Tuy nhiên từ nhiều năm nay, lòng hồ Thác Bà thuộc địa phận huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) bị xâm phạm nghiêm trọng. Cụ thể, một số doanh nghiệp khi triển khai các dự án xây dựng công trình, nhà xưởng đã tự ý đổ đất, san gạt trực tiếp xuống lòng hồ, làm thu hẹp diện tích mặt nước, ảnh hưởng đến dung tích của hồ Thác Bà và vi phạm nghiêm trọng an toàn hồ chứa – hồ thủy điện Thác Bà.
Các doanh nghiệp tự ý đổ đất, san gạt trực tiếp xuống lòng hồ, làm thu hẹp diện tích mặt nước, ảnh hưởng đến dung tích của hồ và vi phạm nghiêm trọng an toàn hồ chứa – hồ thủy điện Thác Bà. Ảnh: Hoàng Hữu
PV đã có mặt tại khu vực san lấp của công ty TNHH một thành viên đá trắng Bảo Lai. Theo ghi nhận tại hiện trường, diện tích hồ biến dạng vẫn chưa được trả lại nguyên trạng theo đề nghị của Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà trong công văn số 495/TĐTB-P2. Những chiếc máy xúc, xe tải đang nằm "chết" không có dấu hiệu hoạt động, nạo vét để trả lại nguyên trạng cho hồ Thác bà.
Những phương tiện cơ giới đang nằm "chết" không có dấu hiệu hoạt động, nạo vét để trả lại nguyên trạng cho hồ Thác bà. Ảnh: Hoàng Hữu
Theo tài liệu Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà cung cấp, tháng 7.2015, UBND tỉnh Yên Bái cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Một thành viên đá trắng Bảo Lai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chế biến đá vôi trắng trên địa bàn thôn Đào Kiều, xã Hưng Thịnh, huyện Yên Bình.
Trước khi triển khai dự án, Công ty TNHH Một thành viên đá trắng Bảo Lai đã cam kết không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, dung tích của hồ Thác Bà. Tuy vậy, trong quá trình san lấp mặt bằng, Công ty TNHH Một thành viên đá trắng Bảo Lai đã san lấp, đổ đất lấn chiếm diện tích lòng hồ.
Trước sự việc này, Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà đã nhiều lần kiến nghị tỉnh Yên Bái chỉ đạo các cơ quan chức năng yêu cầu Công ty TNHH Một thành viên đá trắng Bảo Lai chấm dứt việc san lấp, đổ đất xuống lòng hồ. Các đơn vị chức năng tỉnh Yên Bái đã thanh tra, chấn chỉnh những sai phạm của Công ty.
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng GĐ Cty Cổ phần thuỷ điện Thác Bà cho biết, tới thời điểm hiện tại, theo tính toán, tổng diện tích hồ Thác Bà bị Công ty TNHH Một thành viên đá trắng Bảo Lai san lấp khoảng 10ha.
Tổng diện tích hồ Thác Bà bị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên đá trắng Bảo Lai san lấp khoảng 10 ha. Ảnh: Hoàng Hữu
Ngoài Công ty TNHH Một thành viên đá trắng Bảo Lai, Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái cũng là doanh nghiệp có hành vi vi phạm an toàn lòng hồ thủy điện Thác Bà.
Ngày 5.11, PV đã có mặt tại khu vực Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái đang san gạt mặt bằng. Ẩn khuất sau hàng rào được che chắn kín bằng bạt là một đại công trường với hàng chục máy xúc, xe tải vẫn đang liên tục đổ đất, san gạt xuống hồ. Ngay trong lúc PV tác nghiệp, một đối tượng bặm trợn tự xưng là quản lý công trường đi tới quát tháo, đe dọa và cấm quay phim, chụp ảnh, thậm chí chặn phương tiện di chuyển của PV.
Ẩn khuất sau hàng rào được che chắn kín bằng bạt là một đại công trường với hàng chục máy xúc, xe tải vẫn đang liên tục đổ đất, san gạt xuống hồ. Ảnh: Hoàng Hữu
Người này dựng xe chặn phương tiện của các phóng viên không cho di chuyển. Ảnh: Hoàng Hữu
Theo Quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Yên Bái, Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái được chấp thuận triển khai dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ ván dán, công suất 15.000 m3/năm, tại thôn Ðình Lâm, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình với vốn đầu tư hơn 57 tỷ đồng, diện tích đất sử dụng 7ha.
Tuy nhiên, trước khi được cấp giấy phép xây dựng, công ty đã tự thi công hạng mục san nền và bị xử lý vi phạm hành chính. Đoàn kiểm tra liên ngành gồm UBND xã Thịnh Hưng, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà, Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Yên Bái) đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản vi phạm đối với Công ty TNHH Hoàng Gia Yên Bái. UBND huyện Yên Bình đã xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà đầu tư số tiền 62 triệu đồng do vi phạm Luật Ðầu tư; yêu cầu dừng hoạt động san tạo mặt bằng, khắc phục hậu quả, hoàn thiện các thủ tục liên quan để đủ điều kiện hoạt động.
Dù vậy, trong quá trình san tạo mặt bằng, công ty này vẫn tiếp tục lấp xuống hồ một phần đất. Ngày 19.3.2018, đoàn kiểm tra liên ngành tiếp tục lập biên bản vi phạm, yêu cầu công ty không tiếp tục san gạt đất xuống hồ và phải trả lại các diện tích san lấp và rơi xuống hồ.
Tuy nhiên, sau nhiều lần bị lập biên bản xử phạt và yêu cầu chấm dứt hành vi trên, công ty này vẫn tiếp tục san tạo mặt bằng và đổ đất trực tiếp xuống lòng hồ.
Đại công trường với hàng chục máy xúc, xe tải liên tục đổ đất, san gạt xuống hồ. Ảnh: Hoàng Hữu
Việc san gạt đất xuống hồ khiến nước hồ tại khu vực này đục ngầu, sủi đầy bọt bẩn. Ảnh: Hoàng Hữu
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Thác Bà cho biết: “Đã rất nhiều lần chúng tôi phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản đối với hai công ty này. Nhưng để xử lý thì vẫn đợi sự chỉ đạo từ phía chính quyền, đặc biệt là phía tỉnh, doanh nghiệp chỉ biết gửi công văn kiến nghị kèm biên bản vụ việc để báo cáo lên tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và huyện Yên Bình.”
Tuy nhiên, cho đến nay, các công văn kiến nghị của Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà vẫn chưa được giải quyết.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Hồ chứa thủy điện Thác Bà hiện được quản lý, bảo vệ, khai thác theo Pháp lệnh số 32/2001/PL-UBTVQH10 ngày 4.4.2011 về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20.10.2008 về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi; Quyết định số 10/2008/QĐ-UBND ngày 26.5.2008 của UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng tiềm năng và bảo vệ môi trường vùng hồ Thác Bà. Theo đó, các hoạt động đắp đập ngăn, đổ đất xuống lòng hồ đều vi phạm các quy định của nhà nước hiện hành. |