Dân Việt

Xuất khẩu nông sản đạt kỉ lục mới: Gỡ điểm yếu cố hữu để bứt phá

Anh Thơ 25/12/2018 18:50 GMT+7
Việc kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2018 cán mốc 40 tỷ USD được coi là một điểm sáng của nền kinh tế (xem thêm NTNN ra ngày 24.12). Vui mừng với kết quả này, nhưng nhiều chuyên gia kinh tế - nông nghiệp cũng cảnh báo một số điểm yếu cố hữu nếu không được khắc phục kịp thời có thể làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của xuất khẩu thời gian tới. 

Xác lập những kỷ lục mới

Có thể nhận thấy, năm 2018 thị trường thế giới có nhiều biến động khó lường bởi tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung; sự gia tăng bảo hộ thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm của nhiều thị trường lớn... khiến có những thời điểm xuất khẩu nông sản của Việt Nam gặp khó. Mặc dù vậy, trong 11 tháng năm 2018, kim ngạch xuất khẩu (XK) nông sản  vẫn đạt 36,3 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017, ước cả năm sẽ đạt 40 tỷ USD.

Điều đáng ghi nhận là, thị phần XK đều duy trì, củng cố và mở rộng. 5 thị trường XK các mặt hàng nông lâm thủy sản chính của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, ASEAN và Hàn Quốc. Các thị trường mới nổi, thị trường ngách (Trung Đông, châu Phi, Đông Âu) đều được lực chọn phát triển bài bản, có tính bổ trợ cho các thị trường trọng điểm; giá trị XK các mặt hàng chủ lực đều tăng.

img

Chế biến tôm phục vụ xuất khẩu tại doanh nghiệp ở Hậu Giang. Ảnh:  T.L

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, đây là kết quả của một quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ, phân khúc sang quy mô lớn, khép kín theo chuỗi giá trị; cơ cấu ngành hàng. Cùng với đó, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường như: thủy sản (nhất là tôm nước lợ, các tra); rau, hoa, quả nhiệt đới; một số loại cây công nghiệp giá trị cao; đồ gỗ và lâm đặc sản.

Có thể nhìn thấy rất rõ kết quả của sự ứng biến linh hoạt này trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chỉ cách đây vài năm, ngành sản xuất, chế biến rau quả vẫn được đánh giá là “vùng trũng” khi rất nhiều sản phẩm có tiềm năng không được khai thác một cách hiệu quả. Nhưng nhờ đẩy mạnh xây dựng các mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, cộng với tăng cường xúc tiến thương mại, nhiều loại trái cây có thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, xoài, thanh long, chuối, chôm chôm, chanh leo... đã lần lượt chinh phục được những thị trường khó tính.

Thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), giá trị XK rau quả 10 tháng năm 2018 ước đạt 3,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017. Năm 2018, ngành rau quả có nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu XK 4 tỷ USD.

Tương tự, ngành chế biến, XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ cũng từng bước vượt qua khó khăn, liên tục chinh phục những đỉnh cao mới. Theo đó, giá trị XK lâm sản năm 2018 đạt 9,308 tỷ USD, tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% giá trị XK của các ngành hàng thuộc ngành nông nghiệp.

Điểm yếu được coi là lớn nhất của ngành về nguồn gốc gỗ hợp pháp tưởng sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với EU tưởng sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhưng cuối cùng đã được hóa giải dễ dàng.

Đừng phụ thuộc vào một thị trường

Nhưng trong bức tranh tươi sáng của ngành nông nghiệp, người ta vẫn nhìn thấy những bất ổn nội tại có thể ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng chung của toàn ngành. Đó là nhiều mặt hàng chủ yếu XK dưới dạng thô, trong khi chúng ta lại phải nhập nguyên liệu từ nước khác về chế biến tinh.

Đơn cử như mặt hàng cao su, thống kê của Bộ NNPTNT cho thấy, hiện nước ta sản xuất cao su đứng thứ 3 thế giới, với sản lượng XK bình quân hơn 1 triệu tấn cao su thiên nhiên/năm. Tuy vậy, trong 11 tháng qua, công nghiệp chế biến thành phẩm từ cao su lại nhập khẩu gần 1/2 con số đó (543.000 tấn), trị giá trên 1 tỉ USD.

Mặt hàng rau quả tăng trưởng XK đều đặn, đem về nhiều tỷ USD nhưng Việt Nam vẫn chủ yếu XK rau quả thô hoặc sơ chế, tỷ trọng mặt hàng này chiếm tới trên 90% tổng rau quả XK. Các loại rau quả đã qua chế biến XK chỉ chiếm tỷ trọng vỏn vẹn dưới 10%.  Sự phụ thuộc vào một thị trường (cụ thể là Trung Quốc) có thể tạo ra những bất ổn khó lường nếu không may có biến động.

Theo ông Nguyễn Xuân Hồng - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, yếu tố quan trọng mà XK nông sản phải đối mặt là các hàng rào kỹ thuật. Về mặt giải pháp, nếu có thể đẩy mạnh chế biến, XK nông sản, trong đó có rau quả gần như sẽ vượt được 2 hàng rào kỹ thuật căn bản mà Việt Nam đang rất yếu là kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Nếu đẩy mạnh XK rau quả, con số 10 tỷ USD vào năm 2025 là hoàn toàn đạt được “trong tầm tay”.

2018 có vẻ là năm thiếu may mắn của nhiều sản phẩm cây công nghiệp khi XK cà phê, tiêu không đạt được như kỳ vọng. Theo báo cáo mới nhất của Bộ NNPTNT, XK cà phê 11 tháng năm 2018 ước đạt 1,73 triệu tấn và 3,3 tỷ USD, tăng 23,4% về khối lượng nhưng chỉ tăng 3,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Đáng chú ý, giá cà phê XK bình quân 10 tháng năm 2018 chỉ đạt 1.894 USD/tấn, giảm mạnh 16,7% so với cùng kỳ năm 2017.

Ông Phan Xuân Thắng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho hay: Đợt khủng hoảng giá cà phê trong năm vừa qua đã gây thiệt hại cho ngành khoảng 2.500 - 3.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, ông Đỗ Kim Lang-Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nêu một thực tế: Việt Nam hiện chủ yếu sản xuất, XK cà phê nhân, không đem lại giá trị gia tăng cao. Thế giới biết Việt Nam là nước XK cà phê, song thực tế không biết cà phê Việt Nam như thế nào, thậm chí cà phê Việt Nam còn chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tương tự như vậy với mặt hàng tiêu, sau 4 năm liên tục đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, năm 2018, XK hạt tiêu chỉ còn khoảng 800 triệu USD do giá bán xuống đến mức kỷ lục. Đây là hệ quả của sự phát triển quá nóng, theo phong trào, chỉ tăng diện tích một cách ồ ạt mà không liên kết để nâng cao chất lượng, hình thành chuỗi giá trị theo hướng bền vững. Điều này cũng là điểm yếu chung của nhiều mặt hàng nông sản khác.

Cho đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn là thị trường XK lớn nhất của nông sản Việt Nam: Tính đến cuối tháng 10.2018, kim ngạch XK nông sản sang thị trường này đạt 5,32 tỷ USD. Tuy là thị trường quan trọng nhưng nông sản Việt XK sang Trung Quốc chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch, không bền vững, rủi ro lớn vì chủ yếu là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang làm. Sản xuất nông sản vẫn theo quy mô nhỏ, chất lượng sản phẩm không đồng đều và sức cạnh tranh không cao.

Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt chưa chủ động khai thác thị trường Trung Quốc, thiếu thương hiệu về nông sản. Người tiêu dùng Trung Quốc, nhất là ở các thành phố lớn không có ấn tượng sâu sắc về hàng nông sản Việt Nam. Đó là chưa kể, nhận thức thị trường Trung Quốc dễ tính, có thể xuất cái gì sang cũng được là một sai lầm khi những yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm ngày càng cao.

Chính vì vậy, lãnh đạo ngành nông nghiệp và nhiều chuyên gia kinh tế - nông nghiệp đều cho rằng chúng ta phải nhanh chóng thay đổi chính mình để không phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, tiếp tục chinh phục những thị trường mới; “nói không” với XK tiểu ngạch để hướng đến cách làm chuyên nghiệp, bài bản hơn.

img

Ông Nguyễn Xuân Cường -Bộ trưởng Bộ NNPTNT:

Tập trung nâng cao giá trị gia tăng của nông sản

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất gắn với chuỗi giá trị, theo các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tập trung khuyến khích chế biến sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa. Trong đó, ngành cần tổ chức, xây dựng được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm với nòng cốt, trung tâm là các chủ thể: Nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; đẩy mạnh việc xây dựng, quảng bá thương hiệu từng loại nông sản hàng hóa.

Mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu ngành giai đoạn tới là xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh, văn minh.

img

Ông Trần Văn Công - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản:

Ưu tiên nhiều hơn cho chế biến

Cả nước đã có trên 6.300ha cây ăn quả được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP/GlobalGAP, được cấp mã số vùng trồng đảm bảo điều kiện xuất khẩu; đã có trên 5.000ha nuôi trồng thủy sản đạt chứng nhận VietGAP/GlobalGAP; 100% cơ sở nuôi cá tra xuất khẩu được đánh mã số truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, 100% các tàu khai thác hải sản cam kết chống IUU; 100% cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu áp dụng HACCP và các chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm, môi trường, trách nhiệm xã hội… trong nước và quốc tế.

Điều cần làm trong thời gian tới là tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại lĩnh vực công nghiệp chế biến, bảo quản và giảm tổn thất sau thu hoạch; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị gia tăng.

                Khánh Nguyên (ghi)