Dân Việt

Đơn giản Tết Mông

15/02/2013 06:30 GMT+7
(Dân Việt) - Theo truyền thống của người Mông thì Tết Mông bắt đầu từ ngày 30.11 âm lịch hàng năm và kéo dài cho đến hết Tết cổ truyền của dân tộc.

Tết theo phong cách cổ của người Mông rất tốn kém gà, lợn, trâu, bò và thật lắm người say... Nhiều người sinh ốm đau khi hết tết, bởi những tiệc rượu cứ kéo dài thâu đêm, suốt sáng.

Hơn 10 năm trước, tỉnh Sơn La đã có chủ trương vận động người Mông đơn giản phần lễ nghi, ẩm thực và nghỉ ngơi kéo dài của Tết Mông, dồn vào ăn tết chung với Tết cổ truyền dân tộc. Sau đó, việc tổ chức Tết Mông đã đơn giản hơn, nhưng quả thật tư tưởng "nghỉ Tết Mông" vẫn cứ kéo dài, làm ảnh hưởng đến công việc sản xuất và nhất là việc học tập của học sinh.

img
Làm bánh đón tết của người Mông Sơn La.

Tết Mông năm nay, đến với những bản làng người Mông ở vùng cao Sơn La, chúng tôi nhận thấy một không khí tĩnh lặng hơn nhiều những cái Tết Mông của năm trước. Trong căn nhà Đại đoàn kết ở bản Cột Mốc xã Tân Xuân, huyện Mộc Châu (Sơn La), Trưởng bản Thào A Chồng giải thích: "Hôm qua là tất niên, mình cũng có con gà thắp hương trời đất, tổ tiên, xin các cụ thông cảm để dành tất cả đến Tết cổ truyền này, con cháu sẽ lo lễ lạt đầy đủ. Từ nay đến Tết cổ truyền dân tộc còn cả tháng nữa; con cháu còn lo học hành, làm nương, lấy củi, thu hoạch cây trồng... Không làm những việc đó, thời vụ đến là không gieo trồng được, lại đói nghèo mãi thôi".

Trong lời tâm sự của ông Mùa A Tu, một trong những nông dân giỏi gần 60 tuổi, ở vùng biên giới Việt - Lào thuộc bản Bún (Tân Xuân) về việc "đơn giản Tết Mông", có những điều thật tâm đắc: "Nước Việt Nam này đâu phải chỉ mỗi người Mông có tết riêng, nhưng họ cũng đã ăn chung một cái tết cổ truyền với cả dân tộc.

Tết Mông không phải là hủ tục nhưng nó gây ra cho người Mông khó khăn trong việc hội nhập với các dân tộc khác; trong học hành, làm việc. Vì thế, ta bảo con cháu nghe lời cán bộ, bỏ dần cái tết kéo dài... Con trai, con gái thì vẫn có đứa thích đi chơi xuân, mang khèn, mang khăn, áo đến cho nhau; tìm cái hơi ấm của nhau. Nhưng ta dặn chúng không được đi bắt vợ nữa. Bắt vợ là sai cái lý của luật pháp và tình người đấy...".

Vậy là người Mông đã chấp nhận đơn giản hoá Tết Mông, cũng như từng bước loại bỏ những hủ tục đã đeo bám bao đời. Nhưng điều đáng quý hơn là sự thay đổi này không phải vì nghèo mà là một sự tiến bộ vượt bậc trong nhận thức: Loại bỏ những gì không còn phù hợp với xu thế chung; vì tương lai, vì sự phát triển của chính người Mông và cộng đồng, xã hội nói chung.