoàn Masan.
Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang
Nếu tham chiếu theo thương vụ đầu tư của nhà đầu tư Hàn Quốc - SK Group diễn ra mới đây, 470 triệu USD cho 9,5% vốn điều lệ tại Masan, ông Quang đang sở hữu khối tài sản trị giá xấp xỉ 2,5 tỷ USD.
Như vậy, với nhận định của Bloomberg, ông Quang sẽ là tỷ phú USD mới của Việt Nam, bên cạnh 4 tỷ phú được Forbes công bố trước đó là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch tập đoàn Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo- Tổng giám đốc Vietjet, ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Thaco và ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.