Theo Bộ NN&PTNT, biến đổi khí hậu làm thay đổi quy luật thời tiết, bên cạnh đó cây trồng nông nghiệp ngày càng đa dạng, canh tác xen canh, gối vụ có xu thế tăng là điều kiện thuận lợi để chuột sinh sản phát triển quần thể nhanh, nguy cơ bùng phát gây hại cho sản xuất nông nghiệp.
Vào đầu năm 2018, tại xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh hơn 60 ha lúa vụ Đông Xuân đang chuẩn bị thu hoạch bị chuột phá hoại. Nhiều hộ nông dân ở đây cho biết, gia đình có diện tích lúa bị thiệt hại ít nhất cũng khoảng 30%, nhiều gia đình có diện tích lúa bị chuột phá lên đến 60%, có những đám lúa bị lũ chuột phá hoại hoàn toàn, buộc phải cắt về cho bò ăn.
Lúa là một trong những loại cây trồng bị chuột phá hoại nhiều nhất
Ông Trần Thanh Long - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thạnh cho biết, trước tình hình chuột phá hoại mùa màng, để hạn chế thiệt hại, Hội đã khuyến cáo người dân sử dụng các phương pháp diệt chuột truyền thống, như cắm nêu xua đuổi chuột, che chắn ruộng bằng lưới, bạt xung quanh, sử dụng bẫy và thuốc diệt chuột... Đồng thời, Hội cũng đã động viên bà con tích cực thăm đồng, tổ chức diệt chuột từ các hang ổ xung quanh khu vực ruộng lúa.
Để chủ động công tác phòng chống, giảm tối đa thiệt hại do chuột gây ra, góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp, ngày 19.12, Bộ NN&PTNT đã có chỉ thị số 9864/CT-BNN-BVTV về việc tăng cường công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt. Theo đó, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì phối hợp với các ngành xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch diệt chuột bảo vệ sản xuất với các kế hoạch cụ thể.
Ngành nông nghiệp phối hợp với các ban, ngành đoàn thể địa phương tổ chức, phát động các đợt diệt chuột tập trung vào thời gian chuột chưa sinh sản, giai đoạn chuyển tiếp giữa các vụ sản xuất (khi đồng trắng), giữa các vụ gieo trồng hoặc trong các đợt lũ khi chuột còn đang co cụm.
Tùy theo tình hình cụ thể, tiến hành 3 - 5 đợt diệt chuột/năm, thực hiện đồng bộ các biện pháp diệt chuột, trong đó coi trọng các biện pháp thủ công như đào, bắt, bẫy chuột và áp dụng các biện pháp diệt chuột sinh học, hạn chế tối đa việc dùng các chất hóa học độc hại, tuyệt đối không dùng các loại thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, dùng điện và các biện pháp gây nguy hiểm cho người và vật nuôi để diệt chuột;
Bộ NN&PTNT khuyến khích diệt chuột bằng các biệt pháp thủ công như đào, bắt, bẫy..
Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng của địa phương phối hợp với cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền về tác hại của chuột và hướng dẫn các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả; Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, hướng dẫn các biệt pháp diệt chuột cho hộ nông dân, phối hợp các xã, hợp tác xã thực hiện;
Các đơn vị chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV tại địa phương, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục và các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người và vật nuôi…