Dân Việt

Chạnh lòng những trái tim thơ trẻ

16/02/2013 17:36 GMT+7
(Dân Việt) - Bệnh quái ác, những vụ tai nạn giao thông kinh hoàng... cướp đi tổ ấm hạnh phúc, cướp đi cái quyền thiêng liêng được có cha, có mẹ của nhiều bé thơ ở các bản làng.

Những ngày Tết đến, những trái tim thơ trẻ dường như nghẹn lại vì quạnh hiu.

“Sao con không có bố mẹ?”

Trong cái se lạnh của những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, chúng tôi tìm đến nhà của hai vợ chồng xấu số là anh Đỗ Văn Tài và chị Trần Thị Đạo (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Anh mắc bạo bệnh mất, chị chết vì tai nạn giao thông, giờ ngôi nhà cấp bốn thấp lè tè ẩn trong khu tái định cư xã Tam Thanh được đóng cửa im ỉm, những người hàng xóm nơi đây cho biết, cháu Đỗ Thị Xuân Lộc (8 tuổi) - con của anh chị đã được bà ngoại Đinh Thị Chung nuôi nấng.

img
Dù không còn ba mẹ, ở với ông bà ngoại, nhưng em Lộc học rất giỏi..

Khi tôi và bà Chung đang tâm sự, thì cũng là lúc cháu Lộc đi học về đến nhà. Khi hỏi về ba mẹ, đôi mắt em hoe đỏ, đôi môi em mím chặt, một lúc sau em mới trò chuyện với chúng tôi cởi mở hơn. Ngồi bên những giấy khen chứng nhận thành tích học tập đạt được, em nói: "Mẹ con sẽ rất vui, lúc trước, mẹ nói mẹ muốn con học giỏi thì tết mẹ sẽ mua cho con quần áo mới, nhưng bây giờ…!". Câu nói bỏ lửng cùng những tiếng nấc nghẹn làm chúng tôi không khỏi quặn lòng.

6 đứa trẻ mồ côi nheo nhóc con của anh Hồ Dự, (sinh năm 1962), và chị Đoàn Thị M (sinh năm 1967, đã mất) ở thôn Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) thậm chí còn không có niềm vui ở bên nhau. Được biết trước đây, gia đình anh Dự rất đầm ấm, hạnh phúc. "Lối rẽ" của gia đình diễn ra kể từ ngày anh Dự khăn gói vào miền Nam làm ăn rồi mắc bệnh tâm thần. Về nhà, anh Dự lên cơn điên loạn dùng dao đâm chết chị M trong lúc chị đang ngủ trưa… Gia đình đã đưa anh Dự vào điều trị tâm thần tại Bệnh viện Trung ương Huế, nhưng bệnh tình càng nặng hơn. Sau cái chết của mẹ, 6 anh chị em dần ly tán. Hồ Thị Loan- người con duy nhất còn ở nhà cho biết, đứa em út 3 tháng tuổi đã phải theo người bác ruột vào Nam sinh sống. Hai anh chị kế đang sống tại Cô nhi viện ở thị xã Quảng Trị, 2 anh chị khác đi làm xa, còn em Loan sống tại nhà để chăm sóc bố.

Bà Chung nói thêm: "Hiện cháu nương nhờ vào tình thương của ông bà nội, ngoại, nhưng có lẽ chẳng có gì có thể bù đắp được những mất mát. Cứ thấy bố mẹ bạn bè đưa đi chơi, cháu lại hỏi tôi "họ có ba, có mẹ, sao con không có hả ngoại?". Cháu Lộc ước mơ trở thành bác sĩ, nhưng bà Chung thì lo: "Tôi già rồi, không lo được cho cháu. Liệu ước mơ đó có trở thành hiện thực không..." - bà Chung nghẹn ngào.

Chia tay cháu Lộc, chúng tôi tìm đến một hoàn cảnh bi đát hơn của ba chị em Nguyễn Thị Nguyệt (13 tuổi), Nguyễn Tấn Lợi (10 tuổi), và em Nguyễn Thị Anh Túc (6 tuổi) hiện đang sống với ông bà nội tại đội 2, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam. Cùng chung cảnh ngộ với Lộc, mẹ mất vì bạo bệnh, cha mất vì tai nạn. Khi đó Nguyệt chỉ mới 11 tuổi, cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" em đã phải làm cha, làm mẹ, làm chị của 2 đứa em nhỏ.

Nhận thấy được hoàn cảnh khó khăn, ông bà già yếu, sau giờ học, Nguyệt cùng các em phụ giúp ông bà nấu cơm, cho gà, lợn ăn, dọn dẹp tất tần tật công việc trong nhà và lo lắng cho em từng li, từng tý, tắm rửa, giặt giũ, cho đến bày, dạy 2 em học… “Cả ba đứa đều rất ngoan và học giỏi, tất cả các năm học, ba chị em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, chúng tôi an ủi được phần nào… Nhiều lúc, ba chị em ngủ với nhau, 2 đứa em dậy khóc đòi ba mẹ, vậy là ba chị em ôm nhau khóc, làm vợ chồng già tôi thấy nghẹn lòng"- ông Y đau xót.

Xót lòng trẻ thơ trong căn nhà vắng

Đợt công tác ở Điện Biên, tôi không thể quên ánh mắt bé Lường Thị Nga (12 tuổi)- xã Mường Lạn (Mường Ảng, Điện Biên). Em còn nhỏ xíu nhưng đã là chủ hộ. Bố em mất từ khi em còn nhỏ nên không còn chút ký ức nào. Khi em mới 5 tuổi thì mẹ cũng ốm mất. Xã đã xây dựng cho em một căn nhà, hiện em sống một mình, thi thoảng lại có bà ngoại sang giúp đỡ. Em tự kiếm củi và cấy lúa để có cái ăn. Nga cho biết: bà em đã rất già yếu, nên không chắc vài năm nữa em có thể đi học tiếp được".

img
Năm nay mới 13 tuổi, nhưng Nguyệt đã thay cha mẹ chăm sóc, dạy dỗ các em .

Hai anh em Nguyễn Hữu Phong (16 tuổi) và Nguyễn Hữu Bằng (14 tuổi) ở xã Vinh Xuân, Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) thì nương tựa vào bà cố đã 87 tuổi (ông bà nội đều qua đời) khi cả bố và mẹ chết vì HIV từ 11 năm trước. Bà cố Võ Thị Lớn cho biết thêm: “Thằng Phong mới 5 tuổi, thằng Bằng 3 tuổi thì ba mạ nó qua đời. Do gia cảnh túng thiếu nên mới cưới nhau được 1 năm thì ba chúng nó là Nguyễn Hữu Mẫn (sinh 1970) phải đi làm ăn xa. Sang Lào làm thuê, xa vợ lại nghe bạn bè lôi kéo, rủ rê nên Mẫn đã quan hệ với người lạ, nó mang trong mình căn bệnh HIV mà không hề hay biết, rồi về truyền bệnh cho vợ nó cũng không hay”.

Hai em Phong, Bằng chịu tang cha được 4 năm thì phải tiễn đưa mẹ, đau thương ngập tràn đau thương, sống trong nước mắt, suốt ngày 2 em cứ lầm lì, thui thủi trong bóng tối không nói năng gì. Ngày tháng nguôi ngoai, Phong và Bằng chỉ biết động viên nhau kiếm cái chữ: Phong đang học lớp 10, Bằng lớp 8, suốt nhiều năm liền 2 em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến. Em Bằng tâm sự: " Em muốn có tiền để được học tiếp, vì bà cố em không biết sống bao lâu nữa. Em muốn làm bác sĩ chế tạo vaccin giết chết con virus HIV để không còn ai phải chết vì HIV như ba mạ em nữa…".

Theo Bộ LĐTBXH, cả nước hiện có trên 70.000 trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em bị sao nhãng, trẻ em bị bạo hành, trẻ em có nhu cầu được gia đình, cá nhân nhận nuôi. Theo Nghị định về chính sách trợ giúp gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, ông bà, cô dì…- những người nhận nuôi dưỡng trẻ được trợ cấp 360.000/tháng (với trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên) và 450.000 đồng/tháng (với trẻ trên 18 tháng, trẻ tàn tật). Ngoài các chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng, gia đình nhận nuôi trẻ còn được hỗ trợ tiền mua tư trang phục vụ cho sinh hoạt đời sống hàng ngày mức 2.000.000 đồng/trẻ em/năm; trẻ mồ côi cũng được cấp thẻ BHYT, được miễn học phí, được hỗ trợ ăn tết (cả tiền mặt và gạo).