Thánh ca "Silent Night" phiên bản tiếng Anh. Video: Youtube.
Theo Washington Post, nếu không có một cậu bé có tên Joseph Mohr, thế giới sẽ không có bài ca Giáng sinh bất hủ qua nhiều thế hệ. Sinh ra trong một gia đình thợ đan nghèo ở Salzburg (Áo), cha bỏ đi, Morh đã phải đến ở với bà ngoại vốn cũng nghèo khổ túng thiếu. Mỗi khi đói rét, cậu bé thường có thói quen đi lang thang để quên đi cơn rét, cơn đói cồn cào. Thế nhưng, chính những lần cuốc bộ đó đã làm thay đổi cuộc đời Joseph Mohr.
Trong một lần cuốc bộ, Mohr đã ghé thăm một nhà thờ trong làng. Tại đây, cậu gặp Johann Hiernle – người chỉ huy dàn hợp xướng của nhà thờ - và sau đó quyết định tham gia sinh hoạt nhà thờ. Nhận thấy Morh là người có tài năng thơ cơ, âm nhạc, ông Hiernle đã cho cậu vào học tại một trường ngữ văn nổi tiếng tại Kremsmnster (Áo). Khi ra trường, Morh tiếp tục học, tốt nghiệp tại một trường dòng và được phong chức linh mục khi mới vừa 23 tuổi. Khi được cử về một nhà thờ ở miền núi xinh đẹp, vị linh mục trẻ tuổi đã sáng tác rất nhiều bài thơ.
Vào một buổi sáng nọ trong mùa Noel, khung cảnh tuyết trắng phủ mọi nơi cùng với không khí yên ắng của đất trời đã cho Morh cảm hứng sáng tác. Ngay hôm ấy, Joseph Morh đã viết một bài thơ ngắn mang tên “Stille Nacht! Heilige Nacht!” (tên tiếng Anh là “Silent Night! Holy Night!”; ở Việt Nam thường được dịch là “Đêm Thánh vô cùng”) – sau này trở thành lời của bài hát “Silent Night” bản tiếng Đức.
Bài thánh ca "Silent Night" được hát lần đầu tiên ở Nhà thờ Thánh Nicholas (Oberndorf, Áo). Trên ảnh là Nhà nguyện Silent Night. Ảnh: EPA.
Sau này, cha Morh được Giáo hội điều chuyển tới nhà thờ Thánh Nicholas. Vào đêm 23.12.1818 – một ngày trước đêm Giáng Sinh, cây đàn dương cầm của nhà thờ bỗng bị hỏng. Không muốn để đêm Giáng Sinh thiếu lễ nhạc, cha Morh đã quyết định cho ca đoàn hát cùng với tiếng đệm guitar. Nhớ lại bài thơ ngắn “Stille Nacht! Heilige Nacht!” lúc trước, Morh đã đề nghị người chơi đàn nhà thờ Franz Gruber lo phần nhạc.
Trong phần biểu diễn, vị linh mục đệm guitar và hát giọng nam cao còn Franz hát giọng trầm. Cứ sau mỗi đoạn, ca đoàn nhà thờ lại cùng hòa chung phần điệp khúc. Vào gần nửa đêm, giáo dân trong vùng tưởng như thường lệ người chơi đàn đại phong cầm tấu lên những bài ca mừng Giáng Sinh hùng tráng... Nhưng không, thứ mà họ được nghe đêm đấy là một bản nhạc “Silent Night” với tiếng đàn guitar nhẹ nhàng và những giọng hát thánh thót, luyến láy phảng phất âm hưởng dân ca vùng nông thôn nước Áo, chầm chậm lan tỏa ra trong tĩnh lặng thinh không của một thời khắc thiêng liêng…. Với những người có mặt tại nhà thờ Thánh Nicholas hôm ấy, đó là một đêm Giáng Sinh huyền diệu và đáng nhớ.
Chân dung gương kính màu của nhà soạn nhạc Franz Xaver Gruber tại Nhà nguyện Silent Night ở Oberndorf (Áo). Ảnh: Getty.
Sau Giáng sinh năm 1818, linh mục Joseph Mohr lại được thuyên chuyển đến nơi khác và trong suốt 7 năm sau đó, giai điệu “Silent Night” đã chẳng bao giờ được cất lên. Bài hát bất hủ này chỉ được tìm thấy khi một người thợ tên Karl Mauracher đến sửa đàn cho nhà thờ Thánh Nicholas. Sau khi sửa xong đàn, Mauracher mời ông Gruber thử đàn. Ngay khi nghe được giai điệu “Silent Night”, Mauracher không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp của bài hát và đã xin đem cả nhạc và lời về làng Kapfing của mình.
Tại Kapfing, hai ban nhạc gia đình nổi tiếng là Rainers và Strassers được mời thưởng thức “Silent Night”. Bị cuốn hút trước giai điệu thánh ca êm đềm, đi vào lòng người, hai nhà Rainers và Strassers đã quyết định đưa bài hát mới vào các lễ hội âm nhạc mừng Giáng Sinh. Sau đó, nhà Strasser đã đưa “Silent Night” vòng quanh Bắc Âu. Đến năm 1834, họ biểu diễn cho Đức vua Frederick William đệ IV của nước Phổ, quá ấn tượng, vua William đệ IV truyền lệnh ca đoàn của cung đình phải xướng bài hát này vào mỗi dịp Giáng Sinh.
Ảnh chụp bản nhạc "Silent Night" được viết bằng tay. Ảnh: Bảo tàng Salzburg .
Trong khi đó, nhà Rainers thì lại sang Mỹ vào năm 1839 và đã biểu diễn Silent Night bằng tiếng Đức ngay tại Đài tưởng niệm Alexander Hamilton, nằm bên ngoài khuôn viên nhà thờ Trinity của New York. Năm 1863, Silent Night được Jane Campbell và John Young dịch sang tiếng Anh.
Theo Washington Post, Silent Night vẫn được cho là của các thiên tài âm nhạc như Haydn, Mozart, Beethoven. Mãi đến 1995, cuộc tranh luận mới chấm dứt khi người ta tìm lại được bản viết tay của Joseph Mohr. Ngay trên góc trên bên phải của bài nhạc, Joseph viết “Soạn nhạc: Fr. Xav. Gruber”.