Dân Việt

“Kỳ tích” 4 tiền án, 3 tiền sự trong 25 năm trốn nã

Kỳ Anh 25/12/2018 16:31 GMT+7
Cho đến ngày bị các chiến sĩ cảnh sát Đội Truy bắt đối tượng về trật tự xã hội, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm – PC52, Công an tỉnh Điện Biên bắt theo lệnh truy nã, Nguyễn Xuân Phụng (sinh năm 1960) đã “trốn nã”... 25 năm. Giờ đây, quay về cuộc sống làm người lương thiện, y mới hiểu cuộc sống gia đình quan trọng với mình như thế nào.

img

Nguyễn Xuân Phụng bên đứa con út và khát vọng làm lại cuộc đời

Nguyễn Xuân Phụng (trú tại xóm Đồng Mạc, xã Tiên Hội, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) sinh ra trong một gia đình đông anh em ở xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá.

Với bản tính ngỗ nghịch, thích chơi bời lêu lổng nên chỉ trong thời gian ngắn, Phụng trở thành “đại ca” của đám thanh niên địa phương.

Đầu năm 1988, chị gái của Phụng khi đó đang làm công nhân Xí nghiệp Gạch Điện Biên đã đưa em trai lên Tây Bắc và xin vào làm công nhân tại một xưởng sản xuất vật liệu xây dựng. Vào làm được một thời gian, Phụng không chịu nổi vất vả nên nghỉ hẳn làm.

“Nhàn cư vi bất thiện”, Phụng bị nhóm thanh niên địa phương rủ vào một ổ nhóm chuyên đi trộm cắp tài sản của người dân quanh vùng. Tháng 7.1988, tổ công tác Công an huyện Điện Biên (tỉnh Lai Châu cũ) phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (PC14 cũ) bắt quả tang Phụng cùng đồng bọn có hành vi “trộm cắp tài sản”.

Đến tháng 11.1988, TAND huyện Điện Biên đưa Phụng ra xét xử và tuyên phạt 9 tháng tù giam. Trong khi chờ thi hành án, ngày 12.12.1988, lợi dụng sơ hở của cán bộ quản giáo, Phụng vượt tường trại bỏ trốn. Sau đó, Công an tỉnh Lai Châu đã có Quyết định số 61/LTN truy nã Nguyễn Xuân Phụng trên phạm vi toàn quốc.

Vào tù ra tội

Ngay sau khi vượt qua hàng rào kẽm gai Nhà tạm giam Mường Tùng, gã tội phạm ranh ma này đã nhanh chân lẩn ngay xuống sông Nậm Na náu mình. Trong tiết trời lạnh tê buốt của miền Tây Bắc nhưng Phụng vẫn cắn răng chịu trắng một đêm để không bị phát hiện và bắt lại.

Đến gần sáng, Phụng lợi dụng màn sương mù dày đặc trốn lên núi rồi tìm ra quốc lộ 6 và đi nhờ một chiếc xe tải chạy về Tuần Giáo, sau đó trốn về Thái Nguyên- vốn là quê vợ hai của bố. Biết chắc nếu mình mò về đây, lực lượng công an sẽ truy tìm nên Phụng cũng chỉ tạt qua nhà xin ít tiền lộ phí rồi “lặn” một mạch vào bản vùng sâu giáp với Tuyên Quang để ẩn náu.

Tại đây, Phụng nhanh chóng chiếm được cảm tình của một số “bưởng” vàng và được nhận vào làm ở một xã hẻo lánh giáp ranh giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Tuyên Quang. Sau một thời gian, y tin chắc sẽ không ai lần ra mình nên tự tin không thay tên đổi họ như những kẻ trốn nã khác thường làm.

Hắn kết hôn với một người phụ nữ ở địa phương và có hai mặt con, một trai, một gái. Đến tháng 4/1990, chưa đầy 2 năm sau ngày chạy trốn khỏi Điện Biên, Phụng lại “dính chàm”. Lần này không phải là tội trộm cắp tài sản thông thường mà là án giết người.

Trong một lần hoạt động khai thác vàng tại địa bàn mà y ẩn náu, Phụng vô ý làm chết một công nhân và bị TAND huyện Đại Từ khi đó kết án 05 năm tù giam. Lần này, Phụng bị đưa đi cải tạo tại trại giam Phú Sơn (Sơn Cẩm, Phú Lương, Thái Nguyên) và bóc lịch cho đến mãn hạn tù mới được thả.

Thế nhưng, vừa ra trại được vài tháng, các cán bộ quản giáo ở đây ngạc nhiên khi lại thấy Phụng quay lại trại với bản án khác là 18 tháng tù giam về hành vi: “Gây rối trật tự công cộng” trong một vụ ẩu đả trên địa bàn TP.Thái Nguyên.

Nguyễn Xuân Phụng, vốn từ mộ kẻ trộm cắp nghiệp dư đã nhanh chóng trở thành một tay anh chị có số, có má khi liên tục vào tù ra khám như cơm bữa. Ra tù, vợ con Phụng lại bỏ hắn vào miền Nam. Chán đời, Phụng dính vào ma túy lúc nào không hay và trở thành tay sai của “nàng tiên nâu”.

Đầu năm 2000, trong đợt truy quét tội phạm của Công an tỉnh Thái Nguyên, Phụng bị bắt tại chân cầu Gia Bẩy về hành vi “Mua bán trái phép chất ma túy”. Với tội danh này, Phụng phải nhận bản án 04 năm tù giam. Nhờ nỗ lực cải tạo, y được ra tù trước gần nửa năm.

Ngày về với cuộc sống đời thường, Phụng thề trước cổng trại giam Tân Lập rằng: “Đây sẽ là lần cuối cùng tôi vào đây”. Cái ngày Nguyễn Xuân Phụng bước chân ra với đời cũng là ngày anh ta bập lại ma tuý. Sau đó, Phụng bị bắt giữ, xử lý hình sự thêm nhiều lần nữa. Nhiều đến nỗi không ai nhớ Phụng đã vào rồi lại ra trại cai nghiện 06 của huyện Đại Từ bao nhiêu lần.

Sau đó Phụng kết hôn với Lương Thị Hồng Hoa (sinh năm 1968, trú tại xã Tiên Hội, huyện Đại Từ) và có thêm một đứa con nữa.  Cuộc sống của Phụng triền miên trong cảnh cơm tù còn nhiều hơn cơm nhà. Với 4 tiền án, 3 tiền sự, một lệnh truy nã đặc biệt, Nguyễn Xuân Phụng đã lập kỷ lục là một trong những tên tội phạm trốn truy nã có thời gian lâu nhất (25 năm) của Công an các tỉnh Tây Bắc.

img

Nguyễn Xuân Phụng năm 1988

Ngày ra “ánh sáng”

Đầu năm 2010, Phòng PC52 Công an tỉnh Điện Biên được thành lập, tiếp quản lượng hồ sơ khổng lồ từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) và Văn phòng Cảnh sát điều tra (PC44) chuyển sang. Các cán bộ PC52 đã rà soát lại toàn bộ hồ sơ, lệnh truy nã đối tượng hiện còn chưa bắt được.

Hồ sơ của Nguyễn Xuân Phụng cùng những nghi án năm nào lại được các trinh sát tìm thấy ở dưới cùng của đống tài liệu. Nhận thấy đối tượng này đã lẩn trốn ngoài vòng pháp luật hơn 20 năm có lẻ nên cán bộ, chiến sĩ PC52 Công an tỉnh Điện Biên đặt quyết tâm phải bắt bằng được.

Trung tá Nguyễn Văn Duấn (Đội trưởng Đội truy bắt đối tượng về trật tự xã hội, Phòng PC52 Công an tỉnh Điện Biên) được giao nhiệm vụ lần dò dấu vết của Phụng.

Cách đây hơn 20 năm, chính anh là người đã trực tiếp bắt giữ Phụng. Trung tá Duấn quay về quê gốc của Phụng ở Thanh Hoá, sau đó lên Đại Từ, Thái Nguyên. Anh không nhớ mình đã đi lại ở hai địa bàn này bao nhiêu lần để thu thập các manh mối nhưng càng tìm càng gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi của địa hình và xã hội.

Có lúc, những manh mối dẫn tới ngõ cụt nhưng Trung tá Duấn vẫn kiên trì và đặt quyết tâm phải tìm được “duyên nợ” của cuộc đời làm chiến sĩ công an của mình.

Đến giữa năm 2012, được sự phối hợp giúp đỡ của các đơn vị Công an 2 địa phương này, Trung tá Duấn cùng đồng đội đã rút dần các đối tượng nghi vấn. Các anh cũng nhanh chóng khoanh vùng địa bàn đối tượng có thể ẩn náu. Trung tá Duấn cùng các điều tra viên Công an tỉnh Thái Nguyên đã vô cùng ngạc nhiên khi tên tội phạm từng 4 lần đi tù, dính 3 tiền sự hiện đang phải cai nghiện và lao động bắt buộc trong Trung tâm 06 của huyện Đại Từ lại chính là Nguyễn Xuân Phụng - tên tội phạm trốn truy nã cách đây đã gần 25 năm.

Gặp lại cố nhân sau ngần ấy thời gian, Nguyễn Xuân Phụng cũng biết tại sao Trung tá Duấn lại xuất hiện ở nơi này. Y lặng lẽ dừng công việc của mình và tiến về phía người cán bộ công an bao năm lần theo bước chân lẩn trốn của y cúi đầu xin bắt lại.

Phụng bị di lý về trụ sở Công an tỉnh Điện Biên. Do thời điểm Phụng phạm tội “Trộm cắp tài sản” vào năm 1988, Bộ luật hình sự quy định về giá trị tài sản trộm cắp là 500.000 đồng mới bị khởi tố hình sự, nhưng tại thời điểm Phụng bị bắt lại, Bộ luật hình sự năm 1999 đã sửa đổi, nâng mức giá trị trộm cắp tài sản bị khởi tố thấp nhất là 2.000.000 đồng nên Phụng đã được trả tự do và giao cho chính quyền địa phương quản lý.

Trong suốt quá trình chạy trốn của mình, Phụng luôn bị ám ảnh rằng có ngày y sẽ bị bắt lại. Khi hỏi lý do tại sao Phụng không thay tên đổi họ như nhiều tên tội phạm khác vẫn làm, Phụng thủng thẳng:

“Đại Từ là quê nhà thứ hai của tôi. Tôi không sinh ra ở đây nhưng chính mảnh đất này đã cho tôi tất cả những điều mà trước đó tôi chưa hề biết đến. Nghĩ mình có thể ẩn náu ở đây được nên tôi chẳng thay tên làm gì”.