Dân Việt

Chết thèm ngắm những mẻ chuối khô vàng óng, thơm nức ở đất Mũi

Chúc Ly 29/12/2018 13:10 GMT+7
Tết Nguyên đán 2019 đang đến gần, đây cũng là thời điểm làng nghề ép chuối khô ở xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) tất bật chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường. Những ngày này, đi đến đâu người ta cũng dễ dàng thấy những vỉ chuối khô vàng rực phơi dưới nắng, đậm mùi thơm chuối chín...

Đi dọc các tuyến đường các ấp 10A, 10B, 10C của xã Trần Hợi, nơi tập trung nhiều hộ làm nghề ép chuối khô, chúng tôi mới cảm nhận hết sự tất bật của vụ chuối khô Tết. Không khí Tết cũng rộn ràng hơn bao giờ hết.

Clip Làng nghề chuối khô 100 năm ở xứ Đất Mũi vào vụ Tết.

Nói đến nghề ép chuối khô, người dân ở xã Trần Hợi xem đây là một nghề truyền thống, được truyền từ đời này sang đời khác, và đã tồn tại hơn 100 năm nay. Thông thường, bắt đầu từ tháng 9 âm lịch là người dân nơi đây chuẩn bị khuôn, vỉ phơi chuối. Và đến tháng 10 là bắt tay ngay vào ép chuối khô. Thời gian bà con ép chuối khô kéo dài cho đến hết mùa nắng, nhưng tập trung nhất là tháng 11 – 12 âm lịch.

img

Nhân công tất bật chuẩn bị hàng phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán 2019. Ảnh: Chúc Ly.

Nguồn nguyên liệu chính để làm chuối khô phải là chuối xiêm già. Chuối xiêm già sau khi được thu mua thì đem đi ủ chín trong khoảng 2 ngày. Tiếp theo, chuối được lột vỏ, mang vào lò sấy khoảng 6 tiếng cho khô lại, hoặc đem phơi một ngày. Sau đó, đem chuối trái đã khô cho vào khuôn ép mỏng. Sau đó, chuối lại được đưa vào lò sấy khoảng 12-15 giờ, hoặc đem phơi năng 2 ngày nữa mới ra thành phẩm. 

Vào những ngày giáp Tết, vùng quê Trần Hợi đâu đâu cũng vàng rực trước sân bởi những vỉ chuối khô. Theo Hội Nông dân xã Trần Hợi, đây là nghề truyền thống lâu đời của địa phương và giải quyết được lượng lớn lao động. Mỗi nhân công làm cho các cơ sở ép chuối khô có thu nhập từ 4-6 triệu/người/tháng. Nhờ nguồn nguyên liệu chuối ở địa phương và các xã lân cận khá dồi dào nên tạo điều kiện thuận lợi cho nghề phát triển.

img

Gia đình anh Thanh có hơn 30 năm theo nghề ép chuối khô. Ảnh: Chúc Ly.

Là một trong những hộ gia đình có thâm niên lâu năm trong nghề làm chuối khô, gia đình anh Trần Duy Thanh (ngụ ấp 10B, xã Trần Hợi), cho biết: “Đây là nghề đã được gia đình truyền qua 3 thế hệ. Thời gian trước, nghề ép chuối khô được làm hoàn toàn thủ công, phải phụ thuộc vào thời tiết nên mất nhiều công, chất lượng chuối cũng không đồng đều. Từ khi sử dụng lò sấy, chuối khô đều hơn, đẹp hơn. Nhờ đó sản phẩm làm ra có giá cao hơn”.

"Trung bình mỗi tháng gia đình anh xuất ra thị trường khoảng 7-10 tấn chuối khô; thời điểm gần Tết thì sản lượng có thể tăng thêm từ 30-50%. Bình quân thu từ 80-100 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí mỗi tháng lãi từ 15-20 triệu đồng" - anh Thanh chia sẻ.

img

Làng nghề ép chuối khô ở xã Trần Hợi đã tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Ảnh: Chúc Ly.

Theo nhiều hộ sản xuất chuối khô ở Trần Hợi, khi sử dụng lò sấy, người làm chỉ mất khoảng 12 tiếng là xong một mẻ chuối với sản lượng khoảng 400-450kg, rút ngắn hơn nửa thời gian so với phơi nắng, giá bán cũng cao hơn so với phơi nắng. Hiện chuối khô được các cơ sở bán với giá từ 15.000-20.000 đồng/kg, nếu đóng gói thì từ 28.000-35.000 đồng/kg. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu ở một số tỉnh của ĐBSCL và TP.HCM.

Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch Hội nông dân huyện Trần Văn Thời cho biết: Tại xã Trần Hợi có trên 50 hộ sinh sống bằng nghề ép chuối thủ công, lúc cao điểm thì có khoảng 70 hộ. Tổng sản lượng người dân làm ra khoảng 500 tấn/năm.