Ông Trần Bắc Hà và dàn cựu lãnh đạo BIDV bị khởi tố
Ngày 22.11.2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với 4 bị can về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ông Trần Bắc Hà (ảnh IT).
Cụ thể gồm: Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV), Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV; Kiều Đình Hòa, nguyên Giám đốc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh; Lê Thị Vân Anh, nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh.
Sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, ngày 29.11.2018, C03 đã thực hiện tống đạt các Quyết định và thi hành Lệnh bắt, khám xét đối với 4 bị can.
Trước đó tại kỳ họp thứ 27 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (cuối tháng 6.2018), cơ quan này thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trần Bắc Hà.
Hàng loạt cựu lãnh đạo MobiFone bị khởi tố vì thương vụ AVG
Tháng 7/2018, Bộ Công an thông báo, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Lãnh đạo Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang điều tra xác minh sai phạm trong việc Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Ông Lê Nam Trà khi còn đương chức
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 10/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra các Quyết định: Khởi tố vụ án hình sự số 26/C46-P13 về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015, xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone - Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan.
Cơ quan điều tra Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với ông Lê Nam Trà, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty MobiFone.
Hai bị can Cao Duy Hải (trái) và Phạm Thị Phương Anh (phải)
Mở rộng điều tra vụ án trên, ngày 12/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Cao Duy Hải (cựu Tổng Giám đốc MobiFone) và bà Phạm Thị Phương Anh (Phó Tổng Giám đốc Mobifone) về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”, theo khoản 3 điều 220 Bộ luật Hình sự 2015.
Bắt cựu Tổng Giám đốc Vinashin
Ngày 10/12, Bộ Công an cho biết, C03 -Bộ Công an đang điều tra mở rộng vụ án “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam – Vinashin (nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - SBIC) theo Quyết định nhập vụ án hình sự số 04/C46-P11 ngày 5/6/2018 của C03.
Bị can Trương Văn Tuyến; bị can Phạm Thanh Sơn. (Ảnh: Bộ Công an)
Quá trình điều tra vụ án xác định: Trương Văn Tuyến, nguyên Tổng Giám đốc Vinashin; Phạm Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc SBIC đã có hành vi: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn, ký duyệt gửi tiền có kỳ hạn của Tập đoàn Vinashin (nay là SBIC) vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) trái quy định pháp luật, đồng phạm với Trần Đức Chính, kế toán toán trưởng Tập đoàn Vinashin trong việc chiếm đoạt hơn 105 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất từ Oceanbank.
Ngày 6/12/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam; Lệnh khám xét đối với Trương Văn Tuyến và Phạm Thanh Sơn về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, quy định tại Điều 355, Bộ luật Hình sự 2015.
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, ngày 10/12/2018, C03 đã thi hành các Quyết định và Lệnh nêu trên.
Bị can Nguyễn Ngọc Sự. (Ảnh: Bộ Công an)
Liên quan tới việc chiếm đoạt hơn 105 tỉ đồng tiền ngoài lãi suất từ Oceanbank, trước đó vào tháng 1/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Nguyễn Ngọc Sự (nguyên Chủ tịch HĐTV Vinashin) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cựu Tổng giám đốc PVB bị bắt vì sai phạm trong vụ Ethanol Phú Thọ
Tháng 6/2018, Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam Vũ Thanh Hà (SN 1962), nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB) để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” trong quá trình thực hiện Dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ).
Ethanol Phú Thọ là dự án nguyên liệu sinh học nhằm sản xuất ethanol làm nguyên liệu phối trộn tạo xăng sinh học, được PVB khởi công từ tháng 6/2009, trên diện tích 50ha (chủ yếu là đất trồng lúa của nhân dân huyện Tam Nông, Phú Thọ). Dự án có vốn đầu tư ban đầu là khoảng 1.700 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên hơn 2.400 tỷ đồng.
Mặc dù dự án này được triển khai sớm nhất trong 3 dự án sản xuất Ethanol nhiên liệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), song đến nay vẫn chưa hoàn thành do nhà thầu Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) dừng thi công từ tháng 11/2011.
Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP), dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ đã tiêu tốn hơn 1.534 tỷ đồng nhưng đến thời điểm thực hiện thanh tra (tháng 9/2016) vẫn dang dở, bế tắc. Trước những sai phạm phát hiện trong quá trình thanh tra, TTCP đã chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để tiếp tục điều tra và xử lý những sai phạm tại dự án nghìn tỷ này.
Một loạt cựu lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố trong vụ Vũ “nhôm”
Ngày 9/8/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm” - PV) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cơ quan điều tra khám nhà bị can Thạch ở phường Hòa Cường Bắc. (Ảnh: Báo Người lao động)
Đồng thời cơ quan này cũng ra các quyết định khởi tố bị can về cùng tội danh trên, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Nguyễn Công Lang (nguyên giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng); ông Phan Ngọc Thạch (nguyên tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Đà Nẵng); ông Trần Phi (nguyên tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng) và ông Huỳnh Tấn Lộc (tổng giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng).
Cùng ngày, lực lượng chức năng cũng đã thực hiện lệnh khám xét chỗ ở đối với bốn bị can trên.
Cả 4 người trên đều nằm trong số những người vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, liên quan đến hoạt động mua bán nhà đất công sản trong vụ án Phan Văn Anh Vũ.
Cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam cựu Chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển...